Trường Đoàn Đông Đức những tháng ngày

Trên chuyến xe ngựa rong chơi, có mặt cả 10 học sinh Việt Nam.
Trên chuyến xe ngựa rong chơi, có mặt cả 10 học sinh Việt Nam.
TP - Năm 1988, sau rất nhiều hồi hộp, chờ đợi, tôi nhận được quyết định cử đi học trường Đoàn tại CHDC Đức (cũ) 10 tháng. Gần 30 năm đã trôi qua, vật đổi sao dời, nước Đức đã thống nhất và Việt Nam cũng đã rất khác...

Nhà ga sân bay Nội Bài khi đó chưa mở rộng, chật chội, ồn ào. Thoát qua cửa kiểm soát hộ chiếu, vé máy bay, tôi một mình đối diện với cuộc kiểm tra hành lý mang theo. Tất cả gói bọc to nhỏ buộc chằng rất kĩ từ ở nhà đều phải mở ra. Những áo phông cành mai, cá sấu, những quần bò vừa dài vừa rộng, hàng đùm dây đeo chìa khóa hình con tôm, con bướm xanh đỏ đủ kiểu vợ tôi mua từ phố Hàng Khay…đều lạnh lùng phơi bày trước cặp mắt soi mói của nhân viên hải quan và người chủ hàng là tôi với đôi tai đỏ dừ! Bỗng tôi nghe tiếng hỏi khá nhẹ nhàng: “Anh ở báo Tiền Phong?” Tôi vâng và ngạc nhiên nhìn người nhân viên hải quan trẻ trung trong bộ đồng phục lịch sự. “Em là…, em anh Đình Trung ở báo Thiếu niên Tiền phong. Thôi anh gói lại hàng hóa và đi được rồi!”. Tôi bàng hoàng như trong mơ, cảm ơn anh rối rít, vứt tuốt tuột mớ hàng hóa “hầm bà làng” vào trong thùng giấy và buộc lại, bước vào phòng đợi lên máy bay…

Đến sân bay Vơ-nu-cô-vơ (Nga-bấy giờ còn là Liên Xô) transit  từ máy bay Boeing sang loại máy bay nhỏ hơn để đến Đức, chúng tôi còn phải trải qua một lần kiểm tra nữa. Những cô nàng hải quan Nga, mắt xanh mỏ đỏ, móng tay nhuộm tím thẫm, điềm nhiên và kênh kiệu, khinh khỉnh nhấc từng bó… phụ tùng mới cứng trong thùng hành lý của chị em, vứt sang bên cạnh! Nguy hơn nữa là không tìm đâu ra …chỗ để “giải quyết nỗi buồn”, khiến chúng tôi, nhất là ba thành viên nữ trong đoàn, gắng gượng đến bạc mặt…May- lại may!- lúc đó trưởng đoàn chúng tôi là Trần Viết Hơn (cán bộ Phòng Tổng hợp, TƯ Đoàn) tình cờ gặp được một người bạn đang học tại Mát, ra sân bay đón ai đó. Anh này tốt bụng và  thạo tiếng Nga, nói liến láu một tràng với mấy cô hải quan Nga. Sau một hồi trao đi đổi lại, các “người đẹp” gật đầu đài các, cho phép gói ghém lại tất cả những thứ vừa phải mở ra tênh hênh… Thoát! Khoảng hai hoặc ba tiếng sau, chúng tôi đã có mặt ở sân bay Béc- lin. Sân bay buổi chiều, đương giờ vắng khách. Chúng tôi lại gặp phiền phức vì tính nguyên tắc, quan liêu nổi tiếng của người Đức, cùng với đống hàng hóa rẻ tiền nhưng công phu tha lôi từ Hà Nội qua… Đương vơ vẩn không biết làm sao thì có một gương mặt phụ nữ Việt ngó vào tìm kiếm dáo dác. Ai đó gọi: “Hòa! Hòa!”, người phụ nữ bật reo, lao vào trong phòng. Đó là Hòa (cháu ngoại nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân), phiên dịch viên tiếng Đức, được nhà trường cử đi đón chúng tôi. Hòa trao đổi một lúc với các cán bộ mẫn cán người Đức thì chúng tôi và đống hàng hóa được ra ô tô với cam kết để  nguyên “chúng” cho nhân viên hải quan sẽ đến làm thủ tục kiểm tra tại trường vào đầu tuần sau. Thôi kệ, đến đâu hay đến đấy! Tôi trút hết mọi lo lắng, ngó qua cửa ô tô nhìn ngắm mây trời nhởn nhơ và những cánh rừng thưa hai bên đường đương ngược chiều xe chạy.

Trường Đoàn Đông Đức những tháng ngày ảnh 1

Trong bữa tiệc sinh nhật tác giả ( 5/2/1989), Xtêpan (sinh viên Đức) làm… hề, chụp ảnh!

Những ngày đầu thật ấm áp, quấn quýt. Nên nhớ là dù đã có 3-4 khóa gì đó có sinh viên Việt Nam tại trường nhưng đây là lần đầu tiên có nữ sinh viên, 3 nữ cán bộ Đoàn tham gia học tập, thật thân mật, an ủi cho 7 anh chàng “đực rựa” theo cùng. Nhưng tình cảm cũng rất dễ thiên vị: B.N có thiện cảm với Tiến Thành; Thoa và Đông (không nhớ họ) thì cùng săn sóc A Dân, cán bộ dân tộc huyện đoàn Sa Thày (Kon Tum?) có lẽ vì cùng là cán bộ phía Nam xa nhà?

