Thực ra thì có nhiều kẻ muộn màng như y muốn lập gia đình, nhưng họ chưa làm được điều đó bởi họ có lí do riêng. Trường hợp của y, lí do duy nhất chỉ là bị bệnh. Một bệnh không chữa được vì xưa nay nó không có tên trong danh sách bệnh tật. Y gọi nó là bệnh tỉnh.
Y được người ta mai mối cũng nhiều, có ngày chạy sô vài cuộc. Cuộc nào cũng diễn ra tương tự, người làm mối thì nhiệt tình quá đáng trong khi y lại dửng dưng. Y biết kết cục sẽ ra sao. Đối tượng chưa kịp chán y thì y đã chán người ta trước.
Mỗi khi gặp gỡ đối tượng nào, cái đầu tỉnh táo đến lạnh lùng của y lại tưởng tượng ra rằng, người con gái nọ cũng có những hoạt động tiêu hoá hay bài tiết hết sức tầm thường. Bên trong cơ thể mềm mại của cô ta có những cơ quan bộ phận đang làm việc âm thầm. Thức ăn được vận chuyển theo một quy trình nghiêm ngặt từ thực quản xuống dạ dày. Dạ dày sẽ co bóp nhiệt tình và sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ lưu luyến chia tay thức ăn tại môn vị để chúng đi vào ruột non. Qua chặng đường dài chín mét trong ống tiêu hoá sẽ kết thúc cuộc trường chinh, đám tàn quân bẩn thỉu sẽ được thu gom để đưa đến nơi cần đến.
Nghĩ tới đó, y rùng mình.
Chấm hết rung động. Chấm hết yêu.
Bệnh tỉnh của y là thế.
2. Một ngày đẹp trời y được bạn bè giới thiệu cho một cô nàng tên Tô Ninh Ninh. Bạn y quảng cáo rằng nàng da trắng như tuyết môi đỏ như máu tóc đen như gỗ mun. Bạn nàng thì khen nàng xinh quá giới hạn cho phép. Còn y chỉ thấy nàng mỏng mảnh như khói và cả chân lẫn người đều rất dài.
Bố mẹ Tô Ninh Ninh đã về hưu. Sở thích duy nhất của bố nàng là lôi huân huy chương trong hộp ra đếm hàng ngày. Hạnh phúc của mẹ nàng là làm thơ tặng cả nhà vào các dịp lễ tết và ngày hội non sông. Ông nàng đã ngoài chín mươi, chưa chịu kết thúc cuộc sống, ăn nằm tại chỗ trên tấm phản gỗ và sáng tác ra những chuyện nhảm nhí hoang đường.
Tô Ninh Ninh luôn dùng đồ trắng. Váy trắng mũ trắng tất trắng giày trắng và quần lót bên trong ắt hẳn là rất trắng. Nhà nàng nghèo nhưng nàng thanh khiết như một tiểu thư quý tộc châu Âu. Có người tiết lộ với y rằng cứ về đến nhà là nàng lẻn vào căn phòng trắng tinh, cởi hết áo quần nằm trên đệm trắng và rắc hoa trắng lên mình, nhìn qua tấm rèm trắng ra khoảng trời ngồn ngộn mây trắng bên ngoài và khe khẽ hát một bài ca có nhiều từ “trắng”.
Tô Ninh Ninh đọc nhiều tiểu thuyết do đó tâm hồn lúc nào cũng kí gửi trên mây. Đau xót hơn, nàng còn đắm đuối vào thơ và không biết gì về cuộc đời ngoài cửa. Chưa đầy ba mươi tuổi, văn học đã phá hỏng đời nàng.
Lần đầu gặp gỡ, nghe bạn giới thiệu y là nhà văn, nàng vui sướng như được nhìn thấy trời phật. Về phía y, bởi muốn lấy vợ cho xong chuyện, y cũng cố gắng thích nàng. Trong khi nàng e lệ nép vào dưới hoa (chỉ là hoa giả cắm trong bình), y mỉm cười quan sát. Khách quan mà nói, nàng thơm tho như một bông hồng bạch. Ánh mắt y nhảy dù xuống đường gân xanh mờ toả ra như một tia chớp trên cánh tay mảnh dẻ của nàng. Người thế kia thì mạch yếu, y nghĩ, và nếu tiêm vào bắp thì dễ tìm được ven.
Được ít phút, y cảm thấy rõ rệt, phía trong khoang bụng phập phồng có chiếc rốn xinh nhỏ dưới lần vải viền ren trắng như sương, hệ tiêu hoá của nàng đang vận động. Bệnh tỉnh của y phát tác. Lòng y nhẹ bẫng nhạt phèo đi, phẳng như vừa ăn một nhát bàn là, không mảy may xốn xang rung động nữa.
