Trưởng thành từ những cái chết

Tranh: Nguyễn Quang Thiều
Tranh: Nguyễn Quang Thiều
TP - Thế là tôi đã rời bỏ thế gian này ra đi. Những người thân yêu và bạn bè quây quanh chiếc giường tôi đang nằm. Lúc đó, tôi đứng ở cách xa mọi người và quan sát tất cả. Tôi nằm trên chiếc giường cạnh ô cửa sổ lớn mở ra vườn. Bên cạnh tôi một cuốn sách đọc dở. Tôi không nhớ đó là cuốn sách gì. Nhưng là một cuốn sách mỏng. Có lẽ là một tập thơ của một nhà thơ nào đó.

Một người bạn đã già của tôi từ từ mở hai cánh cửa sổ để ánh sáng mùa thu lùa vào nơi tôi nằm. Tôi thấy ngoài vườn gió đang reo vang trong những vòm lá. Một con chim có cái đuôi đỏ quét đất đang nhìn về phía tôi và hót vang. Tiếng hót của nó giống tiếng tiêu mà khi sống tôi vẫn thổi. Trên cành cây hồng trứng ở góc vườn rực rỡ những chùm quả. Tôi gọi những quả hồng chín là những ngọn đèn của mùa thu.

Một đoàn người đi vào sân nhà tôi. Đó là những nhạc công phường bát âm làng Chùa. Toàn là những người thân quen. Một trong những loại nhạc tôi mê đắm chính là những bản nhạc của phường bát âm. Tôi đã viết hai bài thơ về âm nhạc này. Mỗi lần tiễn đưa những người trong làng, tôi thường đi cạnh phường bát âm. Tiếng nhạc vang lên làm cho tôi nhìn thấy con đường vô hình từ thế gian về tới cõi Thiên thu. Đẹp, da diết, mênh mang và lộng lẫy.

Mọi người trong nhà tất bật chuẩn bị mọi thứ cho tôi. Một ai đó nhấc chiếc túi hành lý cho chuyến đi cuối cùng của tôi rồi nói: “Nhẹ quá, sao lại mang ít thế nhỉ?”. Một người khác: “Ông ấy mang cái gì thế?”. Tôi mỉm cười thích thú vì biết rằng chẳng ai đoán được tôi mang gì theo đâu. Bí mật mà.

Tôi tỉnh giấc. Tôi vừa qua một giấc mộng. Tỉnh dậy rồi thấy luyến tiếc. Sao giấc mộng không kéo dài thêm để mình được xem cuộc ra đi của mình tiếp tục như thế nào. Nếu giấc mộng tiếp tục thì điều sợ nhất là phải nghe điếu văn của một ai đó của cơ quan, đoàn thể hay khối phố gì gì đó. Chính thế mà mấy lần tôi nói nửa đùa nửa thật với bạn bè rằng khi tôi mất thì các ông phải viết điếu văn chứ không để người khác. Và tốt nhất là không có điếu văn mà chỉ đọc bài thơ của tôi viết cho chuyến đi của tôi cùng thơ của bạn bè viết về một điều gì đó.

Có một điều khác biệt vô cùng trong giấc mộng này là tôi không còn cảm thấy sợ hãi khi tỉnh khỏi mộng về cái chết của mình nữa cho dù đó chỉ là giấc mộng.

Rất nhiều người nói với tôi rằng: họ đã mơ thấy họ chết. Tôi không chỉ gặp giấc mộng thấy mình chết một lần mà tôi nhớ chính xác là ba lần. Tôi không nhớ rõ giấc mộng đầu tiên vào khi nào. Nhưng chắc lúc đó tôi còn rất nhỏ. Bởi thế mà tỉnh khỏi giấc mộng, tôi đã ôm chặt mẹ tôi và khóc nức nở vì sợ hãi. Vừa khóc, tôi vừa nói với mẹ: “Con chết rồi u ạ, con chết rồi”. Mẹ ôm chặt tôi vào lòng và nói, “Đấy chỉ là mơ ngủ thôi, con chết thế nào được, làm sao mẹ lại để con chết”. Mẹ tôi nói vậy nhưng sau này tôi biết mẹ sợ hãi giấc mộng ấy của tôi hơn chính tôi. Tôi tin rằng: Nỗi sợ hãi lớn nhất của những người mẹ là mất con.

