TP - “Đám cưới chuột” là bức tranh được nhiều người biết đến nhất của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Từ bức tranh nổi tiếng này, nhớ về dòng tranh Đông Hồ trong tết xưa và sự tồn tại của dòng tranh này hiện nay.
Từ bức tranh “Đám cưới chuột”…
Về xã Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) vào dịp cuối năm, tôi gặp lại chị Nguyễn Thị Oanh, nữ “nghệ nhân làng nghề Việt Nam” đầu tiên của làng tranh Đông Hồ. Chị Oanh là con dâu trưởng của cụ Nguyễn Hữu Sam, một nhân chứng hiếm hoi từng tham dự chợ tranh tết cuối cùng của làng tranh Đông Hồ năm xưa. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam nay đã mất, và chị Oanh tiếp tục duy trì nghề làm tranh truyền thống từ gia đình nhà chồng để lại.
Một số tranh Đông Hồ được lồng trong khung kính tại nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh Tại nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, tôi thấy bức tranh “Đám cưới chuột” được xếp ở vị trí trung tâm, bên cạnh là một số bức tranh truyền thống khác của làng tranh Đông Hồ như “Tiến tài - Tiến lộc”, “Vinh hoa - Phú quý”, “Gà đàn”, “Lợn đàn”… Thời điểm cuối năm này, chị Oanh khá bận rộn nên vừa tiếp tôi vừa tranh thủ làm tranh tết. Tỉ mỉ vẽ bức tranh “Đám cưới chuột” trên tờ giấy dó khổ lớn, chị cho biết: “Bây giờ một số người thích tranh to hơn nên không thể dùng khuôn cũ để in, do vậy tôi đã vẽ bức tranh này giống như bản in. Màu để vẽ tranh cũng là màu in tranh. Có điều, tranh vẽ tốn nhiều thời gian hơn tranh in, nhưng được một số người chơi tranh thích vì được làm thủ công”.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh vẽ bức tranh “Đám cưới chuột”
Ảnh: KIẾN NGHĨA
Chị Oanh cho hay, “Đám cưới chuột” là bức tranh được nhiều người biết đến của dòng tranh Đông Hồ, năm mới lại ứng vào con chuột nên bức tranh này càng được chú ý hơn. “Tôi sinh năm Canh Tý (1960), nên từ nhỏ đã thích bức tranh ứng với tuổi mình, đồng thời cũng được các cụ chỉ dạy nên hiều được ý nghĩa của “Đám cưới chuột” từ sớm”- nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh chia sẻ, rồi chỉ vào bức tranh sắp hoàn thành, bà cho biết ý nghĩa của “Đám cưới chuột”. Một đám cưới linh đình có chàng chuột cưỡi ngựa đi trước, theo sau là kiệu rước nàng chuột, nhưng trên đường rước dâu lại có một lão mèo già to béo trấn giữ, đe dọa. Vì thế, họ hàng nhà chuột buộc phải cử một nhóm mang cá, chim đến cống nạp, đồng thời còn kèm cả nhạc lễ để bày tỏ sự vui mừng, nhằm dọn đường cho đám rước dâu được đầu xuôi đuôi lọt.“Nét độc đáo của bức tranh là tiếng cười vừa hóm hỉnh, vừa sâu cay của người dân lao động khi luôn phải sống trong sự áp bức của bọn tham quan. Đó chính là ý nghĩa xuyên thời đại của “Đám cưới chuột”, vì thế, trải qua vài thế kỷ bức tranh luôn được người chơi tranh yêu thích” - nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh cho biết. Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh chia sẻ, xưa kia, tranh Đông Hồ còn gọi là tranh Tết. Vì thế nhà thơ Tú Xương đã có câu thơ “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/Lòe loẹt trên vách bức tranh gà” để mô tả hai bức tranh tiêu biểu “Đám cưới chuột” và “Gà đàn” của dòng tranh Đông Hồ. Ngày đó, cứ vào dịp cuối năm, cả làng Đông Hồ lại tất bật chuẩn bị cho mùa tranh tết. Tranh Đông Hồ được làm từ những chất liệu có sẵn trong thiên nhiên, mang bản sắc văn hóa tao nhã của người Việt. Tranh được in trên giấy dó, loại giấy làm từ cây dó, chất liệu giấy xốp nên dễ bắt màu, dễ hút và thoát ẩm. Giấy được quết một loại hỗn hợp được chế từ vỏ con điệp, tạo cho giấy có màu trắng với lấp lánh những mảnh điệp nhỏ, được gọi là giấy điệp. Tranh có năm màu chủ đạo đều được lấy từ tự nhiên, như màu đỏ khai thác từ đất của đồi núi, màu vàng chắt lọc từ hoa hòe, màu xanh chế từ thân cây mềm, màu đen từ tro của lá tre, màu trắng từ vỏ con điệp. Các bản khắc tranh được làm từ gỗ thị, một loại gỗ dai và quánh, khi khắc dù là những nét rất nhỏ vẫn không bị vỡ. Nhưng đáng kể hơn cả là nội dung các bức tranh Đông Hồ thể hiện được ý tứ sâu xa của cha ông được đúc kết từ cuộc sống. Cùng với “Đám cưới chuột”, những bức tranh dân gian khác như đàn gà, đàn lợn, chơi đu, đấu vật, hứng dừa, bịt mắt bắt dê… đều được những nghệ nhân Đông Hồ phản ánh sâu sắc và hóm hỉnh trong các bức tranh tết. … đến tranh Đông Hồ xưa, nay
Nhiều năm nay, do quy luật thị trường, phần lớn người dân làng Hồ đã chuyển sang làm vàng mã. Trụ lại với nghề làm tranh truyền thống hiện chỉ còn hai gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Đăng Chế. Điều này khiến tôi nhớ lại gần chục năm trước, khi về đây để gặp nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, tôi được cụ kể cho nghe trước đây, cứ vào dịp tháng Chạp âm lịch hằng năm, người dân làng Hồ bắt đầu tổ chức những buổi chợ chỉ để bán tranh. Chợ tranh tết làng Hồ ngày đó nhộn nhịp kẻ bán người mua, không phân biệt sang hèn, nhiều hay ít tiền. Người dân tìm thấy ở tranh Đông Hồ những điều bình dị, ấm cúng trong đời sống hàng ngày nên muốn lưu giữ điều đó trong dịp tết. Tranh Đông Hồ dùng để dán trên tường khiến nhà như bừng sáng trong dịp tết đến xuân về. Nhiều ngày sau tết, người dân dần gỡ bỏ tranh cũ để năm sau lại ra chợ mua tranh mới về dán.“Tết Ất Dậu 1945, khi mới hơn mười tuổi, tôi cùng bố mẹ mang tranh ra chợ bán, không ngờ đó là chợ tranh tết cuối cùng của làng mình. Bởi một năm sau, khi quân Pháp kéo lên bờ bên kia sông Đuống, người dân làng Hồ phải lũ lượt gánh gồng di tản, chợ tranh tết qua đó cũng mất đi”- nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam ngày đó cho biết.
Tranh “Đám cưới chuột”
Khi chợ tranh tết Đông Hồ năm xưa giờ đã là là quá khứ, thì những năm gần đây người dân bắt đầu tìm về làng Hồ nhiều hơn để mua tranh dịp tết. Những bức tranh truyền thống như “Đám cưới chuột”, “Gà đàn”, “Lợn đàn”… thường được người dân chọn mua. Từ câu chuyện năm xưa của bố chồng, chị Oanh cũng sáng tác thêm một số bức tranh mới như “Chợ tranh ngày tết”, “Hát thuyền”, “Chợ quê”… để làm phong phú thêm dòng tranh dân gian Đông Hồ. Bên cạnh đó, khoảng chục năm gần đây, gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh cũng làm lịch treo tường với hình ảnh là những bức tranh Đông Hồ tiêu biểu. Năm nay, bức tranh “Đám cưới chuột” được đưa ở tờ lịch đầu tiên, ứng với dịp Tết Nguyên đán. Chị Oanh cho biết, để theo kịp cuộc sống hiện đại, gia đình cũng không ngừng nâng cấp hình thức của tranh, làm cho mẫu mã tranh đẹp hơn mới thu hút được khách hàng. Bởi nếu như trước kia, tranh Đông Hồ thường được người dân chơi trong năm, sau đó bỏ đi để năm mới lại mua tranh khác về dán, thì ngày nay tranh được sử dụng lâu năm. Do đó, tranh của gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh được lồng trong khung kính, hoặc dán lên những tấm mành làm bằng nan tre để tiện cho việc trang trí.
Cố thi sĩ Hoàng Cầm đã có một câu thơ rất hay về dòng tranh này, gợi lên nét tươi mới của mùa xuân: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.
“Qua việc khách hàng đến mua tranh, tôi nhận thấy trong xã hội hiện đại, có người lại thích vẻ đẹp mộc mạc giản dị của tranh Đông Hồ nên chọn để chơi, nhất là vào dịp tết”.
Nghệ nhân
Nguyễn Thị Oanh cho biết