Hội nghị Văn hóa tỉnh Hà Giang năm 2023 thu hút đông đảo chuyên gia, nhà quản lý trong ngành văn hóa tham dự. |
Đa dạng trong thống nhất
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang khẳng định hội nghị văn hóa toàn tỉnh là hoạt động cụ thể hóa các nội dung cốt lõi, trọng tâm của Hội Nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đông đảo đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý văn hoá tham gia, đóng góp ý kiến tại Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh Hà Giang năm 2023. Ảnh: Trường Hùng. |
“Hội nghị cũng là dịp để những người làm văn hóa chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó rút ra các bài học để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến mới tích cực trong việc xây dựng văn hóa, con người Hà Giang”, ông Thào Hồng Sơn nêu.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh những ý kiến tham luận đầy tâm huyết tại hội nghị sẽ là cơ sở quan trọng để cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong giai đoạn mới.
Nhiều đại biểu nhận định Hà Giang sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và lịch sử văn hóa lâu đời, là địa bàn sinh sống của 19 dân tộc, trong đó mỗi dân tộc đều có các giá trị văn hóa độc đáo, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa tỉnh nhà phong phú, đa dạng, mà thống nhất, giàu bản sắc.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang khẳng định hội nghị văn hóa toàn tỉnh là hoạt động cụ thể hóa các nội dung cốt lõi, trọng tâm của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. |
“Văn hóa Hà Giang trong nền văn hóa Việt Nam là văn hóa thống nhất trong đa dạng. Có thể nói Cao nguyên đá Đồng Văn thực sự là một đặc sản văn hóa của Hà Giang tạo nên sự đặc sắc, đa dạng trong khối thống nhất văn hóa quốc gia Việt Nam. Một sắc thái văn hóa tộc người mà Hà Giang hoàn toàn có thể tự tin về sự riêng biệt của nó là văn hóa của người Mông tại đây. Hà Giang đã từng là thủ phủ của người Mông ở phía Bắc”, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhấn mạnh.
Gắn phát triển văn hoá với du lịch
GS.TS Lê Hồng Lý khẳng định tỉnh Hà Giang sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch mạo hiểm và du lịch tâm linh. Không gian hùng vĩ và hiểm trở của Hà Giang thôi thúc mong muốn khám phá của những khách yêu thích mạo hiểm.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia phân tích rằng Hà Giang sở hữu nhiều di sản cả vật thể và phi vật thể chưa được khai thác thành sản phẩm du lịch phù hợp.
“Những di sản đã có hiện chỉ tài nguyên, muốn chuyển chúng thành sản phẩm du lịch, chúng ta phải cùng nhau xây dựng. Hà Giang nên mời những đơn vị chuyên nghiệp để sáng tạo ra những dịch vụ, từ đó tạo ra sự khác biệt, mang đến doanh thu lớn”, PGS.TS Đặng Văn Bài nêu.
Những tiết mục dân ca, dân vũ của người dân tộc thuộc tỉnh Hà Giang là một trong những giá trị văn hóa thu hút khách du lịch. |
“Hà Giang nên xác định du lịch văn hóa là nền công nghiệp văn hóa mũi nhọn. Nếu Hà Giang tổ chức được các sự kiện chuyên nghiệp, cung cấp cho du khách những sản phẩm khác biệt có giá trị, hàm lượng văn hóa cao thì sẽ mang giá trị kinh tế. Điều này vừa giúp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa vừa tạo động lực phát triển kinh tế”, PGS.TS Đặng Văn Bài đề xuất.
Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư biểu dương những cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những thành tựu quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang qua các thế hệ đã đạt được, đặc biệt trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang.
Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, tạo bước đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn nữa trong phát triển văn hóa, xây dựng con người, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị tỉnh Hà Giang tập trung nghiên cứu, ban hành Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Hà Giang cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, đưa các hệ giá trị thấm sâu vào đời sống của đồng bào, trở thành mục tiêu và động lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa và con người Hà Giang thống nhất trong đa dạng", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Hà Giang cần tập trung triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn tỉnh, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tăng cường phát triển văn hóa đối ngoại.