Vào một đêm mùa hạ trong những năm cuối đời của mẹ tôi, hai mẹ con tôi ngồi trong vườn trò chuyện dưới ánh trăng như dát vàng. Chợt mẹ tôi nói: “Sau này mẹ mất đi rồi có còn ai thương con như mẹ không?”. Đêm ấy, nước mắt chảy giàn giụa trên mặt tôi. Cũng như mọi người, tôi vẫn có bao người thương yêu như anh chị em tôi, vợ con tôi và bạn bè tôi. Nhưng không ai có được tình thương giống mẹ. Bây giờ mỗi khi về quê vào những đêm mùa hạ có trăng, tôi vẫn ra vườn ngồi xuống nơi mẹ con tôi đã ngồi. Lúc nào tôi cũng cảm thấy hơi ấm từ mẹ tỏa vào tôi.

Khi 20 tuổi, tôi lại mộng thấy tôi chết. Sau khi tỉnh giấc, tôi đã rời khu cư xá sinh viên và đi lang thang trong trường. Tôi thực sự sợ hãi. Lúc đó, hình ảnh hài cốt ngả sang màu đen thẫm như sừng của bà nội tôi lại hiện ra. Tôi không thể nào chịu nổi cái ý nghĩ một ngày nào tôi chỉ còn là một bộ hài cốt như thế. Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi thay áo cho bà nội tôi. Vì là cháu trai nên anh cả tôi và tôi phải tham gia việc rửa ráy hài cốt bà tôi. Lúc đó, em trai tôi còn quá nhỏ nên không tham gia. Khi nhìn thấy hài cốt của bà nội, tôi đã òa nên khóc. Có lẽ lúc đó, nỗi nhớ thương bà mới tràn ngập toàn bộ con người tôi. Và lúc đó, cái chết của bà nội tôi mới thực sự ám ảnh tôi. Còn ba năm trước đó, tôi vẫn mơ hồ nghĩ bà tôi đi vắng đâu đó ít ngày rồi sẽ trở về. Những năm tháng ở tuổi đôi mươi tôi bị cái chết ám ảnh. Tôi sợ đến mức nhiều đêm không ngủ được. Nhưng đến bây giờ, khi tôi đã gần 60 tuổi thì giấc mộng về cái chết không còn làm tôi khiếp sợ nữa. Tôi cảm thấy bình thản hơn cho dù tôi chưa biết cảm giác thật ra sao khi cái chết cận kề. Nhưng tôi vẫn tin, những lần chết trong mộng giống như những lần thực tập về cái chết bởi trước sau ai cũng chết. Tôi cũng nhận thấy tôi đã trưởng thành trong cả chính những giấc mộng của mình. Những giấc mộng mà chúng ta không tin đó là một phần của đời sống thật đã thật sự mang cho tôi những trải nghiệm. Nó dẫn tôi đi từ nỗi sợ hãi kinh hoàng đến sự chấp nhận thanh thản. Nó dạy tôi phải biết cách hòa vào cuộc sống tự nhiên và đồng hành cùng cái tự nhiên ấy.

Và lúc này tôi muốn nói rằng: tôi đã trưởng thành qua những cái chết của tôi trong mộng. Nhưng thực tế chúng ta đâu có chỉ chết một lần. Mỗi ngày trôi đi tôi cảm thấy là một lần chúng ta đã chết một cái chết ngắn. Đôi khi, bằng một khả năng điều khiển cảm giác, chúng ta quay lại căn phòng ngày hôm qua chúng ta đã làm việc hay sống trong đó, chúng ta có thể cảm thấy một thân xác chúng ta còn vương lại ở đó. Đó là sự thật. Chỉ có điều chúng ta không đủ khả năng để nhận ra điều ấy hoặc cố gắng một cách tối cực đoan để chối từ điều ấy.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.