TS Vũ Thu Hương nói gì từ những vụ đánh nhau kinh hoàng trong trường học

Bạo lực học đường có xu hướng gia tăng
Bạo lực học đường có xu hướng gia tăng
TPO - Nói về thực trạng bạo lực học đường tràn lan, TS Vũ Thu Hương (Khoa Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, thực tế, có không ít các thầy cô không bảo được trẻ thì cấu véo. Hoặc chỉ cần thấy một vết xước trên người trẻ, nhiều cha mẹ đã vội đến trường gây gổ với thầy cô giáo. Chính người lớn còn không có khả năng kiềm chế, nói gì đến trẻ.

Bạo lực học đường do từ người lớn?

Trước ý kiến cho rằng, giới trẻ ngày càng hung bạo, ảnh hưởng từ cuộc sống phim ảnh, mạng xã hội, TS Vũ Thu Hương phân tích, đây chỉ là một trong số các nguyên nhân gây ra tình trạng bạo lực học đường. 

Theo TS Hương, nếu trẻ không sống trong môi trường bạo lực, cha mẹ không sử dụng bạo lực để giáo dục trẻ thì chắc chắn những thước phim, hình ảnh cũng sẽ không thể tác động quá nhiều đến tâm sinh lý cũng như tính cách của trẻ.

“Chúng ta thử nhìn nhận hai gia đình có 2 bạn bằng tuổi, các bạn cùng xem những thước phim bạo lực. Nhưng một gia đình nói không với bạo lực thì rõ ràng con cái họ cũng sẽ có được cách sống ôn hòa hơn là với gia đình bên kia với những cách nói chuyện bằng nắm đấm”- TS Hương nhấn mạnh. 

TS Hương phân tích, để con trẻ có hung tính, rõ ràng môi trường gia đình, nhà trường và xã hội đã có nhiều tác động không hề nhỏ. Một đứa trẻ hung tính mà sống bên cạnh một cặp cha mẹ dịu dàng điềm đạm thì chắc chắn con cũng không thể phát triển đặc tính hung bạo của mình. 

Cũng theo TS Hương, việc các em đang là học sinh cấp 3 đang ở độ tuổi dậy thì sẽ có những biến đổi tâm sinh lý: “bất kể một người nào cũng sẽ trải qua sự biến đổi tâm sinh lý khi vào lứa tuổi dậy thì. Tuy nhiên, đây chỉ là nguyên nhân để nếu có phản ứng thì sẽ tăng tính quyết liệt hơn mà thôi”- TS hương nói.

Lí giải về nguyên nhân về bạo lực học đường, bà Mai Thị Bưởi, Quản lý chương trình trẻ em Trung tâm CASGA cho rằng, các em không biết rằng mình sẽ ứng xử như thế nào khi có mâu thuẫn với bạn bè. Mặt khác, khi các em phạm lỗi thì thông thường sẽ bị người lớn xử phạt bằng cách đánh, mắng. Vô tình, cách ứng xử của người lớn như thế khiến cho các bạn tưởng rằng đó là cách giải quyết vấn đề”.

Theo bà Mai Thị Bưởi, khi làm những nghiên cứu và nói chuyện trực tiếp với học sinh thì nhận thấy các em không biết được rằng những hành động bạo lực đó sẽ gây tổn thương cho bạn.

“Các em nghĩ đơn giản bạn làm sai thì đương nhiên phải chịu trừng phạt”- bà Bưởi cho biết.

Trẻ bị đầu độc nhiều thứ, thiếu những lớp kĩ năng xả stress

TS Vũ Thu Hương cho rằng, trẻ em Việt Nam đúng thật là khốn khổ. Đừng nói đến những lớp kĩ năng xả stress, chỉ riêng những hoạt động thể chất và các câu lạc bộ để cuộc sống đỡ nhàm chán thôi cũng chẳng có.

“Từ cha mẹ đến thầy cô giáo ai cũng chỉ muốn có con ngoan, trò giỏi dạng ngồi yên trên ghế, tay khoanh lại, mắt nhìn lên bảng như thôi miên, thầy cô hỏi thì trả lời như máy tính cả ngày từ sáng đến tối. Nói thật, chẳng có người bình thường nào mà đáp ứng nổi cái yêu cầu đó của người lớn. Huống chi là một đứa trẻ”- Bà Hương nhấn mạnh. 

Cũng theo bà Hương, những đứa trẻ giờ về đến nhà còn bị đầu độc bởi điện thoại, máy tính bảng để nó càng ít hoạt động càng tốt. Cha mẹ cần rảnh rang nên con cái càng ngày càng bị o ép để phát triển lệch lạc hơn. 

“Chính môi trường như vậy, những cháu hung tính sẽ ngày càng hung tính, những cháu hiếu động sẽ ngày càng hiếu động, và những cháu rối loạn cảm xúc, nhân cách cũng sẽ bị nặng hơn rất nhiều”- bà Hương nhấn mạnh.

Cũng theo TS Hương, để giảm bạo lực học đường, việc làm trước tiên là cha mẹ và thầy cô giáo cần phải làm gương trước. 

“Hiện nay, có không ít các thầy cô không bảo được trẻ thì cấu véo. Hoặc chỉ cần thấy một vết xước trên người trẻ, nhiều cha mẹ đã vội đến trường gây gổ với thầy cô giáo. Chính người lớn còn không có khả năng kiềm chế, nói gì đến trẻ. Chúng ta cần phải điềm tĩnh và chín chắn hơn trong xử lý vụ việc. Trẻ sẽ học được những điều đó và biết cách xử lý tốt hơn”- bà Hương nhấn mạnh.

Ngoài ra, khi các con gặp mâu thuẫn, cha mẹ nên hướng con đến việc tư vấn về những lỗi ở phía mình. Tiên trách kỉ, hậu trách nhân luôn là phương án giải quyết tốt đẹp nhất mà cha mẹ nên dành để giáo dục trẻ.

Đồng quan điểm, bà Mai Thị Bưởi cũng cho rằng cần có những kỷ luật theo hướng tích cực. “Nếu phạm lỗi, các em cần nhận được kỷ luật tích cực để các em nhận ra lỗi của mình và không lặp lại điều đó nữa".

Cũng theo bà Mai Thị Bưởi, với các nạn nhân, người lớn cần lắng nghe và mỗi ngày nên dành thời gian với con: “Con trẻ sẽ không bao giờ chia sẻ nếu vừa nói chúng ta đã ngay lập tức có những phán xét với các em... Và khi các em nói ra, thay vì nói con nên làm thế này thế kia, thì nên thảo luận nên làm như thế nào và cách nào thì tốt nhất.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).