Nhìn cảnh họ gần gũi, ân cần với nhau trong đợt đi thực tế thu hoạch khoai tây nông trường gần đó, vừa cảm động, vừa  có chút gì đó… bùi ngùi cho 5 anh chàng Hơn, Sơn, Tâm, Chiến, Chung còn lại! Nhưng cũng khá nhanh, hình như các “nàng” đều nhận thấy thân thiết với các chàng người Việt cùng đoàn, vui thì vui thật, nhưng cũng rất dễ “thiệt thòi”? Các “chàng” đều hồn nhiên, sẵn sàng “vui chơi hết mình” nhưng rất cẩn thận với “hầu bao”, với sức khỏe của họ. A Dân thì cứ điềm nhiên nhận sự “săn sóc” của hai bạn nữ mà chẳng có gì đáp lại cả! Thế là âm thầm, không một lời to tiếng (mà to tiếng vì cái gì chứ?), các “nàng” dường như xa dần các “ chàng” người Việt và  mở rộng tình cảm ra cả “bán đảo Đông Dương”? Tình đoàn kết quốc tế mà. B.N kết bạn thân thiết với Vi-nun-chàng sinh viên người Lào giỏi tiếng Anh, cán bộ ISK ( Hội đồng sinh viên Quốc tế- một tổ chức của nhà trường). Đông thì có Bun Chôm, sinh viên Lào giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Việt, đôi khi đùa bạn: “Bun Chôm có biết “chôm” tiếng Việt nghĩa là gì không? Là xoáy đồ đấy!”, người bạn Lào vừa “thế hả, thế hả” vừa cười rất thoải mái, hồn nhiên.

Thoa thì khác hai bạn cùng phòng,  gần gũi với Đa- ra, chàng sinh viên người Campuchia, to cao, hình như biết rất ít tiếng Việt? Nhưng đó là chuyện dài dài, chuyện “vặt” cả khóa học, hãy nói chuyện tết nhất đã.

Trường chúng tôi đến học là Trường cao cấp của Đoàn thanh niên Tự do Đức (FDJ). Đào tạo  cán bộ không chỉ cho nước Đức (cả Đông và Tây) mà gần như cho phần lớn thế giới bấy giờ ( châu Âu : Liên Xô, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển…; châu Á: Việt Nam, Mông Cổ, Lào, Campuchia, hình như có cả Triều Tiên…; Trung Đông có Ê-ti-ô-pi…; Châu Phi có Nam Phi …; châu Mỹ có Chi lê, Hoa Kỳ…). Đoàn Việt Nam ở tầng hai, cùng tầng và gần gũi với đoàn Lào, đoàn Campuchia.

Hình như đã có lệ từ mấy khóa trước nên Ban lãnh đạo nhà trường đều có nhắc nhở, năm nay Việt Nam lại có sinh viên nữ nên Đoàn trưởng Trần Viết Hơn quyết tâm tổ chức cái Tết thật ra trò. Tập múa, tập hát và đúng đêm giao thừa thì làm nem rán đãi những ai may mắn. Tôi đã chứng kiến cảnh mấy cô nữ sinh viên Đức lúng túng gắp nem mãi không được liền quẳng tuốt đũa đi, dùng tay bốc nem ăn ngon lành! Trước khi thưởng thức món nem, sinh viên quốc tế còn được dạo Hội chợ hàng Việt Nam với khá nhiều món hàng được trưởng đoàn Hơn lo chuẩn bị và tha lôi từ trong nước-nón lá, túi xách, áo dài… Thêm những đùm dây đeo chìa khóa hình con tôm, con bướm  của các thành viên “tự nguyện đóng góp” sau buổi làm việc có hiệu quả của phiên dịch  Hòa với cán bộ Hải quan theo đến tận trường…

Thấm thoắt thế mà đã hăm sáu, hăm bảy năm rồi, thời gian đi thật nhanh! Tôi về hưu đã tròn 6 năm. Tôi vẫn dõi theo nhiều bạn bè thời ấy và mừng vì nhiều người thành đạt, nhưng còn Tâm, A Dân, Đông, Thoa thì bặt tăm! Đất nước mình thật dài, dân số thì cận kề trăm triệu rồi…Nước Đức đã thống nhất, thế giới cũng bao nhiêu đổi thay, không hiểu cái cây bạch dương mà tôi đã vơ vẫn khắc tên lên đó, nay có còn không? Khắc tên lên gốc bạch dương/ Cái cây lặng lẽ bên đường mình đi/ Tháng Năm vòm lá xanh rì/ Thân phong lụa trắng đợi đề câu thơ// Ba trăm ngày tựa giấc mơ/ Ba trăm ngày sống thờ ơ mấy ngày?/ Phụ lòng với nước với mây/ Phụ lòng với gió với cây quanh mình/ Khắc tên với cả lòng thành/ Mượn dao nói hộ chút tình với nhau!/ Vỏ mềm, nhựa ứa, cây đau?/ Cây ơi có mối tình nào dịu êm?/ Người về xin gửi lại tên/ Và cây vẫn lớn vượt trên tháng ngày/ Mắt nhìn sẽ hiểu lời cây/ Rằng ai từng đến nơi này, từng yêu…(Bogensee, 5/1989 - Khắc tên lên gốc bạch dương). Đó là bài thơ cuối cùng tôi viết trên đất Đức, trước khi ra sân bay…

12/2015

MỚI - NÓNG