TS. Giáp Văn Dương: Tôi ủng hộ cho học sinh nghỉ 4 kỳ mỗi năm vì tôi thấy tốt

TS. Giáp Văn Dương: Tôi ủng hộ việc nghỉ 4 kỳ/ năm vì tôi thấy tốt. Ảnh: Internet
TS. Giáp Văn Dương: Tôi ủng hộ việc nghỉ 4 kỳ/ năm vì tôi thấy tốt. Ảnh: Internet
TPO - “Tôi ủng hộ việc nghỉ 4 kỳ mỗi năm. Lý do là tôi quen thuộc với việc đó và thấy tốt. Khi còn ở Anh, con tôi cũng có nghỉ giữa kỳ như vậy. Con rất vui vẻ. Thầy cô cũng vậy. Chất lượng giáo dục vẫn đảm bảo”- TS. Giáp Văn Dương nêu quan điểm.

Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 14/2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở GD&ĐT nghiên cứu xây dựng đề án để thời gian tới có ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ tính toán lại lịch năm học.

Theo ông Chung, nhiều nước trên thế giới đã sắp xếp năm học với 4 kỳ. Họ đã nghiên cứu kỹ, chúng ta cũng nên xem xét để có điều tiết lại việc này không? Nếu có thể, chúng ta cho nghỉ hè từ 35 ngày, nghỉ Tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ 2 tuần. Cuối cùng, học sinh vẫn được nghỉ 3 tháng.

PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS. Giáp Văn Dương, Tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật ĐH Công nghệ Vienna (Áo); từng làm việc và nghiên cứu tại ĐH Liverpool (Anh), ĐH Quốc gia Singapore. Anh là người sáng lập nền tảng giáo dục trực tuyến GiapSchool về vấn đề này.

Sẽ tốt hơn cho học sinh và giáo viên

PV: Thưa ông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng nên cho học sinh nghỉ 4 kỳ mỗi năm thay vì nghỉ hè và nghỉ Tết nguyên đán như hiện nay có hợp lý?

TS. Giáp Văn Dương: Tôi ủng hộ việc nghỉ 4 kỳ mỗi năm. Lý do là tôi quen thuộc với việc đó và thấy tốt. Khi còn ở Anh, con tôi cũng có nghỉ giữa kỳ như vậy. Con rất vui vẻ. Thầy cô cũng vậy. Chất lượng giáo dục vẫn đảm bảo.

Chẳng hạn, năm 2020 này, các kỳ nghỉ của học sinh ở Anh được bố trí như sau:

Nghỉ giữa kỳ từ 17-28/2.

Nghỉ Lễ Phục sinh từ 6-17/4.

Nghỉ giữa kỳ từ 25-29/5

Nghỉ hè 15/7-1/9.

Nghỉ giữa kỳ  từ 19-30/10

Nghỉ Giáng sinh từ 21/12-1/1.

Như vậy là học sinh được nghỉ tổng số 15 tuần trong năm học, phân bổ thành 5 kỳ khác nhau, trong đó kỳ nghỉ hè dài nhất là 7 tuần, các kỳ còn lại kéo dài 1-2 tuần.

Do đó, việc sắp xếp 4 kỳ nghỉ cho học sinh Hà Nội tôi cho là hợp lý. Học sinh và giáo viên sẽ có thời gian nghỉ ngơi và nhìn lại để điều chỉnh sau mỗi 8-9 tuần học. Như thế sẽ tốt hơn là học một mạch trong năm rồi nghỉ hè thật dài.

PV: Cũng theo ông Chung, việc này còn đảm bảo kích cầu tiêu dùng và phân luồng, phân bố lại tình hình giao thông của thành phố tốt hơn. Ông có đồng ý như vậy không?

Việc kích cầu du lịch và tiêu dùng chắc thì có, nhưng kích cầu được đến đâu thì chưa thể nói chính xác được. Việc phân luồng giao thông thì tôi mới chỉ thấy có tác động vào dịp Tết, vì dịp đó, giao thông Hà Nội thường khá đông.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đó chỉ là một phần của lý do. Việc cho nghỉ 2 kỳ hay 4 kỳ trong năm trước hết là câu chuyện của giáo dục, vì thế cần nhìn từ giáo dục là chủ đạo. Và từ góc nhìn giáo dục như thế, tôi ủng hộ việc nghỉ 4 kỳ một năm, do tin rằng như thế sẽ tốt hơn cho học sinh và giáo viên, giúp cho cả hai có cơ hội tự điều chỉnh mình cho hoàn thiện hơn sau mỗi khoảng 8-9 tuần học. Giáo viên cũng có thời gian để báo cáo, làm sổ sách hành chính giáo dục, và chuẩn bị cho kỳ sau tốt hơn.

