'Tứ khổ' của giới trẻ Mỹ

Phong trào "Chiếm lấy phố Wall" lan tới nhiều trường ĐH ở Mỹ
Phong trào "Chiếm lấy phố Wall" lan tới nhiều trường ĐH ở Mỹ
TP - Nhiều bạn trẻ Mỹ (18 - 29 tuổi) than phiền phải đối mặt 4 nỗi khổ lớn trong thời khủng hoảng kinh tế.

> 'Chiếm phố Wall' sẽ lên phim
> Bắt bệnh nước Mỹ từ 'Chiếm phố Wall'

Phong trào
Phong trào "Chiếm lấy phố Wall" lan tới nhiều trường ĐH ở Mỹ.
 

Nợ chồng chất

Bằng ĐH được xem như chìa khoá thành công suốt nửa thế kỷ qua, nhưng theo khảo sát gần đây có tới 46% bạn trẻ Mỹ được hỏi bị nợ nần chồng chất ám ảnh suốt 4 năm ĐH. Năm 2008, 2/3 SV tốt nghiệp còn nợ trên 23.000 USD/người, nhiều gấp đôi so với năm 2001. Trong tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay, việc trả nợ lại càng khó khăn hơn với nhiều người vừa tốt nghiệp.

Earl Wong, cố vấn tài chính của Wells Fargo Advisors ở San Diego, khuyên, để giảm dần gánh nặng nợ nần và có tiền tích luỹ cho các mục tiêu tương lai, bạn trẻ cần có sự ưu tiên và kiểm soát trong chi tiêu. "Các mục tiêu của người trẻ thường ngắn hạn: Thoát khỏi nợ nần, có xe ôtô mới, có nơi ở riêng. Chúng ta nên viết ra giấy mục tiêu ưu tiên và phát triển kế hoạch".

Thu nhập thấp

John Irons, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Kinh tế ở Washington, cho rằng, người trẻ tốt nghiệp ĐH vào thời khủng hoảng phải chờ vài ba năm khi kinh tế hồi phục mới có được mức thu nhập bình thường.

Theo một số nghiên cứu khác ở Mỹ, Canada, phải mất một thập kỷ, bạn trẻ hiện nay mới có được mức thu nhập như SV tốt nghiệp vào thời kỳ kinh tế phát triển tốt. Những sinh viên bị ảnh hưởng nhiều nhất rơi vào nhóm học các trường ít danh tiếng và thiếu định hướng nghề nghiệp. Các chuyên gia khuyên bạn trẻ cần năng động trong công việc.

Không nhà

Theo nghiên cứu của ĐH Harvard, từ năm 2005 tới 2010 có 1,6 triệu bạn trẻ chuyển về sống với bố mẹ vì không đủ tiền mua hoặc thuê nhà ở riêng. Giá nhà đất nhờ thế cũng giảm mạnh và nhiều bạn trẻ chuyển sang thuê nhà.

"Tôi không đồng tình với suy nghĩ rằng phải mua một ngôi nhà mới được cho là giàu có. Nhà không phải là một khoản đầu tư mà là một quyết định về lối sống", Stuart Ritter, Phó chủ tịch Cty Dịch vụ đầu tư giá T. Rowe, khuyên bạn trẻ.

Mờ mịt phúc lợi xã hội

"Tôi nghĩ giới trẻ ngày nay khi đến tuổi về hưu vẫn còn được hưởng phúc lợi xã hội, nhưng họ sẽ phải làm việc dài hơn và phải có khoản tiết kiệm riêng để phòng thân", Ronald Lee, giáo sư nhân khẩu học và kinh tế của ĐH California, nói. Các chuyên gia dự đoán tuổi về hưu có thể tăng lên 67, thậm chí 70.

Để tránh lâm vào tình cảnh khó khăn khi về già, các chuyên gia khuyên bạn trẻ ngày nay đi làm nên tiết kiệm khoảng 15% từ thu nhập, cân nhắc mua cổ phiếu đang có giá rất thấp.

M.C
Theo CSmonitor

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG