Tự chủ toàn diện 4 bệnh viện lớn: Thận trọng khi triển khai tiếp

0:00 / 0:00
0:00
BV Bạch Mai, nơi triển khai thí điểm tự chủ toàn diện BV
BV Bạch Mai, nơi triển khai thí điểm tự chủ toàn diện BV
TP - Hơn một năm qua, 4 bệnh viện (BV) lớn thuộc “tốp” đầu cả nước gồm BV Bạch Mai, K, Việt Đức và Chợ Rẫy được đưa vào thí điểm tự chủ toàn diện. Tuy nhiên, 2 BV triển khai thí điểm thực sự đã bộc lộ một số bất cập.

Ngày 19/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 33 phê duyệt đề án thí điểm tự chủ toàn diện đối với Bạch Mai, K, Việt Đức và Chợ Rẫy. Theo đề án, tự chủ ở BV công lập được đánh giá là xu thế tất yếu và để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Thực tế, lâu nay các BV đã tự chủ phần lớn, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, bộ máy, tự bảo đảm chi thường xuyên...

Cụ thể, các BV trên đã tự chủ tổ chức, nhân sự theo Điều 66 Nghị định 115 ban hành ngày 25/9/2020 của Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1772, ngày 20/4/2020 phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua thuốc, hàng hóa, dịch vụ…; Quyết định số 1814, ngày 21/4/2020 phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản cố định... Hai văn bản này đã cho phép các BV chủ động hầu hết, trừ xây dựng cơ bản.

Hình thức tự chủ này so với tự chủ toàn diện theo Nghị Quyết 33 được đánh giá là gần giống nhau, chỉ khác ở chỗ tự chủ chi đầu tư.

Theo Nghị Quyết 33, khi tự chủ toàn diện, 4 BV được quyết nhiều việc mà không cần phải thông qua Bộ Y tế. Đó là quyết định về quy mô BV, được quyền lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn… Bên cạnh đó, khi tự chủ, các BV sẽ như doanh nghiệp, có Hội đồng quản lý (HĐQL). HĐQL có quyền thành lập, giải thể các BV thành viên; điều động, miễn nhiệm với tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc…; có quyền thuê tổng giám đốc.

Tuy nhiên trên thực tế, vị trí chủ tịch HĐQL, ban giám đốc các BV này đều do Bộ Y tế bổ nhiệm. Hiện tại, pháp luật cũng chưa có những quy định cụ thể về những thẩm quyền trên của BV khi triển khai tự chủ. Mặt khác, theo Nghị Quyết 33 về tự chủ toàn diện, khi bắt đầu triển khai thì Giám đốc BV đương nhiệm sẽ kiêm chủ tịch HĐQL.

Điểm mâu thuẫn nữa là tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2020, Nghị Quyết 117 ngày 9/12/2019 của Chính phủ đã ra đời, yêu cầu Bộ Y tế tổ chức và nhân sự theo hướng “chủ tịch HĐQL không kiêm nhiệm tổng giám đốc/giám đốc BV” trong thời gian thực hiện thí điểm. Điều này lại mâu thuẫn với Nghị Quyết số 33 trước đó yêu cầu chủ tịch HĐQL kiêm nhiệm tổng giám đốc/giám đốc BV hoặc được quyền bổ nhiệm, thuê giám đốc BV…

Không ít ý kiến cho rằng, ở mô hình tự chủ toàn diện, chủ tịch HĐQL BV thực tế chỉ ban hành nghị quyết, họp hội đồng. Trong khi giám đốc BV mới là người thực hiện các công việc điều hành BV. Điều này có thể dẫn đến chồng chéo, không thống nhất trong chỉ đạo, điều hành BV.

Thực tế, Bạch Mai và BV K dù đã gần hết thời gian triển khai thí điểm tự chủ nhưng các văn bản hướng dẫn quy định ban hành thống nhất cho các BV vẫn chưa có. Cụ thể: BV Bạch Mai vẫn chưa có chủ tịch HĐQL BV mà giám đốc BV sẽ kiêm nhiệm. Đây cũng là điều dẫn tới những lo lắng rằng, quyền lợi của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng, vì nếu quản lý không tốt sẽ dễ dẫn tới phía BV lạm dụng chỉ định trong khám và điều trị.

Tránh vết xe đổ

Bạch Mai là BV tiên phong thí điểm tự chủ toàn diện. Tuy nhiên, chưa hết thời gian thí điểm, tại đơn vị này hơn 220 lao động, trong đó có gần 100 bác sĩ đã xin thôi việc, nguồn thu giảm 2.000 tỷ đồng.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Y tế, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chủ trì đánh giá tình hình thực hiện thí điểm tự chủ tại BV Bạch Mai, BV K; trên cơ sở đó đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm phù hợp để áp dụng cho BV Chợ Rẫy và Việt Đức, báo cáo Thủ tướng 15/7/2021.

Để tránh vết xe đổ như BV Bạch Mai, nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm ban hành khung giá dịch vụ theo yêu cầu, tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, cần quy định cụ thể vị trí, quyền hạn người đứng đầu BV.

Trong văn bản Bộ Nội vụ trả lời Bộ GD&ĐT về Hội đồng Quản lý Trường ĐH Y Dược TPHCM mới đây, về xác định ai là người đứng đầu trường đại học công lập khi có hội đồng trường, Bộ Nội vụ cho rằng, hiệu trưởng là người đứng đầu. Vậy về phía BV giám đốc có phải là người đứng đầu?!

Đại diện nhiều BV cho rằng, trong bối cảnh chưa hoàn thiện hết quy định về tự chủ toàn diện, cần thận trọng khi tiếp tục triển khai. Cụ thể, về quy định tại Nghị Quyết 33: Khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành lập HĐQL và cử giám đốc đương nhiệm làm chủ tịch HĐQL kiêm tổng giám đốc/giám đốc BV theo đề án của mỗi BV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với thời gian tối đa 2 năm. Như vậy, chủ tịch HĐQL được kiêm giám đốc BV trong 2 năm thí điểm…

MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.