3. Một ngày nắng đẹp y lại đến nhà Tô Ninh Ninh. Dẫu sao y cũng cần lấy vợ vì bị họ hàng gia tộc thúc giục nhiều.
Mẹ nàng chơi bên hàng xóm. Bố nàng, như thường lệ, cứ thấy khách đến là lại ngồi đếm huân chương. Ông nàng ngồi trên tấm phản, lè nhè kể chuyện một mình. Rằng sáng hôm qua tao vào khu phố cổ, gặp một con hổ ở Hàng Ngang, nó đuổi tao chạy gần chết ra Hàng Đậu. Tao nấp sau cái ô tô, con hổ vồ tao mấy lần đều trượt. May mà tao có võ chứ không thì…
Y rủ Tô Ninh Ninh ra thềm nhà hóng mát. Cố gắng quên đi mấy cơ quan nội tạng chết tiệt, y nỗ lực tìm kiếm vẻ đẹp ở tâm hồn nàng. Y thử nói chuyện với nàng về các vấn đề xã hội, nhưng nàng chỉ thích lôi kéo y vào văn học là lĩnh vực nàng say đắm, cũng là lĩnh vực y đã chán từ lâu. Nàng hết lời ca ngợi sứ mệnh cao cả của văn học và thiên chức cao quý của nhà văn. Nàng nói rằng nhà văn có thể dùng cán bút làm đòn xoay chế độ và xoay được nhiều thứ khác. Theo nàng thì nhà văn là giống người tinh hoa đặc chủng và cần được nhân rộng khi xã hội có nhu cầu. Được một lúc thì y chán. Y dập tắt cơn kể lể của nàng bằng việc nói rằng hãy tỉnh lại đi em ạ, ngu đến bao giờ nữa, khoa học tự nhiên mới là quan trọng, không có văn học cũng chẳng chết ai. Bao bất công oan khuất kêu đòi sao bọn nhà văn vẫn im lìm như gấu ngủ đông. Nói thẳng cho vuông nhé, không có những con người vô dụng và ảo tưởng ấy, quần chúng cần lao vẫn sống như thường.
Nàng sững sờ. Anh là một thằng khùng chứ không phải nhà văn. Anh cút đi cút đi cút đi, đôi mắt mở to của nàng nói thế. Y đứng dậy nhún vai. Xin lỗi, anh chỉ nói sự thật thôi. Còn em, người có hộ khẩu thường trú trên gió trên mây, sức anh không kéo nổi về mặt đất được. Chào.
4. Giã biệt Tô Ninh Ninh, y lại tình cờ quen biết một em chân ngắn. Người ta bảo chân dài thường lãng mạn, nhưng em chân ngắn này xem ra cũng lãng mạn. Khốn nạn cho y, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.
Được cái là chân ngắn này thẳng tính và không giáo điều cổ hủ như Tô Ninh Ninh. Lần đầu gặp nhau, cô bé hỏi y vì sao chưa có vợ. Y trả lời rằng việc đó không phải do anh mà do phòng tổ chức cán bộ, à quên, phòng tổ chức hôn nhân ở trên trời. Trưởng phòng là ông Tơ, phó phòng là bà Nguyệt. Ông Tơ bà Nguyệt là hai người xét hồ sơ xin lấy vợ của anh. Anh đã gọi vào máy di động của ông Tơ, ông Tơ tắt máy. Gọi cho bà Nguyệt, bà Nguyệt cũng tắt máy. Chắc hai ông bà ấy đang hú hí trong nhà nghỉ nên bỏ quên không se duyên cho anh, mà em biết đấy, một ngày trên trời bằng mười năm ở dưới trần.
Chân ngắn cười hích hích, tâm sự, trước đây em từng yêu điên cuồng một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Gã ấy có đam mê là dậy sớm ra vườn chụp những bông hoa còn ướt sương đêm. Hôm nào sương ít, gã nhổ nước bọt vào hoa để tạo sương, thứ nước bọt của người chưa đánh răng lên ảnh vẫn đẹp long lanh nhưng ở bên ngoài thì bốc mùi kinh dị. Khi phát hiện ra điều đó em bị sốc, cả đống ảnh gã tặng em đốt sạch, lòng buồn như con chuồn chuồn. Rồi mọi chuyện cũng qua đi. Giờ thì em chỉ yêu các nhà văn.
