Truyện ngắn: Casablanca

Minh họa: Vũ Xuân Tiến.
Minh họa: Vũ Xuân Tiến.
TP - Câu chuyện thứ nhất: Chiếc xe đạp cà tàng chở theo một đống vỏ thùng carton và giấy vụn đang dựng trên vỉa hè bên cạnh một chiếc xe đẩy bán rong. Chiếc xe đẩy lại có một tấm biển treo phía trước “ÉP NHỰA”. Kỳ lạ thật, gần 10 giờ đêm rồi, sao ai lại bỏ không mấy cái thứ này ở đây, trên vỉa hè cạnh vườn hoa này? Con đường vắng, vườn hoa nhỏ của khu đô thị vào buổi tối mưa phùn cuối xuân lặng lẽ. Hai cái xe kỳ lạ trên vỉa hè kia chẳng hiểu sao lại nằm ở đó?

Trong vườn hoa ẩm ướt, tối thui kia một khối đen động đậy. Hai cái bóng đang ôm ghì lấy nhau. Vội vã. Hối hả. Họ đang làm tình. Đó là Ép nhựa và Đồng nát!

.…

Hai chiếc xe vẫn đứng đó. Trong vườn hoa đen đặc, hai cái bóng không còn hối hả nữa. Giờ thì họ đang ngồi cạnh nhau trên gờ bê tông của bồn hoa. Ép nhựa và Đồng nát đang nghỉ!

Ngoài lối vào vườn hoa, hai chiếc xe vẫn kiên trì đứng đợi chủ nhân để đưa họ về khu trọ.

***

Câu chuyện thứ hai

Một gã đàn ông mặc quần sóoc ngắn nhàu nát, hai cẳng chân vòng kiềng  trắng ởn trong tối mùa xuân ẩm ướt. Gã đứng cạnh một chiếc xe máy dưới cột đèn nên có ở xa mấy cũng thấy rõ gã đang ngọ nguậy, vung chân, vung tay. Có lẽ gã đang tranh thủ tập thể dục. Nhìn gã như một con bọ ngựa- Bọ ngựa chân trắng! Cái bụng xệ 35 tuổi, xộc xệch trong quần sóoc, đôi chân trắng ởn đi dép lê nhựa, không tất nhưng lại mặc áo thun dài tay có cổ cao. Rõ ràng là gã vừa lao ra khỏi nhà và không muốn mặc quần dài. Từ xa nhìn Bọ ngựa chân trắng thật buồn cười.

Trời đêm cuối xuân. Ẩm ướt, lạnh và vắng.

Phía cột đèn, Bọ ngựa đã tập thể dục xong và giờ đang chễm chệ trên xe máy. Gã bật đèn pha rồi lao lên vỉa hè, nơi có một người đàn bà mặc áo khoác trắng và đội mũ bảo hiểm. Thị cũng đang ngồi trên một chiếc xe máy. Có vẻ như Áo khoác trắng vừa từ xa đến nơi. Bọ ngựa đã phi xe lên vỉa hè và lao vào phía bờ tường bên hông tòa nhà. Áo khoác trắng cũng đã lao xe vào đó. Hai chiếc xe dựng cạnh nhau. Bọ ngựa lao vào ôm ghì Áo khoác trắng. Hai thân hình quấn lấy nhau vội vã trong bóng tối của tòa nhà. Bọ ngựa và Áo khoác trắng uốn éo, ghì chặt, và hối hả. Họ làm tình ngay bên bờ tường ẩm ướt của tòa nhà.

...

Giờ thì Áo khoác trắng ngồi trên xe máy còn Bọ ngựa đứng bên cạnh. Họ đang nghỉ. Năm phút sau Bọ ngựa đẩy xe ra mép vỉa hè. Áo khoác trắng tự đội mũ bảo hiểm cho mình rồi ngồi lên xe. Bọ ngựa nổ máy phi xuống đường, lao về phía tay trái, có vẻ như đi về phía mấy dãy chung cư cao tầng gần đó. Hai cái chân trắng ởn vẫn có thể nhìn thấy từ xa trong đêm tối lạnh. Áo khoác trắng nổ máy và cũng lao xuống đường nhưng đi theo chiều ngược lại (về phía tay phải). Hai phút sau thì không ai còn có thể thấy bóng người trên con đường đầy mưa phùn nữa.

***

Câu chuyện thứ ba

Reng reng.

- Alo! Chủ nhật này anh đón em đi chơi nhé. Đúng 8 giờ anh có mặt ở nhà em. Mình sẽ đi xa, ăn trưa ở đâu đó. Anh sẽ đưa em đến một nơi rất tuyệt.

