Truyện Kiều, bản chuyển ngữ tiếng Anh của Dương Tường, vừa 'chào đời'

 Truyện Kiều, bản chuyển ngữ tiếng Anh của Dương Tường, vừa 'chào đời'
TPO - Đó là công trình tâm huyết cuối đời của dịch giả, nhà thơ Dương Tường. Gần 90 tuổi, mắt gần như không nhìn thấy, Dương Tường vẫn miệt mài dịch truyện Kiều ra tiếng Anh. Sách đã “ra lò” ngày 25/3 vừa qua.

Truyện Kiều, bản chuyển ngữ tiếng Anh của Dương Tường, “chào đời” đúng sự kiện trọng đại trong cuộc đời nhà thơ, dịch giả nổi tiếng: Tròn 59 năm ngày cưới của vợ chồng ông. Người trong giới đều biết, Dương Tường rất mực yêu thương vợ. Ở tuổi này, ông vẫn gọi vợ là “em”, xưng “anh” ngọt ngào. Có người nói vui: Xong công trình truyện Kiều, Dương Tường chỉ còn nhiệm vụ chiều chuộng bà xã. Còn Dương Tường sau khi hoàn thành công trình chuyển ngữ truyện Kiều sang tiếng Anh đã thở phào nhẹ nhõm: “Bây giờ tôi có thể thanh thản ra đi được rồi”.

Có người thắc mắc, vì sao khi còn khỏe mạnh, minh mẫn, dịch giả không dịch truyện Kiều, đến khi chân run, mắt lòa mới bắt tay dịch công trình vĩ đại. Phương châm làm việc của ông là: Hãy làm cái gì đó vượt quá khả năng của mình một chút để còn cố gắng.

Cách đây vài năm mắt Dương Tường bị lòa, khiến công việc dịch thuật của ông gần như khép lại. Song dịch giả không chịu khoanh tay trước hoàn cảnh, bằng mọi giá ông vẫn phải tìm được việc gì đó để làm cho khuây khỏa. Ông gọi cháu gái đến đọc truyện Kiều cho nghe, gặp những câu thơ có điển tích, ông giảng giải cho cháu. Từ đây, dịch giả nảy ra ý định dịch truyện Kiều sang tiếng Anh. Dương Tường là một trong những nhà văn hóa hết lòng bảo vệ tiếng Việt. Vì vậy ông đặc biệt say mê truyện Kiều và coi “ông tổ” trong nghề nghiệp của mình chính là Nguyễn Du.

 Truyện Kiều, bản chuyển ngữ tiếng Anh của Dương Tường, vừa 'chào đời' ảnh 1

Dương Tường tại nhà riêng (Ảnh: Đ.N)

Dương Tường từng “điểm danh” một số dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp dịch thuật. Thí dụ, tác phẩm “ngốn” của ông nhiều thời gian nhất, chính là “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Mitchell. Tiểu thuyết từng giành giải Pulitzer của Margaret Mitchell lấy của Dương Tường  hơn 2 năm lao động. Đến nay, “Cuốn theo chiều gió”, bản dịch của Dương Tường, vẫn được nhiều độc giả yêu thích.

Một trong những tác phẩm thách thức năng lực của dịch giả nổi tiếng có thể kể đến “Cái trống thiếc”, tác phẩm đã giúp Gunter Grass được trao giải Nobel văn học năm 1999. Nhưng dịch truyện Kiều sang tiếng Anh vẫn là “ngọn núi cao” khó vượt nhất. Trước khi bắt tay vào chuyển ngữ truyện Kiều, Dương Tường thắp hương khấn Nguyễn Du và Thúy Kiều phù hộ. Trong hoàn cảnh mắt lòa, không nhìn thấy, ông vẫn lần mò tự hoàn thiện bản thảo trên máy tính. Cuối cùng, sau hai năm miệt mài công trình tâm nguyện của Dương Tường đã hoàn thành.

 Truyện Kiều, bản chuyển ngữ tiếng Anh của Dương Tường, vừa 'chào đời' ảnh 2

Mắt gần như không thấy nhưng Dương Tường vẫn làm việc mỗi ngày (Ảnh: Đ.N)

Truyện Kiều bản chuyển ngữ tiếng Anh của Dương Tường được in đẹp. Đặc biệt có kèm minh họa của rất nhiều họa sỹ tên tuổi vốn thân thiết với ông. Người trong giới văn nghệ chúc mừng ông,  đồng thời bày tỏ sự kính nể tình yêu chữ nghĩa, tinh thần lao động của nhà thơ, dịch giả. Hiện nay, sách đã đến tay Dương Tường. Cuốn đầu tiên ông đặt lên bàn thờ thắp hương cho bố mẹ. Cuốn sách thứ hai ông đề tặng nhà báo Nguyễn Công Khuyến, người đã viết lời tựa cho bản dịch này. Cuốn sách thứ ba, Dương Tường tặng nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Ông nắm tay nhà phê bình nói: “Em mừng cho anh nhé, một lão già gần 90 tuổi, mắt đã mù, mà cuối đời còn làm được việc này”. Nhà phê binh chỉ thốt lên hai tiếng: “Tuyệt vời” chia vui cùng đàn anh.

Một đời lao động sáng tạo không mệt mỏi, Dương Tường  không chỉ ghi dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực dịch thuật, ông còn là tác giả của những bài thơ nổi tiếng: “Một thoáng rợn tên là heo may/Một hương cây tên là kỷ niệm/Một góc phố tên là hò hẹn/Một nỗi nhớ tên là không tên” (Chợt thu 1). Có thể sau Truyện Kiều,  Dương Tường còn cho ra mắt bản dịch những bài thơ Việt Nam nổi tiếng thì sao?  Giai đoạn mắt lòa, ông cũng đã dịch khá nhiều thi phẩm  ra tiếng Anh, tiếng Pháp  như “Ngậm ngùi” của Huy Cận, “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan.

 Truyện Kiều, bản chuyển ngữ tiếng Anh của Dương Tường, vừa 'chào đời' ảnh 3

Dịch giả nổi tiếng với công trình tâm huyết mới "ra lò" (Ảnh: Phạm Xuân Nguyên) 

MỚI - NÓNG