Sao không siêu? Ai nghĩ ở cái tuổi 66, vóc người nhỏ bé, huyết áp luôn có nguy cơ cực đoan, lại có thể trải qua cuộc đại phẫu thuật một cách ngon lành như thế. Trước khi vào trận chiến một vài tuần, ông đã khoe: “Yên tâm, rồi sẽ qua”. Thấy ông cười mủm mỉm, biết ông che đậy một ý đồ gì đó, tôi liền hỏi: “Sao mà yên tâm được?”. Hóa ra, Trung Trung Đỉnh đã kịp ngồi với nhạc sỹ Hồng Đăng. Ai ngờ người viết “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm” lại là người xem tử vi được nhiều văn nghệ sỹ, trong đó điển hình là Trung Trung Đỉnh tin tưởng. Hồi ông làm nhà, làm cửa cũng nhờ Hồng Đăng xem giúp. Bây giờ bước vào cuộc đại chiến giành giật sức khỏe cũng lại nhờ Hồng Đăng: “Ông ấy bảo tôi tai qua nạn khỏi”. “Ông ấy” nói bao lần đều trúng, thì lần này chắc cũng lại đúng thôi. Vậy tội gì không yên tâm, sẵn sàng phẫu thuật?
Nhà văn Nguyễn Quang Lập trong cuốn tạp bút “Bạn văn” đã vẽ chân dung Trung Trung Đỉnh, có đoạn: “Cứ lẩm nhẩm tính cả cuộc đời, mỗi người thân phải dành chí ít là chục ngày cho họ thì anh Đỉnh phải sống được chừng 200 tuổi mới có đủ thời gian giao du, đừng nói là viết lách”. Ấy là Bọ Lập muốn nói đến tài quen thân vô thiên lủng mọi kiểu người trong thiên hạ của tác giả “Ngõ lỗ thủng”. Cho nên, khi ông bệnh thì cả huyện người lo lắng. Trước hôm diễn ra đại phẫu thuật, gọi điện cho nhà văn khi ông đang ở bệnh viện, ông bật mí: Ngày mai có cả trung đội tập hợp ở bệnh viện. Hỏi “trung đội” ấy gồm những ai, ông kể: Nào đương kim phu nhân, cựu phu nhân, tức vợ đầu của nhà văn, con trai ông, con gái ông mới bay từ Italy về để cổ vũ tinh thần cha… Không phải người nhà của Trung Trung Đỉnh thật khó gặp ông trong những ngày sắp diễn ra bão tố, bởi ông loay hoay đủ thứ chuyện: Lúc đi xét nghiệm, lúc đi chạy thận, lúc lại đi ký vào giấy cam kết phẫu thuật… Tuy vậy, gọi điện lúc nào cũng thấy ông vui vẻ, tinh thần vững vàng khiến người nghe nghĩ, có lẽ không cần phải chúc ông vững tâm trong cuộc chiến với bệnh tật. Từng nghe chuyện ông gí lửa vào ngực để ăn thề với đồng bào buôn làng ở Tây Nguyên. Cái sự khùng khùng hồn nhiên tiềm ẩn ấy, cũng là sức mạnh giúp ông đi qua bão bệnh. Trong những ngày đặc biệt khó khăn của đời sống cá nhân, Trung Trung Đỉnh vẫn chịu khó viết. Sát giờ ông chính thức nhập viện để tiến hành phẫu thuật, nhà văn vẫn kịp gửi tới Tiền Phong Chủ Nhật một tạp văn như đã hẹn cho số báo tết vào lúc hai giờ sáng. Ông cũng tranh thủ chuẩn bị cẩn thận bản thảo hai tập trường ca để xuất bản. Trung Trung Đỉnh vốn ham vui, ham đi, đi chơi cũng được ông xếp vào một dạng công việc, nên ông không chịu nổi chạy thận, quyết thay thận, cũng là điều dễ hiểu. Tuần chạy thận vài buổi, thời gian đâu để ông lang thang khắp nơi? Nhớ năm trước ông đi Mỹ, chơi vèo luôn một tháng, nghe nói có bạn rủ sang Úc chơi, nghe cũng bùi bùi tai, nhưng xét thấy ví đã cạn tiền mới tính đoạn trở về Việt Nam cho lành.
Nhà văn Thái Bá Lợi đã sang Mỹ với con một thời gian, Trung Trung Đỉnh nói, ông ấy sang chơi với con để tập trung viết tiểu thuyết. Chẳng biết Thái Bá Lợi đã viết được mấy trăm trang tiểu thuyết, chỉ thấy ông tập trung gọi điện cho Trung Trung Đỉnh và những người bạn ở Việt Nam để hỏi thăm tình hình sức khỏe của tác giả “Ngõ lỗ thủng”. Ngay sau khi cuộc phẫu thuật thành công, Trung Trung Đỉnh gọi điện loan tin cho Thái Bá Lợi ở Mỹ, giọng ngời ngời lạc quan, khiến Thái Bá Lợi từ trạng thái lo lắng đã chuyển sang vui đùa: Trung Trung Đỉnh thay thận coi như đi tiêm phòng ấy mà. Chẳng biết Thái Bá Lợi lấy thông tin từ đâu mà đưa ra tổng kết: Ở Mỹ mỗi năm ghép 17.000 ca, chỉ trục trặc vài phần trăm thôi. Yên tâm. Trung Trung Đỉnh sẽ chuẩn bị đi làm trở lại. Nhà văn Đà Nẵng hóm hỉnh so: “Ông “Rít đồ” còn làm huấn luyện viên mấy chục năm sau ghép thận. Làm giám đốc như ông Đỉnh đâu phải chạy trên sân cỏ mà lo”.