Trường đại học sẽ thành thương trường với 'giá dịch vụ đào tạo'?

TS. Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT (ảnh:VTC)
TS. Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT (ảnh:VTC)
“Điều này sẽ được quyết định bởi hội đồng trường và ban giám hiệu. Tuy nhiên, nếu đi theo hướng đó thì các trường sẽ tự đào thải mình”, TS. Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT cho hay.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng “học phí” là khái niệm lâu nay, giờ chuyển sang tự chủ thì có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đến chi phí dịch vụ theo Luật giá, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và việc tính toán toàn bộ để hạch toán theo tự chủ thì gọi là “giá dịch vụ đào tạo”.

Ngay sau phát ngôn của Bộ trưởng bộ GD&ĐT, nhiều người đã tỏ ra khá bất bình về việc đề xuất đổi  tên “học phí” thành “giá dịch vụ và đào tạo”.

Chia sẻ với PV, TS. Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT cho rằng học phí thì gọi là học phí và không có lý do gì để thay đổi từ này. 

“Việc dùng khái niệm “giá dịch vụ đào tạo” không có nghĩa là từ nay các trường không công bố học phí mà công bố giá dịch vụ đào tạo. Lâu nay, xã hội vẫn đang hiểu phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ.

Trong chiến lược phát triển giáo dục ĐH Việt Nam cũng đã xác định theo hướng tăng tính tự chủ của các trường. Khi đó, học phí của các trường sẽ tăng trên nguyên tắc tính đúng và tính đủ”.

Các trường tự chủ sẽ tùy thích tăng giá dịch vụ đào tạo?

TS. Lê Trường Tùng  cho biết: “Đã có từ dịch vụ thì đương nhiên sẽ có xảy ra câu chuyện đó. Bởi lẽ, nếu tăng tiền dịch vụ thì vừa có cơ sở tăng chất lượng và đảm bảo đời sống cho giảng viên.

Giả sử bây giờ mọi thứ tại trường ĐH quyết định theo giá dịch vụ và bám theo cơ chế tính đúng và đủ đương nhiên người dùng khó có thể kiểm chứng là giá đó có hợp lý hay không.

Tuy nhiên, cả nước không phải chỉ có một trường ĐH và không trường nào độc quyền trong việc giáo dục. Hiện nay, sinh viên có quyền rất lớn quyết định sự thành bại của nhà trường.

Đương nhiên, nhà trường phải làm cách nào đó để thu hút sinh viên, nếu thu quá cao thì sinh viên sẽ không chọn.

Trường nào cũng muốn thu cao, bởi lẽ, thu cao thì nhà trường mới có tiềm lực để nâng cao chất lượng. Chất lượng giáo dục ĐH hiện nay ở Việt Nam đang ở ngưỡng rất thấp, để nâng được ngưỡng đó thì đương nhiên phải đầu tư cơ sở vật chất, mời giảng viên giỏi thậm chí là giảng viên nước ngoài, đầu tư phòng thí nghiệm….

Đương nhiên nhà trường có nhiều nguồn thu nhưng phải khẳng định nguồn thu quan trọng nhất là học phí. Tuy nhiên, nếu học phí cao quá thì sinh viên sẽ không lựa chọn.

Chất lượng khó đo đếm nên ban đầu các trường khá khó để thuyết minh rằng vì sao học phí lại thu cao ngút trời thế, người học không nhìn thấy chất lượng ngay lúc đầu.

Chuyển sang dịch vụ tức là có cơ chế mặc nhiên của thị trường, thu cao thì không có sinh viên, thu thấp thì không có nguồn lực nâng cao chất lượng sẽ không tồn tại được.

Chính các trường đủ thông minh để tự biết rằng, với danh tiếng của mình như thế, chất lượng như vậy thì thu giá dịch vụ thế nào là hợp lý để tồn tại và phát triển được.

Học sinh nghèo sẽ không được tiếp cận với giáo dục chất lượng?

Trả lời câu hỏi này, TS. Lê Trường Tùng  cho hay, việc này còn phụ thuộc vào vai trò điều tiết của Nhà nước, làm thế nào để tạo học bổng hay nguồn tín dụng dành cho học sinh nghèo.

Y tế và giáo dục là hai lĩnh vực đặc thù, y tế thì đã có bảo hiểm để hỗ trợ cho người nghèo thì giáo dục cũng cần có những giải pháp tương tự, có cơ chế để người người nghèo không bị cản trở trong việc tiếp cận với giáo dục ĐH mà nhất là giáo dục chất lượng cao.

Trường đại học sẽ thành thương trường với “giá dịch vụ đào tạo”?

Chia sẻ về điều này, TS. Lê Trường Tùng  cho hay, điều này sẽ được quyết định bởi hội đồng trường và ban giám hiệu. Tuy nhiên, nếu đi theo hướng đó thì các trường sẽ tự đào thải mình.

Bởi lẽ, hiện nay số trường ĐH nhiều , Bộ GD&ĐT thì đã bỏ điểm sàn, việc vào trường ĐH không quá khó như cách đây 5-10 năm, các trường cũng đã chủ động trong tuyển sinh. Vì thế, nếu sinh viên phát hiện trường không như mình kỳ vọng, sinh viên sẵn sàng bỏ 1 học kỳ để chuyển sang trường khác học. Nó cũng giống như việc chúng ta kết hôn rồi ly hôn.

Theo Theo Infonet
MỚI - NÓNG