Trường tiền tỷ bỏ hoang
Nằm cách trung tâm Hà Nội không xa nhưng ít ai biết các cháu nhỏ trong độ tuổi mầm non tại thôn Lương Xá đang phải học tập, vui chơi ở nơi vô cùng khó khăn, nhiều người còn gọi đó là "nhà kho".
Thôn Lương Xá được liệt vào hàng đông dân nhất trong xã Lam Điền, cả thôn có tới hơn 700 hộ gia đình. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mầm non ngày một tăng cao. Tuy vậy, nhiều năm nay, ở đây hệ thống trường lớp cho các cháu mầm non vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nằm ngay sát ngôi trường cũ xập xệ là một công trình khang trang, bề thế với mức đầu tư vài tỷ đồng nhưng nhiều năm nay đang bị đắp chiếu.
Qua tìm hiểu của phóng viên, năm 2009, UBND huyện Chương Mỹ đã ra quyết định xây dựng 3 trường mầm non trên địa bàn xã Lam Điền, gồm một trường mầm non trung tâm và 2 trường tại các điểm lẻ. Theo kế hoạch dự án này sẽ xây dựng, hoàn thành, bàn giao và sử dụng trong năm 2010.
Với tổng mức đầu tư là hơn 3 tỷ đồng. Dự án trường mâmnon thôn Lương Xá được UBND huyện quyết định đầu tư theo QĐ 2739 ngày 29/10/2009 với mức đầu tư là 1 tỷ 382 triệu đồng. Quy mô là 1 tầng 3 phòng, hiện trạng sàn là 267m2. Tuy nhiên do trường mới không xây dựng trên nền của lớp học cũ nên UBND xã Lam Điền đã có công văn đề nghị UBND huyện Chương Mỹ điều chỉnh kỹ thuật. Tổng mức đầu tư tăng lên là 3 tỷ 958 tỷ đồng. Quy mô đầu tư 1 tầng 3 phòng, diện tích sàn tăng lên 329,67m2.
Theo ông Đặng Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Lam Điền thì hiện mức đầu tư 3,9 tỷ chỉ đủ để đổ nền, lu lèn, xây tường, kè, làm được ngôi nhà 1 tầng và 3 phòng. Các hạng mục phụ trợ khác vẫn chưa thể thực hiện được.
Theo quan sát của phóng viên, ngôi trường mới bỏ hoang nằm trên một nền đất khá rộng và thoáng. Được xây một tầng gồm 3 phòng rộng và thiết kế tương đối đẹp. Tuy nhiên cửa đóng im ỉm, rất nhiều mảng tường bị bong tróc, kính cửa sổ nhiều chỗ đã vỡ. Đặc biệt hơn nữa, phần nền đã có dấu hiệu sụt lún nghiêm trọng khiến gạch lát nhiều chỗ vỡ vụn. Bên trong bày biện la liệt củi mục, đồ đạc cũ nát của công nhân, ổ điện, dây điện đã hư hỏng. Khắp sàn hiên phủ kín phân bò, bùn đất. Phía sân trước của trường chưa được lát khiến cỏ mọc um tùm hoang dại. Tường bao và cổng chưa được xây dựng cho nên hàng ngày người dân vẫn thường xuyên chăn thả bò.
Ông Hùng, người thường xuyên chăn thả bỏ tại đây cho biết: "Khu vực này đã bỏ hoang nhiều năm, cỏ mọc tốt nên hàng ngày tôi vẫn chăn thả bò. Buộc bò bên hiên của trường cũng không thấy ai ngăn cấm nên tôi cứ làm vậy. Là người dân của thôn, tôi cũng tha thiết cơ quan cấp trên sớm hoàn thành công trình cho nhân dân được nhờ. Để như vậy nắng mưa lại không được bảo quản chẳng mấy mà sập".
Ông Nguyễn Văn Sang (người dân thôn Lương Xá) chia sẻ: "Chúng tôi nhìn thấy một đống của để mục nát theo thời gian cũng xót xa lắm. Cũng chẳng biết lý do tại sao mà tự dưng cấp trên dừng không cho xây dựng, bàn giao. Con cháu chúng tôi thì phải học tập vui chơi ở nơi xập xệ vậy mà trường đẹp thế này lại bỏ hoang. Đúng là phí tiền nhà nước quá".
Loay hoay tìm nơi gửi con
Điều nghịch lý và khiến người dân ở đây bức xúc là bên cạnh ngôi trường khang trang bỏ hoang, rất nhiều học sinh phải học tập, vui chơi tại một ngôi trường xập xệ, điều kiện vật chất thiếu thốn. Phòng chỉ rộng khoảng 40m2, trong khi có tới gần 60 cháu.
Theo tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu thiết kế của trường mầm non thì diện tích sử dụng đất bình quân phải là 12m2/trẻ đối với khu vực nông thôn. Không phải nói cũng hiểu mỗi khi mùa hè tới các cháu nhỏ ở đây phải chịu không khí rất ngột ngạt, khó chịu.
Trường học khang trang giờ thành nơi chăn thả trâu, bò.
Chị Nguyễn Thị Hồng bức xúc: "Con em gửi ở trường rất khổ vì không có chỗ chơi. Nhà vệ sinh lại cách xa phòng học nên chuyện các cháu không kịp đi vệ sinh là rất bình thường. Mùa hè có cháu phải ngồi ra cả ngoài hiên của trường vì chật chội quá. Cứ nghĩ vậy thôi chúng tôi cũng không cầm được lòng rồi". Không những vậy, sân chơi của các cháu nhỏ không đủ các trang thiết bị, chỗ vui chơi cho trẻ.