Sự thật thà của chân ngắn làm y hứng thú. Y rủ cô bé đi chơi, đến một cánh rừng ở xa thành phố. Đang là mùa thu, cả khu rừng lóng lánh như được dát vàng. Chân ngắn đờ người ra, ngây ngất. Còn y thầm nghĩ, gặp phong cảnh này, bọn nhà văn hạng hai sẽ cuống lên vì không biết miêu tả thế nào. Nhà văn hạng một khôn hơn sẽ không tả gì vì biết rằng nếu cố cũng chỉ thất bại. Chờ một cơn gió đến cho cây cối ngả nghiêng thêm phần lãng mạn, chân ngắn thì thào:
- Em có cảm giác như khu rừng được dệt lên từ nắng vàng cả nghìn năm đọng trong lòng đất ấy.
Y cười nhạt:
- Đơn giản là mùa khô, lá cây không quang hợp được như mùa hè nên ngừng sản sinh diệp lục tố là chất mang lại màu xanh. Các sắc tố vàng hoặc cam có sẵn trong lá cây thừa cơ trỗi dậy, khiến lá đổi màu. Những loài cây nào sản xuất ra được sắc tố anthocyanin thì cho lá cây màu đỏ.
Chân ngắn cụt hứng. Y bồi thêm cú nữa:
- Đứng ở bên ngoài thì thấy thế thôi em ạ. Cứ thử qua rừng mà xem, thối lắm. Khách vãng lai vẫn thường chui vào đó. Trong ấy đầy giấy vệ sinh.
5. Bệnh tỉnh của y ngày càng trầm trọng.
Một thời gian dài, đêm nào y cũng ngủ mơ thấy một cảnh lạ lùng. Y bị bắt phải ngồi bên một bàn tiệc có rất đông người, cùng đeo mặt nạ và cùng tham gia vào một trò chơi. Quy tắc của trò chơi là ai đến dự cũng phải nói dối, không ai được nói thật. Nói dối ít được thưởng ít, nói dối nhiều được thưởng nhiều, phần thưởng chính là rượu thịt ở trên bàn. Ai bị phát hiện là nói thật thì ngay lập tức bị bắt đem đi khâu miệng. Tất nhiên chẳng ai thích bị khâu miệng nên ai cũng nói dối lem lẻm không biết ngượng mồm.
Trò chơi càng về cuối càng vui. Ai cũng nói dối trơn tru đến mức tin chính lời nói dối của mình là thật. Sự phi lí tột cùng ấy khiến y lộn ruột. Y không chấp nhận cuộc chơi.
- Đời tao chỉ biết nói thật. Tao đ. thèm chơi với chúng mày.
Y ném mặt nạ vào bát xương chó và nhảy xổ lên bàn. Đám đông ào đến với một rừng dao kéo kim chỉ để trừng phạt y. Họ chưa kịp ra tay thì y đã tự cấu vào mặt mình và tỉnh giấc.
Tự làm mình tỉnh giấc là một kinh nghiệm mà sau nhiều cơn ác mộng y đã rèn luyện được. Tuy luôn thoát hiểm vào phút nguy cấp nhưng trong giấc mơ nào y cũng đói và buồn.
Y kể cho mẹ y nghe chuyện này. Bà nói, khổ thân mày, trong mơ cũng thật thà để mà bị đói. Sao không nói dối như mọi người khác để được đánh chén có phải là hơn không .
Y thử làm theo lời mẹ. Trong mơ, bữa tiệc diễn ra như thường lệ, mọi lời nói dối trơ trẽn đều được coi là thật theo một sự thoả thuận ngầm. Ai cũng biết nhưng vờ như không biết để được yên thân và có phần đút túi mang về. Đến lượt y, y đứng lên nói dối làu làu như một con vẹt. Khi tiếng vỗ tay nổi lên vang dậy, y đột ngột phá luật chơi.
- Tất cả những gì tao nói từ đầu đều là nói dối - Y tuyên bố.
Như mọi lần, cậy có thuật thoát mộng, y không thèm chạy trốn mà xô ghế nhảy lên mặt bàn. Chỉ bằng một cú bóp nhẹ vào chim mình, y đã cười phá lên và tỉnh giấc ngay sau đó.
Nghe kể, mẹ y khuyên:
- “Người đời đục cả, riêng mình ta trong. Người đời say cả, riêng mình ta tỉnh”, đến trong mơ mà mày còn tỉnh thế này thì nguy hiểm. “Nước trong giặt mũ, nước đục rửa chân”, phải biết thoả hiệp con ạ, nhảy xuống sông Tương chỉ thiệt thân. Tìm cách nào để chữa bệnh tỉnh đi con.
