Chiều 10/6, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức diễn đàn Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nêu, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL vẫn chưa đạt được yêu cầu phát triển như mong muốn, vẫn còn là một điểm nghẽn cho sự phát triển của toàn vùng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: PV. |
Cụ thể, theo ông Văn, tỷ lệ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng theo quy hoạch còn thấp; tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của vùng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc; hệ thống cơ tầng kỹ thuật vùng còn yếu và thiếu đồng bộ; việc thu gom, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển, tỷ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu …
"Trong khi đó, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán diễn ra ngày một thường xuyên, kéo theo tình trạng nhiễm mặn, sụt lún nền đất ... gây ảnh hưởng ngày một lớn, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân", ông Văn nói.
Vai trò lớn, nhưng sao dân vẫn nghèo?
Dẫn dắt phần tham luận tại diễn đàn, TS.Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, chưa bao giờ, việc phát triển ĐBSCL được Đảng, Nhà nước quan tâm một cách quyết liệt như hiện nay.
Theo ông Thành, có 5 vấn đề khi bàn về phát triển vùng ĐBSCL. Một, đây sẽ là một trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và quốc tế. Thứ hai, cần phát triển hạ tầng một cách rất đặc thù, đặc biệt để thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo vừa phát triển nông nghiệp vừa công nghiệp hoá. Thứ ba, thúc đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá. Thứ tư, đảm bảo về nguồn vốn, nguồn lực, cơ chế, cách làm. Thứ năm là giữ được bản sắc, đặc thù của miền Tây sông nước của ĐBSCL.
Chuyên gia Võ Trí Thành trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: PV. |
PGS.TS.Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Chính phủ nhận định, trong thời gian qua, đất nước đang tích cực "trả nợ" cho ĐBSCL.
Ông Thiên cho rằng, để "trả nợ", điều quan trọng cần nhận diện lại tương lai của ĐBSCL, bởi xưa nay vẫn mặc định đây là vùng đảm bảo an ninh lương thực, vùng phát triển thuỷ, hải sản, trái cây. Hơn nữa, từ những lợi thế trước đây về đất, nước, khí hậu, biển, thì nay, nhiều vấn đề đã trở thành yếu tố bất lợi khi có biến đổi khí hậu.
Ông Thiên cũng nêu, vai trò, sứ mệnh của ĐBSCL là rất lớn, nhưng tại sao người dân vẫn nghèo so với trung bình chung cả nước. Thậm chí, vai trò trong nền kinh tế đang bị suy giảm nhiều.
"Tại sao gánh vác sứ mệnh cho quốc gia mà lại nghèo, lại khổ, vất vả thế. Tôi nghĩ cần nhiều cuộc họp, diễn đàn như thế này để "đánh động" nhiều hơn nữa", ông Thiên nêu.
Chuyên gia Trần Đình Thiên cũng nêu một số yếu tố khác như lượng vốn đầu tư vào ĐBSCL luôn "thấp, bé" so với các vùng khác; dù chỉ số PCI tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp còn yếu, nỗ lực lớn nhưng tốc độ tăng trưởng chậm. Cùng với đó là nguồn nước ngọt suy giảm, lượng phù sa về ít, đối mặt tình trạng nước biển dâng khiến một phần đồng bằng bị xoá sổ...
Phát triển thuận thiên, hướng tới hiện đại
Ông Thiên nhấn mạnh yếu tố con người ở ĐBSCL, cho rằng họ có tính "hảo hán, ham khám phá, tiên phong", rất thuận lợi để hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp, sáng tạo.
Chuyên gia Trần Đình Thiên phát biểu ý kiến. Ảnh: PV. |
Vị chuyên gia này cho rằng, chức năng của ĐBSCL phải thay đổi. Theo ông, chức năng của ĐBSCL là "giữ đất, giữ nước", nếu không sẽ bị "trôi tuột ra biển". "Một sứ mệnh lớn là phải giữ được đất, giữ được nước, bảo vệ nguồn lực tự nhiên. Tư tưởng này phải được thể hiện trong quy hoạch. Cần thiết kế chiến lược phát triển thuận thiên, hướng tới hiện đại", ông Thiên nêu quan điểm.
Đồng thời, theo ông Thiên, vùng cần bám vào tư duy trở thành một trung tâm logistics lớn của vùng và khu vực; phát triển du lịch sinh thái "theo một nền tảng, định nghĩa khác", bởi mỗi năm, việc xâm nhập mặn đều diễn ra, phải có "khác biệt, khác thường" mới làm được. Ông Thiên đánh giá, việc đầu tư các tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang của vùng sẽ là một đột phá mạnh, bố trí lại đô thị, vùng sản xuất, tạo đà cho phát triển.
Tại diễn đàn, đại diện Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và Viện Chiến lược giao thông vận tải (Bộ GTVT), đại diện Bộ KH&ĐT đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến việc đầu tư hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường hàng không, các tuyến cao tốc...) cho ĐBSCL; việc cân đối, bố trí nguồn vốn cho dự án; các giai đoạn thực hiện...