Trường học có F0 ở một số địa phương: Vẫn không đóng cửa

0:00 / 0:00
0:00
Trường mở trở lại, học sinh và giáo viên ở TPHCM được test COVID-19 hằng tuần
Trường mở trở lại, học sinh và giáo viên ở TPHCM được test COVID-19 hằng tuần
TP - Ngày 9/11, tại Hội nghị giao ban trực tuyến với giám đốc các Sở GD&ĐT do Bộ GD&ĐT tổ chức, một số đại biểu nói rằng, khi có ca mắc COVID-19, địa phương chỉ cách ly ca nhiễm, không đóng cổng trường học.

“Mặc dù một số cơ sở giáo dục vẫn xuất hiện F0, F1 nhưng việc tổ chức dạy học của Quảng Nam vẫn diễn ra bình thường”, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam Hà Thanh Quốc nói.

Khi trường học có F0, F1, Quảng Nam chỉ tổ chức cách ly lớp học có ca nhiễm, chứ không đóng cửa cả trường. Các cơ sở giáo dục tổ chức nội trú, bán trú, hằng tuần địa phương tổ chức test nhanh cho học sinh; khu vực “điểm nóng” được xét nghiệm 2 lần/tuần.

Khoanh vùng hẹp, truy vết nhanh, khử khuẩn khẩn trương để học sinh trường có ca nhiễm chỉ học trực tuyến 2-3 ngày rồi trở lại trực tiếp cũng là cách mà Sở GD&ĐT Khánh Hòa đang triển khai. Tỉnh linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học như chia đôi lớp, luân phiên học trực tuyến, trực tiếp vào buổi sáng, buổi chiều.

Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh Nguyễn Thế Sơn cho biết, học sinh toàn tỉnh đi học trực tiếp trở lại từ ngày 24/9. Khi dịch vẫn diễn biến khó lường, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường căn cứ cấp độ dịch của xã, phường, huyện chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học phù hợp.

Hiện nay, có 84/336 cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên của Bắc Ninh đang dạy học trực tuyến; 13 cơ sở dạy kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Số đông trường còn lại tổ chức dạy học trực tiếp.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định Cao Xuân Hùng cho hay, dịch COVID-19 ở tỉnh tiếp tục lan rộng khiến hàng trăm giáo viên, học sinh thành F0, nhưng các hoạt động giáo dục vẫn được nhà trường duy trì ổn định. Hiện Nam Định có 5/10 huyện, thành phố dạy trực tuyến. Những cơ sở dạy học trực tiếp đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình (mỗi học kỳ 1 tháng), phòng khi có tình huống bất thường thì chất lượng dạy học không bị ảnh hưởng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nói rằng, thời gian tới, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, do đó, các tỉnh, thành phố tiếp tục ưu tiên hàng đầu việc đảm bảo an toàn sức khoẻ cho học sinh, cán bộ, giáo viên. Các Sở GD&ĐT cần tích cực tham mưu, đề xuất để sớm hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên trường học và học sinh.

Ông Độ cũng yêu cầu các địa phương linh hoạt dạy học để hoàn thành chương trình, nhưng phải duy trì, giữ ổn định chất lượng giáo dục.

Xử lý thế nào nếu có F0 khi mở cửa trường học?

Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất UBND thành phố cho học sinh trở lại trường học tập trực tiếp từ ngày 10/12 tại địa phương có dịch cấp độ 1 và 2.

Với địa phương có các cấp độ dịch còn lại, tiếp tục học trực tiếp kết hợp trực tuyến hoặc 100% trực tuyến. Phương án có F0 khi mở lại cửa trường cũng đã được tính đến.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, với địa phương cấp độ dịch 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình), trường học được dạy trực tiếp, không tổ chức hoạt động ngoài nhà trường. Trường muốn mở cửa phải đáp ứng bộ tiêu chí an toàn. Trường cần chuẩn bị điều kiện để sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ở địa bàn cấp độ 3 (nguy cơ cao), việc học được tổ chức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, không có hoạt động ngoài lớp học. Tùy theo điều kiện thực tế, các quận, huyện và TP Thủ Đức quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp. Các khối 1, 2, 6, 9, 12 được ưu tiên.

Các lớp học bố trí lệch ca, lệch giờ, không tập trung đông người. Ở vùng dịch cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), việc học diễn ra theo hình thức trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tự học.

“Trước khi học sinh trở lại, ngành giáo dục sẽ tập huấn phòng chống dịch cho cán bộ, giáo viên, nhân viên vào ngày 8/12, họp phụ huynh ngày 9/12”, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, thông tin.

Ngày 20/10, học sinh các khối 1, 2, 6, 9, 12 của Trường Tiểu học Thạnh An và Trường THCS-THPT Thạnh An thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đến trường học tập trực tiếp. Đây là 2 trường học đầu tiên của TPHCM được phép mở cửa trường kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát.

Ngày 1/11, trong lần test COVID-19 định kỳ ở lớp, Trường THCS-THPT Thạnh An phát hiện một học sinh dương tính với SARS-CoV-2 (sau đó, xét nghiệm RT-PCR khẳng định em này mắc COVID-19).

Ông Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thạnh An, cho biết, từ thời điểm nghi ngờ có học sinh mắc COVID-19, tổ an toàn COVID-19 của trường truy vết và xác định có 7 trường hợp tiếp xúc gần. Những em này và toàn bộ học sinh của lớp được test nhanh, xét nghiệm RT-PCR, kết quả đều âm tính.

“Qua rà soát, xác định không có nguy cơ lây lan trong lớp học, trường quyết định cho những học sinh thuộc diện F1 chuyển qua học trực tuyến. Học sinh còn lại của lớp vẫn đến trường học bình thường”, ông Ngọc nói. Đây là tình huống đã đặt ra và được diễn tập trước khi mở cửa trường trở lại.

Đắk Lắk linh hoạt dạy học

Đắk Lắk hiện có 5.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hàng trăm học sinh, học viên, cán bộ giáo dục, giáo viên. Kể từ đầu năm học đến nay, nhiều địa phương của tỉnh này chưa thể dạy học trực tiếp. Từ đầu năm học đến nay, phòng khách của nhà thầy Nguyễn Trường Sinh (giáo viên môn Vật lí, Trường THPT Cư M’gar) trở thành phòng học trực tuyến.

Trường học có F0 ở một số địa phương: Vẫn không đóng cửa ảnh 1

Thầy giáo Nguyễn Trường Sinh biến phòng khách thành lớp học trực tuyến. Ảnh: Hồ Trang

Thầy Sinh mạnh tay đầu tư hệ thống thiết bị dạy học hiện đại để việc dạy học gần giống trên lớp học. Với bảng viết chống lóa, máy tính xách tay, điện thoại để quay mặt bảng, hệ thống đèn chiếu sáng…, thầy có thể truyền tải kiến thức bằng nhiều cách: trình chiếu slide, dùng camera kết hợp với bảng viết, đăng tải các clip bài giảng có sẵn, giao, nhận bài tập qua nhóm Zalo riêng của mỗi lớp…

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định cho phép các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp khi ở vùng nguy cơ thấp (cấp độ 1); với cấp độ 2, sẽ kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến; với cấp độ 3 trở lên, sẽ dạy trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tập. Toàn tỉnh có hơn 67.000 học sinh thiếu thiết bị học tập. Anh Trần Doãn Tới, Phó bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Đắk Lắk, cho biết đang tập trung hỗ trợ thiếu niên, nhi đồng thông qua chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

HUỲNH THỦY-NGUYỄN THẢO

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.