'Học phí' hay 'giá dịch vụ đào tạo'?

 'Học phí' hay 'giá dịch vụ đào tạo'?
TP - Hiện vẫn chưa có sự thống nhất giữa ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong cách gọi tên “học phí” hay “giá dịch vụ đào tạo”. Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ (ảnh), học phí là khái niệm nghe “quen tai”, nhưng giờ chuyển sang tự chủ thì có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đủ chi phí dịch vụ theo Luật giá.

Tính đúng, tính đủ theo Luật giá             

Ngày 30/5, trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Luật GDĐH năm 2012 còn một số bất cập như mức học phí chưa được tính theo cơ chế giá dịch vụ, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở GDĐH.

Trên cơ sở đó, về quản lý tài chính, tài sản, luật sẽ sửa đổi để chuyển học phí của cơ sở GDĐH sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với Luật Giá, Luật Phí và lệ phí. Đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện, các cơ quan nhà nước quy định khung giá. Còn đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, cơ sở GDĐH tự chủ quyết định mức giá dịch vụ, công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.

Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, đa số ý kiến tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ. Tuy nhiên, không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như trong dự thảo luật. Bởi việc sử dụng khái niệm “học phí” vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục.

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 30/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lý giải về việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang thu giá dịch vụ đào tạo. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo. Quy định này căn cứ vào Luật giá.

“Học phí” là khái niệm nghe “quen tai”, giờ chuyển sang tự chủ thì có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đủ chi phí dịch vụ theo Luật giá. Việc tính đúng, tính đủ làm sao đảm bảo chất lượng, phù hợp chi phí, hay nói cách khác chi phí tương xứng với chất lượng. Phải tính toàn bộ để hạch toán theo tự chủ và đó là giá dịch vụ đào tạo”, ông Nhạ lý giải.

Một vấn đề đặt ra là vừa qua trạm thu phí đổi thành trạm thu giá, vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị đổi tên. Bản thân ủy ban thẩm tra cũng không nhất trí với thuật ngữ học phí đổi thành giá dịch vụ đào tạo. Vậy Bộ GD&ĐT có ý định rút lại đề xuất này? Về việc này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, dự thảo luật vẫn đang trong giai đoạn Quốc hội họp bàn, cho ý kiến. Tuy nhiên, ông Nhạ nhấn mạnh rằng, về nội hàm có sự khác nhau nên cần cân nhắc tên gọi cho thuận và phản ánh đúng bản chất.

“Đây không phải tên gọi khác mà xét về nội hàm là tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo theo Luật giá, Luật Phí và lệ phí. Đây là cấu thành toàn bộ chi phí đào tạo. Còn về tên gọi thì vẫn đang bàn, chúng tôi đang tiếp tục lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội. Nhưng trước hết phải theo pháp luật hiện hành, đó là Luật giá; vận dụng sao cho phù hợp với thực tiễn, không sai Luật giá và phù hợp với đặc điểm của ngành”, ông Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Nhà nước sẽ kiểm soát giá dịch vụ

Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, giữa nội hàm học phí và giá dịch vụ là khác nhau. Học phí thực hiện theo Luật Phí và lệ phí do nhà nước ấn định, còn giá dịch vụ được xác định theo Luật giá. Về tên gọi, có thể gọi bằng cách nào đó, không nhất thiết dùng giá dịch vụ đào tạo khi thông báo việc đóng tiền học cho người học.

“Bản chất của học phí khi thông báo cho người học đối với phần các trường xác định thực chất là giá dịch vụ đào tạo chứ không phải phí do nhà nước ấn định. Cách gọi giá dịch vụ đào tạo là nhằm phân biệt giữa cơ chế giá và cơ chế phí. Còn khi sử dụng từ ngữ để thông báo đóng tiền học thì các cơ sở giáo dục có quyền thông báo học phí của kỳ này bằng này tiền. Nhưng học phí này là được xác định trên cơ chế giá chứ không phải phí do nhà nước ấn định”, ông Cường lý giải.

Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, tên gọi không phải là vấn đề lớn. Điều quan trọng nhất là nội hàm bên trong. Tuy nhiên, dù mức giá các dịch vụ giáo dục, đào tạo do các trường tính toán, đưa ra, nhưng cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm soát việc này. “Nhà nước ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn để các trường dựa vào đó tự thực hiện và nhà nước kiểm tra xem họ thực hiện có đúng quy định hay không”, ông Cường cho hay.

“Học phí là khái niệm nghe “quen tai”, giờ chuyển sang tự chủ thì có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đủ chi phí dịch vụ theo Luật giá. Việc tính đúng, tính đủ làm sao đảm bảo chất lượng, phù hợp chi phí, hay nói cách khác chi phí tương xứng với chất lượng. Phải tính toàn bộ để hạch toán theo tự chủ và đó là giá dịch vụ đào tạo”.      

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.