Tự do hàng hải dễ bị lợi dụng để xâm phạm chủ quyền?

ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi). Ảnh Như Ý.
ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi). Ảnh Như Ý.
TPO - Theo Đại biểu (ĐB) Quốc hội Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi), dự thảo Bộ luật Hàng hải sửa đổi quy định nghiêm cấm ngăn chặn, cản trở quyền tự do hàng hải trên biển nhưng cần phải quy rõ nội dung này để tránh bị lợi dụng việc đi lại tự do trên biển, xâm hại chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 22/6, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, phải củng cố địa vị pháp lý và sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức hợp lý để nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời phải coi trọng duy trì bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải đi đôi với đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền tự do hàng hải trên biển theo quy định của Hiến pháp, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, dự thảo Bộ luật Hàng hải quy định nghiêm cấm ngăn chặn, cản trở quyền tự do hàng hải trên biển nhưng nếu không quy rõ nội dung này có thể dẫn đến bị lợi dụng việc đi lại tự do trên biển, xâm hại chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam. 

Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 thừa nhận quyền qua lại không gây hại của tàu thuyền nước ngoài ở vùng lãnh hải 12 hải lý, nhưng lại không quy định đó là tàu chiến hay tàu hàng. “Cần cảnh giác với quy định “nửa vời” này để tránh vi phạm chủ quyền trên biển của quốc gia khác”, ĐB Lan nói.

Đồng quan điểm trên, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng bày tỏ sự lo ngại về việc phân biệt tàu dân sự và quân sự hoạt động động trên biển. Gần đây, các tranh chấp trên biển Đông đã và đang diễn ra ngày càng căng thẳng, phức tạp, đặc biệt, Trung Quốc là nước bất chấp luật pháp quốc tế. Nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc đã công khai tuyên bố sẽ sản xuất các loại tàu thuyền lưỡng dụng, không chỉ phục vụ mục đích dân sự - kinh tế mà còn có thể sử dụng vào mục đích quân sự.

Tuy nhiên, theo ĐB Khánh, Dự thảo Luật lại chưa cập nhật những thông tin về tình hình biển Đông, dễ dẫn tới không ổn định và phải cập nhật, sửa đổi. ĐB Khánh đề nghị quy định rõ các loại tàu, thuyền, các thiết bị nổi và các loại thiết bị chìm… không phân biệt mục đích quân sự hay dân sự để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lưỡng dụng khi cần thiết.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), đánh giá, Luật Hàng hải 2005 đã được soạn thảo khá công phu nhưng việc trích dẫn không đầy đủ những quy định của một số điều ước, thông lệ quốc tế dẫn đến bất cập khi vận dụng trong thực tiễn. 

“Nhiều trường hợp khi xảy ra tranh chấp, các bên phải căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng, các điều ước, thông lệ quốc tế để giải quyết. Ngành hàng hải có đặc thù hội nhập quốc tế rất cao và rất sớm, cho nên ở lần sửa đổi này, những vấn đề đã được quy định chi tiết, đầy đủ tại các công ước, thông lệ quốc tế mà Việt Nam có tham gia thành viên, đề nghị áp dụng theo thông lệ quốc tế”, ĐB Thường nêu.

MỚI - NÓNG