Chiều 14/2, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covod -19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở GD&ĐT đề xuất Bộ GD&ĐT về việc xây dựng kế hoạch tổ chức 4 kỳ nghỉ/ năm cho học sinh như nhiều quốc gia khác.
Ông Chung cho rằng, nếu cho học sinh nghỉ 4 kỳ/năm thì tổng thời gian nghỉ hè vẫn là 3 tháng. Trong đó kỳ nghỉ hè nên kéo dài 35 ngày, nghỉ tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại mỗi kỳ kéo dài 2 tuần. Theo ông Chung, việc này còn đảm bảo kích cầu tiêu dùng và phân luồng, phân bố lại tình hình giao thông của thành phố tốt hơn.
“Tới đây, chúng ta có thể có ý kiến đề xuất với Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cũng như Bộ Nội vụ để tính toán lịch. Chúng ta nghiên cứu xem các nước làm thế nào, nếu có hiệu quả, ứng dụng được thì có thể áp dụng ngay từ năm tới”, ông Chung đề xuất.
Sau khi có ý kiến này, một số phụ huynh cho rằng, đây là ý tưởng hay, học sinh có thời gian nghỉ ngơi giữa kỳ thay vì học một kỳ kéo dài. Học sinh được nghỉ Tết 1 tháng, gia đình ở thành phố có thể cho về quê với ông bà, thăm họ hàng hoặc có điều kiện tham gia các hoạt động trải nghiệm ở quê. Chưa kể, thời gian nghỉ hè kéo dài, học sinh nghỉ lâu ngày cũng nhàm chán, quên hết kiến thức nên gia đình thường đăng ký nhiều khóa học thêm để “đẩy con đến trường, lớp”.
Khó thực hiện?
Xung quanh việc này, cô Đỗ Mai Hường, giáo viên Trường tiểu học Kim Liên cho rằng, khó có thể thực hiện được việc này. Bởi vì, học sinh đến trường, giáo viên phải mất nhiều thời gian mới rèn được thói quen cũng như dạy liền mạch kiến thức. Trong khi, mỗi năm học, kỳ học, học sinh thường có mục tiêu nhất định cần đạt. Lâu nay, học sinh kiểm tra xong học kỳ II, tổng kết kiến thức một năm học sau đó nghỉ hè chuẩn bị cho năm học mới bao giờ cũng gặp khó khăn về thói quen, kỹ năng. “Hay sau gần chục ngày nghỉ Tết nguyên đán, học sinh viết chữ xấu, lười học hơn”, cô Hường nói.
Hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cho rằng, theo kế hoạch năm học thường có thời điểm bắt đầu năm học, thời gian tổ chức các kỳ thi, khung chương trình năm... Lâu nay, khi hoàn thành hết nhiệm vụ năm học, giáo viên, học sinh mới bước vào kỳ nghỉ. Riêng trong năm học, giáo viên, học sinh đều vào guồng quay dạy học trong đó rèn cả kiến thức, ý thức, kỹ năng...
Vì thế, việc chia nhỏ các kỳ nghỉ học sinh, giáo viên sẽ rất hứng thú nhưng khi quay lại trường lớp sẽ ảnh hưởng một phần chất lượng. Nhất là trong bối cảnh chúng ta vẫn tổ chức các kỳ thi vượt cấp như hiện nay.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục, Chỉ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội là ý kiến hay. Trên thế giới không ít quốc gia chia nhỏ các kỳ nghỉ cho học sinh được nghỉ ngơi trong các kỳ học.
Tuy nhiên, để thực hiện được cần có nghiên cứu, đánh giá thực tiễn. Bởi vì điều kiện khí hậu của Việt Nam khác các nước. Cụ thể, Miền Nam có khí hậu ôn hòa, học sinh có thể đi học bất kỳ tháng nào trong năm nhưng Miền Trung và Miền Bắc mùa hè khí hậu rất khắc nghiệt, nhiều tháng liền nóng hơn 40 độ C, dạy học ở thời điểm này sẽ vất vả cho cả thầy cô giáo và học sinh.
Chung quan điểm, cô Nguyễn Thị L. giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh cũng chia sẻ quan điểm, trong bối cảnh dịch bệnh bức thiết phải cho học sinh nghỉ học, giáo viên không vui sướng gì. Bởi lẽ, theo chương trình, giáo viên phải dạy hết kiến thức, sau đợt nghỉ, sẽ dạy bù vào thời gian hè. Cứ nghĩ đến thời tiết nắng nóng 40 độ C của miền trung mà đi dạy hè giáo viên rất nản.
Trả lời câu hỏi, tại sao Bộ GD&ĐT không cho học sinh nghỉ đông và học hè, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, học sinh THPT từ lớp 1 đến lớp 12. Các em học sinh có những kỳ thi phải trải qua không thể lùi sang năm khác được như: học sinh lớp 9 thi lên 10; học sinh lớp 12 thi THPT quốc gia. Bộ phải tính toán điều chỉnh làm sao có thể lùi thời điểm kết thúc năm, điều chỉnh các kỳ thi nhưng nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch học tập của năm học tiếp theo.
* Theo bạn có nên rút ngắn thời gian nghỉ hè, chia nhỏ thành các kỳ nghỉ trong năm? Mọi chia sẻ, ý tưởng, góp ý xin gửi về cho chuyên mục Giáo dục, Báo Tiền điện tử theo hộp thư: online@baotienphong.com.vn.