Nhà trường và xã hội nên làm gì khi nữ sinh đánh nhau?

Nhà trường và xã hội nên làm gì khi nữ sinh đánh nhau?
TPO - Những ngày gần đây, dư luận bàng hoàng về sự việc nhóm nữ sinh cấp 2 đánh bạn dã man, xé áo rồi quay clip tung lên mạng. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra trong đó có vấn đề giáo dục đạo đức và những ảnh hưởng tâm lý của học sinh khi bị bạo lực ngay trong nhà trường. 
Nhà trường và xã hội nên làm gì khi nữ sinh đánh nhau? ảnh 1

Trường THCS Trường Yên nơi diễn ra vụ nhóm nữ sinh đánh bạn

Ngày (8/10), trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một nhóm học sinh trường THCS Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) đánh hội đồng một nữ sinh ngay trên bục giảng.

Nhóm học sinh giật tóc, dùng chân đạp vào đầu, giẫm đạp dã man lên người bạn mình hay thậm chí là xé áo. Các em tham gia đánh đều là bạn thân quen chơi với nhau, nạn nhân là em H.T.T học sinh lớp 7D.

Nguyên nhân vụ việc được cho là do xích mích cá nhân, cụ thể do một em học sinh lớp trên xúi giục. Đến nay, cơ quan công an địa phương đã vào cuộc điều tra để xác minh nguyên nhân sự việc. Mọi biện pháp kỷ luật của Nhà trường đều dựa vào phán quyết của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng trường THCS Trường Yên cho biết: “Đây là lần đầu tiên trong nhà trường xảy ra vụ việc nghiêm trọng thế này. Việc các em đánh nhau, đặc biệt lại là học sinh nữ là việc không thể chấp nhận được. Nhà trường đang phối hợp với cơ quan điều tra để có kết quả cụ thể đồng thời theo dõi các em học sinh để sớm có biện pháp xử lý.”

Nỗ lực sâu sát với học sinh và hành động của Nhà trường cũng như chính quyền địa phương đã cho thấy quyết tâm giải quyết triệt để vụ việc. Sự quan tâm và hợp tác của Nhà trường, gia đình và xã hội trong vụ việc lần này liệu có thực sự là “hồi chuông cảnh tỉnh” để chấm dứt vấn nạn này hay không?

Tuy nhiên, bạo lực học đường không phải là vấn đề mới và nó vẫn xảy ra với mức độ ngày càng đáng báo động. Giáo dục đạo đức cho học sinh luôn được đặt lên hàng đầu nhưng để các em làm sai rồi mới phạt, học sinh trở thành nạn nhân rồi mới quan tâm liệu có quá muộn?

Về phía em học sinh H.T.T dù đã quay trở lại trường học, tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình thường nhưng theo chia sẻ của gia đình tâm lý em vẫn còn khá hoảng, tư tưởng bị ảnh hưởng.

Chị Nguyễn T. H (mẹ của em H.T.T, người bị hành hung) cho biết: “Trước đây T rất bạo dạn nhưng sau vụ việc còn không dám ra đường 1 mình vào buổi tối. Có hôm còn kể có người muốn bắt cóc con, nhiều lúc rất hay sợ sệt.”

Nhà trường và xã hội nên làm gì khi nữ sinh đánh nhau? ảnh 2 Em H.T.T nạn nhân bị đánh chia sẻ vụ việc

Em H.T.T cũng chia sẻ thêm: “Ngày hôm sau đi học, các bạn có xin lỗi và lại chơi đùa với em. Em không cảm thấy giận hay ghét các bạn.”

Trong khi đó, các bạn tham gia đánh bạn đều là bạn quen chơi với nhau nhưng lại có thể hành xử một cách dã man như vậy. Liệu các em có ý thức được mức độ nghiêm trọng trong hành vi của mình?

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ: “Tuổi học sinh là lứa tuổi thích thể hiện sự cá tính, chơi trội, thích thể hiện mình nên khi bị khích bác các em dễ làm điều dại dột.” Nhà trường cần có nội quy xử phạt nghiêm việc học sinh đánh nhau ở bất kể trong hay ngoài trường. Ngoài ra, vai trò người giáo viên rất quan trọng phải vừa mềm vừa rắn để dạy dỗ và răn đe học sinh giúp các em nhận thức cái đúng mà không tham gia các vụ việc như trên.

Có thể thấy, các em học sinh ở lứa tuổi THCS tâm lý rất nhạy cảm, cả nạn nhân và người thực hiện hành vi bạo lực đều chịu những tổn thương và hậu quả không hay. Vậy nên, sự quan tâm và giáo dục hợp lý từ phía Nhà trường, gia đình và xã hội rõ ràng cần thiết và quan trọng trong việc định hướng các em, để những sự việc đáng tiếc không tiếp tục xảy ra.

    Clip chia sẻ của nhà trường, gia đình sau vụ việc đau lòng

MỚI - NÓNG