Từ dịch COVID-19, nghĩ về việc đào tạo nhân lực vận hành máy thở

Theo các chuyên gia y tế, cần xây dựng các chương trình đào tạo chính quy, bài bản về sử dụng máy thở hồi sức
Theo các chuyên gia y tế, cần xây dựng các chương trình đào tạo chính quy, bài bản về sử dụng máy thở hồi sức
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, việc không để Việt Nam có làn sóng bùng phát thứ 2 được xem là tối quan trọng khi bài toán đáp ứng đủ máy thở và nhân lực vận hành máy đang là vấn đề đặt ra.

Cảnh báo nguy cơ thiếu máy thở

Máy thở là nhóm thiết bị không thể thiếu trong quá trình hồi sức cấp cứu, điều trị tích cực (ICU) cho bệnh nhân. Với phòng ICU, do đặc thù có thể ảnh hưởng lớn đến tính mạng bệnh nhân nên các bệnh viện cần trang bị loại máy thở hiện đại, chuyên dùng cho hồi sức.

Tuy nhiên loại máy thở có thể sử dụng trong phòng ICU của các bệnh viện thường có giá thành cao và phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đặc biệt, việc nhập khẩu máy thở trở nên rất khó khăn khi đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới.

Theo tìm hiểu, tại thị trường Mỹ, các loại máy thở hiện đại, chuyên dụng này có giá thành khoảng 25.000 - 50.000 USD (khoảng 600 triệu tới 1,2 tỷ đồng), tùy theo công nghệ sản xuất, độ tinh vi của phần mềm, độ nhạy của bộ vi xử lý, cũng như các “options” đi kèm. Mức giá trên còn chưa bao gồm chi phí nhập khẩu, kho vận, các dịch vụ kỹ thuật… nên để loại máy thở cao cấp này về tới Việt Nam, cần đầu tư chi phí cao hơn nữa.

Theo nghiên cứu chung của các nước đang điều trị dịch COVID - 19, bình quân cứ 1.000 bệnh nhân thì sẽ có 200 ca bệnh nhân nặng cần hỗ trợ thở, trong đó, khoảng 50 - 70 bệnh nhân suy hô hấp nặng cần hỗ trợ điều trị bằng máy thở hồi sức hiện đại.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, cả nước hiện chỉ có khoảng 6.000 máy thở (gồm tất cả các loại), số lượng này chưa đủ đáp ứng nhu cầu điều trị trong trạng thái bình thường. Trong bối cảnh làn sóng dịch có nguy cơ bùng phát lần thứ hai, việc thiếu máy thở chuyên dùng cho hồi sức có thể sẽ là nguyên nhân trực tiếp khiến Việt Nam “vỡ trận” trước COVID-19 nếu có quá nhiều ca bệnh nặng.

Trong bối cảnh nhu cầu máy thở tăng cao trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển đã siết chặt quy định xuất khẩu máy thở nhằm phục vụ nhu cầu trong nước, dẫn tới việc Việt Nam khan hiếm nguồn cung máy thở hồi sức. Được biết ngành y tế đã nỗ lực thương thảo và nhập khẩu thêm máy thở.

Rất thiếu bác sĩ “thở máy”

Theo các đánh giá từ giới chuyên môn tại Việt Nam, số bác sĩ trong nước có kiến thức chuyên sâu về máy thở, hay còn gọi là chuyên gia “thở máy”, có thể đếm trên đầu ngón tay. Việc thiếu cả máy thở hồi sức và bác sĩ đủ tay nghề để vận hành đang đặt y tế Việt Nam trước nguy cơ thử thách lớn nếu không kiểm soát dịch tốt.

Hiện nay, quá trình đào tạo nhân lực vận hành máy thở tại Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào một số đơn vị cung ứng máy thở, bệnh viện và chuyên gia, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nhân lực “thở máy” nếu dịch bùng phát mạnh và số người nhiễm virus SARS CoV-2 gia tăng mạnh.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam phát biểu tại 1 cuộc họp về ứng phó với COVID-19 tại Bộ Y tế về việc hiện ngành y tế trong nước đang thiếu nhân lực vận hành các thiết bị y tế hiện đại, trong đó có máy thở hồi sức.

“Do thiếu nhân lực nên khi dịch bệnh bùng phát, chúng ta sẽ phải huy động thêm cả các bác sỹ không thuộc chuyên ngành hồi sức tới giúp đỡ. Nhưng khó khăn đặt ra là họ không quen với việc theo dõi diễn biến, chẩn đoán cũng như sử dụng các thiết bị chuyên dùng trong hồi sức như như máy thở. Nếu người sử dụng trang thiết bị không có đủ kiến thức, kinh nghiệm, chắc chắn là hiệu quả sử dụng các trang thiết bị sẽ rất thấp”, GS.TS Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh.

Trong bối cảnh chưa có lộ trình đào tạo cụ thể của ngành y tế để bổ sung nhân lực “thở máy” hậu COVID-19, việc áp dụng các giải pháp công nghệ 4.0 là phương án đang được ưu tiên nhờ tính khả thi cao. Nhờ công nghệ kết nối dữ liệu khám chữa bệnh, các chuyên gia vận hành máy thở có thể trực tiếp hỗ trợ chuyên môn từ xa cho đội ngũ y tế tại các bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là các bệnh viện ở vùng sâu vùng xa, khu vực cách ly.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình đào tạo chính quy, bài bản về sử dụng máy thở hồi sức cũng là vấn đề cần được cấp thiết thực hiện để y tế Việt Nam có được giải pháp dài hạn, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

MỚI - NÓNG