Y ra cửa nhìn về phương nam. Nơi ấy gió thổi mây bay, chân trời xanh ngát. Ai chữa được bệnh tỉnh của y bây giờ?
Một hôm lang thang trên mạng, tình cờ y bắt gặp thông tin về một thầy lang ở vùng Tây Bắc. Đó là một kì nhân được mệnh danh là “ông già bách bệnh”, từ nhiều năm trước phải đi vào núi ở ẩn vì bị chính quyền xã coi là phù thuỷ hành nghề mê tín dị đoan. Y khăn gói lên đường về hướng bắc.
6. Thầy lang ở trong núi đá, nơi tiếp giáp giữa trời và đất. Quanh năm mây trắng bò từng tảng dưới gầm nhà sàn. Quanh nhà hoa mơ hoa táo nở trắng ngần. Thấp thoáng bóng sơn nữ trong sương gùi nước về cho thầy sắc thuốc. Cảnh thanh bình lãng đãng như xứ tiên.
Y kể bệnh cho thầy lang nghe và hỏi có chữa được không. Ông già giấu nụ cười trong chòm râu bạc, lẳng lặng lấy ra một gói thuốc bằng bàn tay và chụm môi thổi một luồng khói xanh vào đó. Thuốc chế từ hoa mơ đấy, chẳng có gì bí mật, ông nói, uống hết thang này là sớm tối chỉ mộng với mơ. Thưa, nếu muốn tỉnh táo trở lại thì phải làm sao. Muốn tỉnh táo thì uống một thang chế từ hoa táo, ông già bách bệnh cười.
Y uống thuốc xong thì ra vườn chơi. Ngồi lên một phiến đá, chợt nghe có tiếng rì rầm, ngó quanh thì thấy trên cành mơ có hai con sâu - một nam một nữ - đang nói chuyện. Sâu nam trách sâu nữ bạc tình, rằng yêu nhau đã nửa tuần trăng rồi mà em còn đem lòng tơ tưởng cái thằng rết đỏ ngụ trong phiến đá này. Sâu nữ khóc rằng em đâu muốn thế nhưng trái tim em có quy luật riêng của nó, nó mách em đi theo tiếng gọi nơi hoang dã và bây giờ nó không còn thuộc về anh. Sâu nam nấc lên, đến nước này anh hỏi thật, thế cái thằng rết chó chết ấy nó hơn anh ở chỗ nào. Em đã nói với anh bao nhiêu lần rồi, loài sâu chúng mình chỉ có ba cặp chân, cả thảy là sáu chiếc, trong khi anh rết có những hai mươi mốt cặp, tổng cộng là bốn mươi hai chiếc chân. Em ơi chả lẽ tình yêu chỉ được đo đếm bằng số chân, anh thua hắn về chân nhưng anh đẹp hơn hắn về tâm hồn. Xì, tâm hồn là cái quái gì, chả ai nhìn thấy. Đừng nói lời bạc như vôi thế, em bị tiêm nhiễm nọc độc của thằng rết thâm hiểm mất rồi, em đang diễn biến xấu đấy em có biết không. Ừ tôi thay đổi, thấy cái tốt đẹp hấp dẫn hơn tôi theo. Sâu nam khóc, em ơi nghĩ lại đi em, kiên định theo anh, chúng mình sẽ thoát kiếp sâu thành bướm bay lên thiên đường. Xin lỗi, tôi không chờ được. Tôi sẽ trao thân cho anh rết, ôi, đen nhánh đỏ tươi, vạm vỡ hùng cường!
Sâu nam khóc thảm thiết, oằn oại trên cành mơ.
- Tiên sư mày, gái đĩ già mồm. Đã bội bạc còn trơ tráo - Y búng con sâu nữ rơi xuống đất, dận mũi giày lên nó. Con sâu nổ đánh bép, chết tươi.
Y lật phiến đá lên. Quả nhiên có một con rết đỏ nâu ngoe nguẩy chực chạy trốn. Mũi giày thứ hai dí xuống. Con rết ngắc ngoải, lịm dần.
Vườn mơ hoe hoắt vắng. Tuyệt đối yên tĩnh. Y trở vào nhà sàn. Ông già đang nằm lim dim hút tẩu, hỏi:
- Anh vừa giết chết hai côn trùng trong vườn của ta đấy à.
Y giật mình.
- Thưa, sao thầy lại biết. Mà hình như thầy cho tôi uống nhầm loại thuốc khiến tôi nghe được tiếng nói của loài vật phải không.
