Trong đêm chung kết TechStart 2022 - cuộc thi Sáng tạo Khởi nghiệp Công nghệ do Trường Đại học (ĐH) Bách Khoa tổ chức, dự án AtFarm_S - hệ thống kiểm soát khí hậu chuồng nuôi đã xuất sắc giành giải nhất chung cuộc.
Nguyễn Khắc Tùng, thành viên của nhóm AtFarm_S và hệ thống SACS_V20 tại một trang trại chăn nuôi |
Tại đây, CTO AtFarm_S Trịnh Tuấn đã chia sẻ với ban giám khảo câu chuyện khởi nguồn của sản phẩm.
Tuấn cho biết sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nên từ nhỏ em đã có niềm đam mê với nông nghiệp. Vì thế, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành Tin học Công nghiệp, Tuấn dành gần 1 năm làm trong các trang trại lợn để hiểu hơn về ngành chăn nuôi ở Việt Nam.
“Em đã được lắng nghe những câu chuyện đau lòng của các bác nhà nông, như chuyện của bác trai tại Thái Nguyên có 350 con lợn chuẩn bị xuất chuồng với tổng giá 3,5 tỷ đồng đã chết ngạt hoàn toàn chỉ vì sự cố mất điện một pha. Từ những trải nghiệm đó, hệ thống kiểm soát khí hậu chuồng nuôi SACS_V20 đã được ra đời" Tuấn nói.
Theo giới thiệu của Tuấn, cảm biến chất lượng môi trường của hệ thống SACS_V20 sẽ đo những chỉ tiêu về môi trường trong chuồng nuôi và gửi về tủ điều khiển. Tủ điều khiển sử dụng những dữ liệu này để điều khiển quạt thông gió, sao cho đảm bảo các chỉ tiêu về mặt môi trường mà người dùng đã cài đặt trước.
Hệ thống cảnh báo sẽ được kích hoạt bất cứ khi nào sự cố xảy ra, nhờ đó mà: giảm rủi ro về điện đối với chuồng nuôi; giảm chi phí sử dụng điện; giảm chi phí trong vận hành, sửa chữa và thay mới đối với các thiết bị điện; nâng cao hệ số xuất chuồng cho các đàn vật nuôi.
Hệ thống SACS_V20 gồm: hộp cảm biến, tủ điều khiển trung tâm và hệ thống còi cảnh báo. Hộp cảm biến sẽ đo chất lượng không khí trong chuồng nuôi rồi đưa về tủ điều khiển. Tại đây, tủ điều khiển trung tâm sẽ phân tích các thông số, sau đó xuất lệnh để điều chỉnh tốc độ dàn quạt sao cho không khí lưu thông trong chuồng là thích hợp, tốt nhất theo chế độ đã được cài đặt. Hệ thống còi cảnh báo có vai trò báo động cho người trực, nhân viên kỹ thuật về sự cố dàn quạt rồi nhanh chóng đến trại để kiểm tra, xử lý.
Khi được ban giám khảo và các nhà đầu tư chất vất về sự đóng góp của sản phẩm trong việc kiểm soát khí hậu chuồng nuôi, thành viên AtFarm_S lấy ví dụ cụ thể như vận hành chuồng nuôi, nông dân sẽ sử dụng lưới điện 3 pha 4 dây hoặc 3 pha 5 dây. Ví dụ trang trại ở Thái Nguyên, chuồng nuôi mất điện 1 pha trong đêm nhưng pha điện sinh hoạt vẫn có, nhà ở công nhân vẫn bình thường nên chuồng mất điện mà không biết. Toàn bộ 350 con lợn ở đây đã chết ngạt.
Trong khi đó, giải pháp của hệ thống SACS_V20 là, khi có sự cố về điện xảy ra, hệ thống sẽ cảnh báo cho người công nhân hoặc người trực kiểm tra, để họ có biện pháp xử lý và tránh rủi ro lợn bị chết.
Nhóm cũng khẳng định đây là vấn đề thường xuyên xảy ra tại các chuồng nuôi. Thực tế triển khai cho một trang trại 8 năm tuổi ở Nghệ An cho thấy, sự cố điện áp thấp trong chuồng thường xuyên xảy ra. Khi có mưa gió lớn, các điểm phân chia dây tiếp xúc không tốt và gần như điện áp không được đảm bảo. Tần suất xảy ra trong mùa khô ít hơn nhưng trong những tháng mùa mưa bão, tần suất xảy ra sự cố rất lớn.
Hệ thống máy được lắp đặt nhiều ở khu vực Nghệ An, Cao Bằng và nhận được 90% phản hồi tích cực, 50% số lượng khách hàng quay lại.
Bước đầu tạo được chỗ đứng trên thị trường
Để có thành quả như hôm nay, Nguyễn Khắc Tùng, thành viên trong nhóm, cho biết nhóm cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn. Khó khăn khi đặt linh kiện từ nước ngoài do dịch COVID-19 khiến việc vận chuyển bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, hệ thống sản phẩm được lắp đặt, thử nghiệm ở những nơi thời tiết khắc nghiệt, xa xôi (Nghệ An, Cao Bằng). Có những đêm, Tùng và các cộng sự thức trắng vì ở đó thời tiết quá lạnh, chỗ ngủ nghỉ không được đảm bảo nhưng sáng hôm sau mọi người vẫn làm việc bình thường.
Ứng dụng hệ thống SACS_V20 tại một trang trại chăn nuôi lợn ở Cao Bằng |
Có lẽ, đó chính là sự đam mê, gắn bó, yêu nghề của những chàng trai kỹ thuật như Tùng với mong muốn được cống hiến và kiến tạo cho nền nông nghiệp hiện đại của Việt Nam.
Chính chức năng, lợi ích và những điểm nổi trội trên của tủ điều khiển không khí thông minh SACS_V20 nên nhiều hộ chăn nuôi đã lắp đặt, sử dụng và trở thành khách quen.
Về chiến lược bán hàng, nhóm các nhà sáng lập hướng đến 2 phân đoạn thị trường quan trọng. Thứ nhất là khách hàng B2C, bao gồm các chủ các trang trại và các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn như CP, Masan, Hoà Phát. Thứ hai là B2B, bao gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ cho ngành chăn nuôi như Dabaco,..
Đi cùng với kế hoạch doanh thu là kế hoạch phát triển sản phẩm, từng bước áp dụng công nghệ IoT và sau đó là AI để đưa ra các dự báo sớm về các sự cố tiềm năng, đồng thời mở rộng dòng sản phẩm phục vụ chăn nuôi thuỷ hải sản (đặc biệt là tôm), gà. Nhóm không giấu tham vọng muốn trở thành doanh nghiệp đi đầu tại Việt Nam về chăn nuôi công nghệ cao.
Với 650 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu, nhóm AtFarm_S dự tính sẽ hoàn vốn sau 2,5 năm, doanh thu hoàn vốn mỗi năm là 2,7 tỷ đồng, tương đương 110 sản phẩm/năm. Bên cạnh đó, nhóm kỳ vọng chiếm 6,8% thị phần vào năm 2025.
Trong khi hầu hết các nhóm dự thi đều chưa có doanh thu hoặc sản phẩm chưa hoàn thiện thì trong năm 2021, hệ thống kiểm soát khí hậu chuồng nuôi đã mang về cho nhóm hơn 1 tỷ đồng.