- Bao giờ thì về ạ?

- Tùy! Em mà thích thì mình ở lại luôn. Mai về cũng được.

Chủ nhật chàng đến rất đúng giờ. Cả năm nay nàng chẳng đi đâu xa. Lâu lắm rồi chẳng được đi đâu xa. Chàng bận liên miên, nhiều nhất là một tuần gặp chàng được một lần vội vã để ăn bữa trưa. Chàng là loại người “chăm chỉ”. Nàng rất vui, mặt rạng ngời. Chàng cũng có vẻ rất vui. Cả hai cười vang và nói chuyện ríu rít, chẳng đầu, chẳng cuối. Xe đã ra đến Pháp Vân, chàng lên đường cao tốc để đi Ninh Bình. Trời trong xanh, nắng dịu dàng.

- Reng reng. - Điện thoại của chàng reo.

- Alo… Ừ…

- Bao giờ? ….Mấy giờ? Ở đâu?…Ừ, được rồi…Anh sẽ có mặt đúng giờ.

Nàng im lặng để chàng nói chuyện điện thoại.

- Nó mời anh đi hát ở Hồ Tây.

Nàng im lặng. Họ tiếp tục hành trình đi Ninh Bình. Chàng đưa nàng đến chơi, thăm một ngôi chùa mới xây, nghe nói rất đẹp. Tìm được tới chùa thì đã 11 giờ trưa. Một khu đất được bài trí không theo một trật tự nào: Người bán hàng, xe ô tô, khách lễ chùa. Tất cả giống một phiên chợ quê cuối trưa.

- Em có muốn vào chùa không?

- Không, xấu lắm! Em không muốn ra khỏi xe đâu.

- Vậy ta đi luôn nhé. Anh cũng không thấy muốn xem gì ở đây cả.

Chàng đưa nàng vào quán ăn trưa trong thành phố.

12h30, bữa ăn trưa coi như đã xong.

- Ta đi nhé. – Chàng nói, rồi lên xe đưa nàng theo hướng ngược lại, họ trở về Hà Nội.

Chàng lái xe mải miết, nhìn hai bên đường. Đi qua nhiều nhà cửa, rồi những cánh đồng. Sắp về đến Phủ Lý và như vậy là họ sẽ lên đường cao tốc để chạy về Hà Nội. Chợt chàng nhìn thấy phía bên tay phải một nhà nghỉ chìa mặt ra đường.

- Mình vào đây nghỉ một tí nhé?

Nàng im lặng gật đầu. Im lặng đi theo chàng lên một căn phòng trên tầng hai của căn nhà. Mở cửa ra, căn phòng sáng hơn ngoài trời. Nhà nghỉ nhà quê, làm toàn cửa kính với rèm cửa màu sáng. Chàng nằm lên giường dang tay ra đón nàng. Hối hả, vội vã và cuống quít, họ làm tình trong ánh sáng đầy nắng tháng tám. Rồi chàng nằm xuống giường, cười mãn nguyện. Nàng lặng lẽ bên cạnh. Chàng nhìn đồng hồ:

- 2 giờ hơn rồi. Mình đi nhé. Anh phải về để chuẩn bị, chiều còn đi hát.

...

4 giờ chiều nàng đã về đến nhà. Chàng vội vã đi ngay. Nàng vào buồng tắm. Bỗng nhiên nàng nghe thấy tiếng nhạc vọng ra từ cửa sổ nhà hàng xóm. Đó là “Casablanca”, một bài hát nàng vô cùng yêu thích. Nàng lặng lẽ đứng dưới vòi sen, lặng lẽ nghe tiếng nhạc từ nhà bên vọng sang ở đoạn điệp khúc:

“The world will always welcome lovers

As time goes by”

“Cuộc đời vẫn luôn chào đón những người yêu nhau

Dù thời gian đổi thay”

Truyện ngắn: Casablanca ảnh 1Những truyện ngắn (và mẩu chuyện nằm trong truyện ngắn) dưới đây đều có vẻ “thiêu thiếu” - nếu quen đọc theo kiểu cổ điển. Nhưng đọc xong, dừng lại ngẫm ngợi thêm một chút, có thể sẽ thấy hậu vị rất thú phía sau lớp nghĩa đầu tiên.

Phạm Thị Bích Thủy xuất hiện khá muộn (2013) với một tập truyện ngắn, nhưng sau đó xuất bản khá đều và kịp tạo ấn tượng. Nhà văn có phổ chuyên môn rộng. Hiện là quản trị viên cao cấp tại một tập đoàn kinh tế khá lớn.

                L.A.H

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.