Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Phòng CSGT (PC67) Hà Nội cho biết trong quá trình thực hiện sang tên, rất nhiều trường hợp gặp khó khăn khi xe đã qua nhiều đời chủ, thậm chí không tìm được chủ xe để có chứng từ chuyển quyền sở hữu. Do vậy, Điều 24 của Thông tư 15/2014 đã tạo điều kiện cho những trường hợp này, theo đó nếu người dân không tìm được chủ xe thì vẫn được giải quyết sang tên như bình thường.
“Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 1-1-2017, quy định này sẽ hết hiệu lực. Đối với những trường hợp như trên, người dân bắt buộc phải tìm được chủ sở hữu của chiếc xe đó, sau đó có giấy chuyển quyền sở hữu của chủ xe, kèm theo xác nhận của UBND phường/xã sở tại. Nếu không tìm được, công an sẽ không giải quyết” - vị này nói.
Cán bộ này thông tin thêm hiện trên địa bàn TP Hà Nội, lượng phương tiện tới trụ sở công an để thực hiện sang tên khá đông nhưng không gặp phải sự quá tải. Nhiều người nắm được thông tin về quy định tại Điều 24 Thông tư 15/2014 sắp hết hiệu lực nên đã tranh thủ tới đăng ký thủ tục sang tên.
“Chỉ còn ba ngày nữa, nếu ai có phương tiện đã qua nhiều đời sở hữu mà chưa sang tên thì hãy đến trụ sở công an để làm thủ tục. Điều này không những đảm bảo việc chấp hành tốt luật giao thông mà còn thuận lợi cho chính người dân. Bởi sau ngày 1-1-2017, việc này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu như không tìm được chủ xe” - cán bộ PC67 Hà Nội chia sẻ.
Cũng kể từ ngày 1-1-2017, CSGT sẽ áp dụng xử phạt lỗi xe không chính chủ theo Điều 30 Nghị định 46/2016. Cụ thể, phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe máy và các loại xe tương tự mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản.
Đối với ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô, lỗi này phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng với cá nhân, từ 2 triệu đến 4 triệu đồng với tổ chức.
Thủ tục sang tên theo Điều 24 Thông tư 15/2014:
1. Đăng ký sang tên xe trong cùng tỉnh:
Người dân cần mang theo hồ sơ gồm: giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của công an cấp xã - nơi người đang sử dụng xe thường trú; chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định; chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận (GCN) đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng; GCN đăng ký xe.
• Trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe thì hồ sơ nộp như trên, trừ chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong GCN đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng.
• Trường hợp bị mất GCN đăng ký xe thì phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe.
2. Đăng ký sang tên, di chuyển xe đi tỉnh khác:
Hồ sơ gồm: hai giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe; chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong GCN đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu của người bán cuối cùng; GCN đăng ký xe, biển số xe. Nếu bị mất GCN đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe.
• Trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, hồ sơ tương tự, trừ chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong GCN đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu của người bán cuối cùng.
3. Đăng ký sang tên xe tỉnh khác chuyển đến:
Hồ sơ gồm: giấy khai đăng ký xe, giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe và phiếu sang tên di chuyển, kèm theo hồ sơ gốc của xe, chứng từ nộp lệ phí trước bạ theo quy định.