Truyền lửa khát vọng cống hiến - Bài 3: Tiên phong định hình lĩnh vực khoa học mũi nhọn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu và y tế số của TS Phạm Huy Hiệu (32 tuổi) cùng cộng sự đã được hàng nghìn nhóm nghiên cứu trên thế giới trích dẫn. Anh là nhà khoa học trẻ tiên phong định hình các hướng nghiên cứu mới góp phần hình thành nền y học hiện đại dựa trên khoa học dữ liệu.

TS Phạm Huy Hiệu (SN 1992, quê ở Nam Định), hiện là giảng viên Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Phó giám đốc Trung tâm Sức khỏe Thông minh VinUni-Illinois, kiêm Giám đốc Khoa học Trung tâm khởi nghiệp, Trường ĐH VinUni. Với nhiều phát minh, sáng chế có giá trị cao, TS. Hiệu đã lọt vào danh sách 20 đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2023.

Sáng tạo phần mềm hỗ trợ sàng lọc ung thư

Sau 4 năm được đào tạo chuyên sâu về AI tại Pháp, mong muốn được trở về Việt Nam cống hiến càng thôi thúc trong Phạm Huy Hiệu khi có cơ hội tham gia phát triển các giải pháp y tế số thông minh, dựa trên dữ liệu. Khi đó anh mới 27 tuổi. Chọn gian nan để thử sức mình, tiến sĩ trẻ quyết định dấn thân vào những dự án nghiên cứu liên ngành về y tế - công nghệ, dù chuyên ngành chính là khoa học máy tính.

Truyền lửa khát vọng cống hiến - Bài 3: Tiên phong định hình lĩnh vực khoa học mũi nhọn ảnh 1

TS Phạm Huy Hiệu, Trường ĐH VinUni (ngoài cùng bên trái), cùng các cộng sự

TS Hiệu cùng cộng sự đã trực tiếp đi thu thập dữ liệu thực tế từ bệnh nhân với sự giúp đỡ của đội ngũ y bác sĩ và các chuyên gia y tế. “Tôi có cơ hội thấu hiểu, chứng kiến những áp lực vô hình của đội ngũ y bác sĩ. Để rồi trong tâm mình, tôi thổn thức với bao khát vọng đưa công nghệ tiếp sức cho những người tuyến đầu”, tiến sĩ trẻ nói.

Thành quả nghiên cứu đầu tiên trình làng sau khi trở về nước của TS Hiệu cùng cộng sự tại Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Vingroup là phần mềm chẩn đoán hình ảnh y tế (VinDr), đã thu hút giới chuyên môn và cộng đồng khi được triển khai ở hơn 40 bệnh viện cả nước. Đặc biệt, phần mềm đã hỗ trợ đắc lực cho y bác sĩ trong sàng lọc ung thư và phát hiện các bệnh nan y, xử lý khoảng hơn 300.000 lượt bệnh nhân mỗi tháng.

TS Hiệu còn là đồng tác giả của “Hệ thống theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông minh cho người Việt (VAIPE)”. Hệ thống giúp theo dõi thói quen sử dụng thuốc, theo dõi nhịp tim, huyết áp, chỉ số chiều cao, cân nặng… Tất cả được thu thập thông qua điện thoại thông minh và được phân tích nhằm đưa ra các khuyến cáo về việc sử dụng thuốc an toàn, cảnh báo uống nhầm thuốc, uống thuốc ngoài đơn kê và chẩn đoán sớm các bệnh lý. Giải pháp này đã giành 3 giải thưởng quốc gia và quốc tế uy tín.

Thắp ngọn lửa dẫn dắt sự đổi mới

TS Hiệu cho rằng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có tính ứng dụng cao là công việc đặc biệt khó khăn, đòi hỏi sự nhiệt huyết và tính kiên trì. Vì thế, anh đã dành nhiều năm để có đủ nguồn dữ liệu cần thiết cho việc huấn luyện các mô hình phân tích dữ liệu, đánh giá và tiến hành thực nghiệm lâm sàng. Nếu mô hình không hoạt động, nhóm nghiên cứu sẽ quay lại bước đầu tiên để tìm ra vấn đề.

TS. Phạm Huy Hiệu (Trường ĐH VinUni) đã công bố 50 bài báo khoa học trên các tạp chí và hội thảo quốc tế uy tín, trong đó có 20 bài báo khoa học trên các tạp chí Q1 và 6 bài báo hội thảo Rank A/A* hàng đầu trong lĩnh vực AI, thị giác máy tính và y tế thông minh.

“Làm nghiên cứu đôi khi không được tưởng tượng ra những viễn cảnh đẹp hay một kết quả hoàn mĩ. Tôi thường nghĩ đến những trường hợp tệ nhất để luôn có tâm thế sẵn sàng, dũng cảm làm lại, thử sai và thử cho mình thêm cơ hội”, tiến sĩ trẻ chia sẻ.

Với tinh thần sẵn sàng tiên phong nhận nhiệm vụ dẫn dắt, định hình xu thế công nghệ, TS Phạm Huy Hiệu luôn sẵn sàng dành nhiều thời gian để đào tạo đội ngũ sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh trẻ. Anh cho rằng tương lai của công nghệ có gốc rễ từ con người.

“Điểm mạnh của tuổi trẻ là tính tiên phong và mạnh dạn theo đuổi, sẵn sàng tìm ra cái mới tốt hơn. Và tôi đã chọn những bạn trẻ như thế để cùng tham gia định hình hướng nghiên cứu mới về y tế số, thúc đẩy tham vọng tạo ra sự tác động và làm chủ công nghệ trong tương lai”, TS Hiệu nói.

Trong thời gian tới, TS. Hiệu và các đồng nghiệp ấp ủ tiến hành nghiên cứu, phát triển thiết bị và ứng dụng theo dõi chỉ số sinh học của con người, giúp theo dõi và chẩn đoán sớm nguy cơ đột quỵ - bệnh lý cướp đi sinh mạng của 200.000 người Việt mỗi năm.

MỚI - NÓNG