Ngày 24/10, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đã công bố đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đại học. Đề án này đã được Hội đồng ĐHQG TPHCM thông qua.
Theo đó, trên cơ sở Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung năm 2018, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đại học theo 3 nội dung chính.
Về tự chủ về bộ máy và nhân sự: Trường được phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị thuộc trường; Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi các chức danh quản lý do trường quản lý; Quyết định các chế độ, chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng đối với viên chức và người lao động; quyết định về chính sách thu nhập của người lao động trong trường; Tuyển dụng, ký kết, chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong và ngoài nước; bổ nhiệm, sử dụng người lao động quá độ tuổi lao động (theo quy định Nhà nước)...
Về cơ sở vật chất và tài chính: Trường được quyết định sử dụng kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; Lập kế hoạch đầu tư, vay vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng hoặc huy động các nguồn tài chính khác để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; Được khai thác các cơ sở vật chất đã đầu tư để liên kết đào tạo, làm các dịch vụ khoa học, liên doanh, liên kết trong các hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Trường; Xây dựng mức học phí theo nguyên tắc tính đúng chi phí đào tạo.
Về học phí, mức học phí năm học 2022-2023 dự kiến dao động từ 16- 24 triệu đồng/sinh viên/năm học.
Cụ thể, mức học phí của nhóm ngành Khoa học Xã hội là 16-20 triệu đồng/sinh viên/năm học; học phí nhóm ngành Ngôn ngữ và Du lịch là 21-24 triệu đồng/sinh viên/năm học.
Đặc biệt, mức học phí chương trình chất lượng cao (theo chi phí thực tế) gấp 3 lần mức trần học phí chương trình đào tạo hệ chuẩn trình độ đại học, dự kiến là 60 triệu đồng/sinh viên/năm.
Được biết, hiện ĐHQG TPHCM đã có 4 trường thực hiện tự chủ, gồm: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Công nghệ thông tin.