Nguyễn Vĩnh Tiến

Từ Bà tôi đến Cắt tiền duyên

Hồng Nhung trao bó hoa bày tỏ sự trân trọng với người đã viết tặng cô Thư Hà Nội Ảnh: Hòa Nguyễn
Hồng Nhung trao bó hoa bày tỏ sự trân trọng với người đã viết tặng cô Thư Hà Nội Ảnh: Hòa Nguyễn
TP - Nguyễn Vĩnh Tiến vụt sáng từ Bài hát Việt 2005 với bài hit  không giống ai Bà tôi. Bài này cùng với Bên bờ ao nhà mình của Lê Minh Sơn có thể nói mở đầu cho dòng nhạc dân gian đương đại. Cả hai đều do Ngọc Khuê trình bày và để lại dấu ấn sâu đậm đến nay chưa ai thay thế được.

Nhưng trong khi Lê Minh Sơn đã tung hoành với hàng loạt liveshow, album thì Nguyễn Vĩnh Tiến mất gần 15 năm mới có đêm nhạc đầu tiên. “Kiềng ba chân” cùng hội tụ trong đêm nhạc Tiền duyên vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nguyễn Vĩnh Tiến là tác giả của tất cả các bài hát kiêm tổng đạo diễn, dẫn chương trình. Lê Minh Sơn làm trợ lý cho Tiến. Ngọc Khuê hát nhiều nhất, đảm nhiệm những bài khoai nhất như Giọt sương bay lên, Giấc mơ dai dẳng…

Sau đêm diễn nhớ đời này, mẹ Ngọc Khuê quyết định không cho con gái hát Giấc mơ dai dẳng nữa. Vì lần nào hát bài này Khuê cũng có vấn đề về sức khỏe. Bài này lời lẽ khá mông lung, khó hiểu. Câu chuyện trong bài chỉ sáng tỏ khi tác giả tiết lộ kể về chuyến lang thang về làng cũ của một linh hồn… Lần này không ngoại lệ, Khuê phải cạo gió đen nhánh hai đồng bạc mới ra sân khấu được. Tất nhiên không ai biết vì Khuê hát vẫn phong độ, còn tỏ ra điêu luyện hơn xưa. Rõ ràng cô đã chuẩn bị chu đáo cho sự xuất hiện mang vóc dáng “vedette” của show với những bộ váy áo thiết kế đẹp, độc. 

Nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến được nhận xét là “âm tính”, nói cách khác là ký thác trong nhiều chiều không gian. Nếu trong thơ, anh đã “tiến hóa” tới độ yêu vô cơ, khí trơ (một tình yêu có phần vụ lợi vì anh lý luận đây là khởi nguồn của vũ trụ mà anh sẽ quay về), thì trong ca khúc anh có một loạt bài tán tỉnh các nàng hoa dại. Đêm nhạc mới giới thiệu hai trong số đó là Hoa mộc và Hoa dành dành. Hoa mộc cô đọng cả về nhạc lẫn lời: “Yêu hoa mộc/ Như yêu cõi mộng/ Ôi cõi mộng/ Lại không lưu tình”.

Anh quan tâm cả tới “cõi” của chuột chù, gián và đưa chúng trót lọt vào Hát ru @. Ngoài Giấc mơ dai dẳng, bài chủ đề của liveshow chính là một lời nhắn gửi tới kiều nữ đã ám ảnh Tiến trong những giấc mơ tuổi 19 khiến anh phải về nhà mách mẹ. May mẹ đưa anh lên chùa Cắt tiền duyên thành công. Thay vì thở phào như người thường, thi sĩ lại thương xót cho người âm bị trục xuất: “Cắt tiền duyên/ Đau đớn bờ đê/ Chặn lũ tràn về/ Hồn xanh xao cỏ/ Khói hương khóc thầm”. Tiến cũng không ngại xắn quần lội vào… Kiều để viết cả một nhạc kịch cho vở rối người vừa đoạt giải quốc tế. Hai bài trong đó được giao cho Thanh Lam, đảm bảo diva tha hồ đất vẫy vùng.