Theo quan sát của chúng tôi, cả trường chỉ có 1 cầu trượt cho trẻ con vui chơi. Bà Thơm chia sẻ: "Tính cả nội, ngoại, tôi có 5 cháu thì 4 cháu đang trong độ tuổi mầm non. Thực sự nhìn các cháu vui chơi ở đó tôi rất thương. Nhiều gia đình xót con phải gửi ra trường tư thục. Tôi nghĩ tư thục cũng không tốn kém lắm nhưng học trường công bao giờ cũng tốt hơn. Họ có bằng có cấp, có dụng cụ học tập, không chỉ trông con em mình mà còn dạy dỗ chúng nữa".
Nhiều người dân nơi đây không khỏi bức xúc và xót xa cho con em mình.
Do nhu cầu ngày càng cao của các bậc phụ huynh, trên địa bàn thôn Lương Xá đã bắt đầu mọc lên những trường mầm non tư thục. Mặc dù điều kiện ăn ở, vui chơi của các bé được đảm bảo nhưng người dân ở đây không phải không có những lo lắng, băn khoăn. Theo như phản ánh của người dân, các trường tư thục trên địa bàn là do một số cô giáo từng tốt nghiệp các trường sư phạm mầm non khi về quê chưa xin được việc mở ra. Tuy có giấy phép của phòng giáo dục nhưng vẫn lo lắng về khả năng sư phạm. Các cháu không chỉ được ăn chơi mà việc dạy dỗ bước đầu cũng là việc rất quan trọng.
Ông Đặng Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Lam Điền:
Trường mầm non thôn Lương Xá được quyết định đầu tư nhằm xóa bỏ phòng học xuống cấp. Trường thuộc điểm lẻ, việc đầu tư theo đề nghị của UBND xã Lam Điền cần kinh phí là khoảng gần 9 tỷ đồng. Trong những năm vừa qua, do nền kinh tế suy thoái, nguồn ngân sách của huyện còn hạn hẹp nên chưa có khả năng bố trí trong giai đoạn một để gọn theo đầu tư và theo dự kiến.
Năm 2014 khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, UBND huyện đã lập kế hoạch đầu tư cho năm 2015, ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục, nhất là xây dựng hạ tầng, thiết bị cho các trường mầm non. Dự án trường mầm non thôn Lương Xá, xã Lam Điền đã đưa vào danh mục bố trí để tiếp tục đầu tư trong năm 2015 và đã thông qua HĐND huyện Chương Mỹ.
Hiện nay, UBND huyện chỉ đạo BQL dự án hoàn thiện toàn bộ hồ sơ, lập kế hoạch đầu tư các thiết bị để lớp học đi vào hoạt động hiệu quả. Dự án cần được khởi công bắt đầu từ quý 2 năm 2015. Chúng tôi đã cho động thổ ngày 4/4/2015. Giai đoạn 2 tiếp tục được đầu tư để hoàn thiện: tường rào, cổng, sân, nhà vệ sinh và một số công trình phụ trợ. Hiện tại trường học cũ vẫn đảm bảo khang trang, sạch sẽ.
Cùng một lúc đầu tư 3 điểm lẻ, tuy nhiên 2 điểm kia đã có mặt bằng riêng, điểm thôn Lương Xá khó khăn trong phần triển khai mặt bằng HĐNDá phải chuyển sang một khu đất khác, do UBND xã đề nghị UBND huyện. Tuy nhiên phần đầu tư 3,9 tỷ đồng mới san lấp, xây dựng được ngôi nhà 1 tầng 3 phòng, công trình phụ trợ cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên giai đoạn một hiện nay thì thiếu sân, thiếu tường rào, thiếu cổng. UBND xã xét thấy chuyển các cháu sang học thì chưa đảm bảo được an toàn nên vẫn chưa cho sang.
Chúng tôi đã có công văn đề nghị UBND huyện và đã triển khai trong năm 2014. Hiện nay nhà thầu đang chuyển vật liệu xuống để triển khai. Chúng tôi đã có tuyên truyền, làm việc với lãnh đạo thôn, một gói đầu tư ngôi trường mầm non lên tới 9 tỷ nên không thể đầu tư ngay một lúc. Nếu như các trường khác xây dựng trên nền cũ của trường khác thì có lẽ đã đang sử dụng. Do ở Lương Xá chúng tôi đề nghị tách ra khỏi khu tiểu học nên khó khăn.
Bà Đặng Thị Hương, Phó hiệu trưởng Trường mầm non xã Lam Điền:
“Rõ ràng cơ sở vật chất như vậy là chưa đủ điều kiện. Trước đây trường mầm non thuộc thôn Lương Xá có 2 khu nhà cấp 4 nhưng do một khu đã xuống cấp nặng nên chúng tôi quyết định không dùng để dạy dỗ các cháu. Vừa rồi chúng tôi có cơi nới dãy nhà lợp tôn theo hình thức xã hội hóa để các cháu có nơi ăn uống, vui chơi. Chúng tôi cũng tha thiết mong các cấp chính quyền sớm hoàn thiện trường mới để các cháu đỡ khổ. Là cô giáo của các con thấy vậy cũng xót xa lắm chứ”.