Ngoài ra, Tết là dịp các hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc diễn ra sôi nổi. Nếu học sinh được nghỉ Tết dài thì sẽ có điều kiện tham gia các hoạt động này, rất tốt cho việc giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh.

Các nhà giáo dục và những người làm chính sách phải ngồi lại

PV: Ông có cho rằng, phương án này hoàn toàn khả thi không và nếu khả thi thì theo ông nên áp dụng theo địa phương hay đại trà trong cả nước?

Tôi mong muốn việc nghỉ 4 kỳ một năm sẽ áp dụng cho cả nước, vì việc tổ chức năm học có ảnh hưởng đến các kỳ thi quốc gia. Nếu mỗi nơi tổ chức một kiểu thì sẽ gây ảnh hưởng đến lịch chung.

Cho đến giờ, thường thì học sinh chỉ được nghỉ Tết 1 -2 tuần và nghỉ hè 2-3 tháng, tùy theo đó là trường công hay trường tư. Tôi không thấy có giải thích nào hợp lý cho việc bố trí các kỳ nghỉ bất đối xứng như vậy. Cách giải thích phổ biến nhất là vì mùa hè ở ta quá nóng, nên cho học sinh nghỉ hè 3 tháng.

Tuy nhiên, có lẽ đó chỉ là một phần của câu chuyện. Phần còn lại là trước đây khi còn khó khăn, ngoài việc đi học thì học sinh còn phải phụ giúp gia đình thu hoạch mùa màng. Mùa hè là mùa thu hoạch, nên học sinh nghỉ hè thay vì được nghỉ vì trời nắng, thì phải ra đồng phụ giúp việc nhà. Tôi sinh ra ở nông thôn nên biết rõ việc này. Mùa hè được nghỉ, nhưng ngày đó, chúng tôi còn vất vả hơn cả đi học.

Nay đời sống không còn quá khó khăn như trước thì không cần thiết phải cho trẻ em ra đồng phụ giúp gia đình, vì như thế là phạm luật. Vậy thì có thể phân bổ lại thời gian nghỉ sao cho hợp lý hơn, nhất là với trẻ em thành phố, khi không phải ra đồng phụ giúp gia đình.

PV: Nếu có thể đưa ra ý kiến, thì cá nhân ông sẽ thay đổi số các kỳ nghỉ, thời lượng trong mỗi kỳ nghỉ cho một năm học như thế nào?

Là một phụ huynh và một người hoạt động trong ngành giáo dục, và tham chiếu đến những nền giáo dục mà tôi hoặc con tôi đã trải qua, tôi cho rằng với các trường công, việc tổ chức năm học như sau là hợp lý:

Về thời lượng, năm học sẽ gồm 36 tuần, được chia thành 2 học kỳ, mỗi học kỳ kéo dài 18 tuần. Trong mỗi kỳ có 16 tuần thực học và 2 tuần dành cho kiểm tra đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ. Việc nghỉ trong năm học sẽ được bố trí như sau:

Nghỉ giữa kỳ 2 tuần.

Nghỉ Tết 3 tuần.

Nghỉ hè 7 tuần.

Dự phòng 1 tuần cho mỗi học kỳ.

Như vậy tổng cộng học sinh sẽ được nghỉ 14 tuần/năm, cộng với 36 tuần học và 2 tuần dự phòng nữa là vừa đủ 52 tuần/năm.

Trong trường hợp sách giáo khoa được biên soạn cho 35 tuần như hiện giờ thì bổ sung thêm 1 tuần dự án cuối năm học, hoặc tăng kỳ nghỉ hè thành 8 tuần.

Với các trường tư, có thể điều chỉnh thêm một chút, trên cơ sở co giãn chương trình của nhà trường, nhưng vẫn đảm bảo nghỉ giữa kỳ 1-2 tuần, nghỉ hè 6-8 tuần.

PV: Để đề xuất này có thể mang những tác động tích cực, theo ông cần những yếu tố gì?

Theo tôi, điều cần thiết đầu tiên là tìm hiểu và tham chiếu đến việc bố trí các kỳ nghỉ của các nước có nền giáo dục tiên tiến để thấy, việc nghỉ 4 kỳ/năm là thực tế với một số nước. Sau đó các nhà giáo dục và những người làm chính sách phải ngồi lại để phân tích những tác động của việc thay đổi này  đến chất lượng giáo dục, và tính khả thi trong điều kiện Việt Nam. Nếu thấy khả thi, và thấy có tác động tốt, thì cần vận động để phụ huynh và xã hội ủng hộ.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

*Theo bạn có nên rút ngắn thời gian nghỉ hè, chia nhỏ thành các kỳ nghỉ trong năm? Mọi chia sẻ, ý tưởng, góp ý... xin gửi về cho chuyên mục Giáo dục, Báo Tiền phong điện tử theo hộp thư: online@baotienphong.com.vn.

MỚI - NÓNG