Đêm nhạc hai tiếng rưỡi dùng tới 9 ca sĩ và một nhóm hát. Phút chót Hồng Nhung, Hoàng Quyên còn tự nguyện xung phong tham gia chương trình mỗi người một bài. Khánh Linh dù đã tập Thư Hà Nội cả tháng vẫn vui vẻ nhường đàn chị. Bài này vốn Nguyễn Vĩnh Tiến viết tặng Hồng Nhung. Anh khéo léo gài tên người nhận quà vào lời hát: “Gửi anh, nhớ Nhung bao dòng chữ lội qua sông…”. Hồng Nhung cho hay cô đã khóc khi thu bài này và chỉ cần hai lần thu là đạt.
Cứ cho là Kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến đủ giàu để mời những giọng hát đình đám mà anh muốn, nhưng nhìn vào tinh thần tập luyện, trình diễn của các ca sĩ có thể thấy họ thật sự trân trọng người viết nhạc xuất thân không chuyên nhưng lại giàu sáng tạo, sở hữu một giọng điệu riêng biệt.

Từ Bà tôi đến Cắt tiền duyên ảnh 1  Ngọc Khuê vẫn quyết giữ “lương duyên” với Nguyễn Vĩnh Tiến trong các sản phẩm cá nhân tiếp theo

Xong show, Thái Thùy Linh tự thấy “may mắn được tiếp thêm năng lượng khi là một trong những người được chọn góp lửa”. Cô được giao phụ trách mảng rock và có thể nói đã dốc hết tâm can vào bài hát làm nên một trong những phần trình diễn được vỗ tay đậm nhất. Linh cũng mê cả thơ Tiến và đang ấp ủ ra cả đĩa nhạc Tiến. Còn nhạc sĩ thì đã khoe những dự án làm album với Hồng Nhung, Tuấn Hưng. Còn cả Đinh Hiền Anh đã ký độc quyền (1 năm) toàn bộ mảng ca khúc viết về các tháng trong năm. Việc cô vắng mặt trong show đồng nghĩa với những bài hát đó không được vang lên. May mà Tiến vẫn còn nhiều bài tuyển khác trong kho 300 bài đã viết, 200 đã đăng ký bản quyền.

Nhạc sĩ Trần Đức Minh chứng tỏ vai trò quan trọng làm nổi bật chân dung âm nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến trong show này. Có thể nói người phối đã bù vào những chỗ khuyết và làm nổi bật những chỗ đắt trong nhạc Tiến. Những bản phối đầy hình tượng, chi tiết như hòa tấu. Ca sĩ không nhập tâm, bị bật khỏi tổng thể như chơi. 

Đêm nhạc được tác giả xác định là một cách để quy hoạch mảng nhạc của mình cho ra tấm ra món. Nhưng nếu để xác định chỗ đứng trong lòng khán giả hay đo sức hút thị trường của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến thì chưa chắc. Đơn giản vì giá vé dao động từ 1 tới 6 triệu đồng khiến những người yêu nhạc anh nhưng không dư giả sẽ phải suy nghĩ. Đấy là chưa kể còn có những chiếc vé mời được định giá 8-10 triệu. Vé VIP được tặng kèm 2 album đã phát hành của nhạc sĩ. Cắt tiền duyên hẳn là phải tốn kém. Hy vọng mối duyên nhạc từ đây của nhạc sĩ đa tài sẽ suôn sẻ, vừa vặn túi tiền khán giả hơn.

Từ Bà tôi đến Cắt tiền duyên ảnh 2 Ngọc Khuê vẫn quyết giữ “lương duyên” với Nguyễn Vĩnh Tiến trong các sản phẩm cá nhân tiếp theo

Nguyễn Vĩnh Tiến dù sao cũng là người thơ nên âm nhạc của anh đôi khi vẫn nệ vào câu chữ. Dẫn đến những giai điệu khá trúc trắc, có khi chả vào khuôn khổ. Nhưng chính vì không bị trường lớp đóng khuôn, nên anh hay kiếm được những “vỉa” nhạc độc lạ. Đặc biệt lúc nào cũng nhuần nhị truyền thống. Thực sự có những luyến láy rất đẹp mà chỉ anh mới thể hiện được khi hát bài của chính mình. Vào miệng ca sĩ, kể cả diva, nó lại không mềm mượt được như thế.

MỚI - NÓNG