- Ta không nhầm. Vẫn là loại thuốc giúp anh mơ mộng. Việc giết chóc của anh vừa rồi cũng chỉ là một giấc mơ thôi.
Y trở ra vườn mơ. Xác của con rết và con sâu vẫn ở đó.
- Thưa, hai con vật đó vẫn còn. Tôi đang sống giữa đời thực đây, sao thầy lại bảo là mơ được.
- Bấy giờ anh chưa tỉnh hẳn. Việc làm ác khiến anh vẫn vô minh. Giờ thì anh thử đi ra đó lần nữa xem.
Y lại ra vườn. Qua nhiên không thấy xác côn trùng nào cả.
Chỉ có hoa mơ man mác trắng đến hư vô.
Tha thẩn làm quen với một sơn nữ, y được cô cho biết rằng bệnh nhân nào tìm đến đây cũng được chữa chỉ bằng hoa mơ và hoa táo. Sở dĩ thang thuốc nào cũng hiệu nghiệm là do ông già bách bệnh đã thổi một luồng khói xanh biếc vào.
Ba ngày sau y xuống núi. Tiễn y đến cổng vườn, ông già râu bạc nói:
- Cuộc đời là một giấc mơ vì xã hội còn nhiều kẻ vô minh. Từ vô minh sinh ra cái ác. Thấy cái ác mà im lặng thì còn ác hơn nữa. Nhìn sao trời ta biết có biến nay mai.
Từ biệt thầy lang, đi tới đâu dường như lau lách rẽ ra cho y đi tới đó. Ra khỏi núi, lá cành khép lại, ngước nhìn lên tuyệt chẳng thấy gì, chỉ thấy mây trắng trùng trùng.
7. Phương thuốc hoa mơ của ông già trên núi thật kì diệu. Uống hết một thang, y đã trở thành con người khác. Giống chân ngắn và Tô Ninh Ninh, y sống trên mây trên gió và bàng quan với mọi sự trên đời.
Y say khướt với bạn từ xuân sang hè. Mưa cũng nhậu. Nắng cũng nhậu. Ăn chơi sợ gì mưa rơi.
Biển đục, trời thâm, kệ.
Ai sầu ai thảm ai thương ai cảm ai nhớ ai trông, kệ.
Thành phố nọ có ông bố thả cậu con trai vào máy giặt rồi bấm nút cho quay đến chết trong khi người mẹ ung dung đọc báo giữa mùa lá rụng trong vườn, kệ.
Sống chết mặc bay.
8. Mùa thu sang. Thuốc ngấm trong người lâu ngày đã nhạt, một sớm kia y thấy mình tỉnh ra hơn trước. Và ngơ ngẩn buồn.
Y lại khăn gói lên đường. Ngôi nhà chìm trong mây và những vườn táo vườn mơ vẫy gọi. Hoặc chấm dứt hoặc nối dài mơ mộng, y phân vân chưa biết chọn loại thuốc nào.
Xuống một ga xép, y rong ruổi vào vùng núi xa xăm. Chưa đến một năm mà quang cảnh khác nhiều, lau lách phủ dày, y không thể tìm ra lối mòn lên núi. Cơn mưa chiều bất ngờ ập xuống, mây mù xoá đi mọi hướng, đêm đó y phải ngủ trên cây.
Sáng ra y nghe tiếng nước cuồn cuộn chảy. Con suối dưới chân núi sau trận mưa đêm đã dâng lên thành lũ. Bên kia suối, cô giáo và trẻ em chui vào túi nilon vượt lũ đến trường, cả cô lẫn trò hụp xuống trồi lên giữa dòng nước đục ngầu sôi réo. Nhìn cảnh ấy, nước mắt y bỗng ứa ra.
Y cũng ướt từ đầu đến chân. Trận mưa đêm đã làm y tỉnh hẳn.
Y không tìm đường lên núi nữa.
Tưởng đã chết danh với “Cơn mưa hoa mận trắng” đầy lãng mạn, bất chợt gần đây Phạm Duy Nghĩa trở lại với một diện mạo văn chương hoàn toàn khác lạ. Tác phẩm của anh tràn ngập những câu hỏi về bản chất đời sống bề bộn hôm nay, về bản chất nhân quần và cá nhân, và về chính văn chương. Nhà văn lột xác, như người uống thuốc mơ vừa tỉnh lại. Đầy sảng khoái, hài hước, chua cay, mạnh mẽ.
Phạm Duy Nghĩa hiện làm việc tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội.
L.A.H