Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc VN: Nói gì khi bị tố thiếu minh bạch?

Giám đốc Phó Đức Phương tại buổi sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 của VCPMC. Ảnh: N.M.Hà.
Giám đốc Phó Đức Phương tại buổi sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 của VCPMC. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tiếp tục đứng trước khó khăn khi bị Bộ VHTT&DL yêu cầu tạm ngừng thu phí tại quán cà phê, khách sạn, và kêu gọi miễn phí tác quyền với các chương trình phục vụ chính trị. Chưa kể cáo buộc không minh bạch về tài chính, đang có 100 tỷ gửi ngân hàng lấy lãi.

Giám đốc VCPMC, nhạc sĩ Phó Đức Phương tỏ ra không “phục” yêu cầu ngừng thu phí âm nhạc nơi quán xá của Bộ VHTT&DL: “Tại sao một tổ chức tư nhân không hiểu luật kêu thì lập tức được bênh ngay. Còn mấy nghìn nhạc sĩ đang hưởng sự bảo hộ của luật pháp Việt Nam cũng như công ước quốc tế thì lại lờ đi?!”.

Mới đây trả lời báo chí, Thứ trưởng Vương Duy Biên tỏ ra không đồng tình với hành xử của Trung tâm- tuyên bố các quán cà phê không chịu nộp tác quyền sẽ mời công an, thanh tra làm việc. Ông Biên khẳng định việc nộp tác quyền là quan hệ dân sự, hai bên tự thỏa thuận, Trung tâm không thể và không được phép sử dụng biện pháp hành chính như cơ quan nhà nước.

Buổi sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của VCPMC có mặt một số nhạc sĩ- những người ủy quyền cho VCPMC thu tác quyền âm nhạc. Một trong số họ, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nêu quan điểm: “Trung tâm chưa thể hiện được quyền hạn của mình trong thỏa thuận dân sự. Thỏa thuận không được phải đưa ra tòa án, dùng hệ thống tư pháp bảo vệ quyền lợi của người có quyền lợi chứ không phải lôi họ vào đòi nợ cho anh”. Đại diện VCPMC đưa ra một trong những lý do Trung tâm hạn chế kiện cáo, đó là tiền lập vi bằng (trong trường hợp đơn vị sử dụng âm nhạc từ chối hợp tác) thường cao hơn tiền tác quyền, nếu đòi được.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng cho rằng Bộ đáng ra phải ủng hộ việc thu tác quyền. Trước câu hỏi VCPMC có nên kiện những cơ quan ra văn bản ảnh hưởng đến việc thu tác quyền, ông Trương Ngọc Ninh phát biểu: “Kiện thì kiện được nhưng trong thời quá độ (khi ý thức về tác quyền chưa được nâng cao) không nên làm gì đó quá. Trước tiên phải hội thảo, nghe nhau một chút, thảo luận ra môn ra khoai. Lãnh đạo càng phải nắm chi tiết luật để ủng hộ đơn vị làm. Trước nay có bao giờ ngồi với nhau, cứ đi song song, ai ra luật cứ ra, ai đi thu tiền cứ đòi…”. Trước đông đảo thành viên VCPMC, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh khẳng định sẵn sàng hy sinh phần tiền tác quyền của mình để Trung tâm có kinh phí kiện những người sử dụng tác phẩm âm nhạc không trả tiền.

Phải bình đẳng

Luật Sở hữu Trí tuệ quy định sử dụng tác phẩm phải xin phép và trả tiền, trừ một số trường hợp như sao chép để nghiên cứu, biểu diễn trong các buổi sinh hoạt văn hóa tuyên truyền cổ động không thu tiền… “Nghị định của Bộ VHTT&DL đưa thêm ngoại lệ “khi các tác phẩm phục vụ chính trị…”. Từ đấy Trung tâm không tài nào thu được tác quyền từ những chương trình tổ chức nhân sự kiện chính trị lớn”, Phó Đức Phương nói. Theo ông, dù nghị định nói rõ đối với các chương trình phục vụ chính trị “không có bất kể nguồn thu nào và không ảnh hưởng đến việc khai thác thị trường của tác phẩm”, nhưng hầu như nhà tổ chức lờ đoạn này đi. Ông cho biết, ở Pháp, nhạc cứ bật nơi công cộng là phải trả tiền nhạc sĩ, không cần biết có thu hay không.

Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc VN: Nói gì khi bị tố thiếu minh bạch? ảnh 1 Nhạc sĩ Đoàn Bổng yêu cầu VCPMC đòi tác quyền rốt ráo hơn nữa. 

Nhạc sĩ Đoàn Bổng cho rằng Trung tâm chưa đặt vấn đề rốt ráo với bên tổ chức. Ông phân tích: khi tổ chức chương trình phục vụ chính trị, nhân viên trông xe, kéo dây điện, chỉnh âm thanh, trang trí sân khấu cùng hàng trăm diễn viên chẳng ai không được tiền. Vì thế Đoàn Bổng kiến nghị thù lao cho nhạc sĩ trong những chương trình này ít ra phải ngang bằng ca sĩ. Trương Ngọc Ninh đồng tình: “Những lễ hội lớn tốn tiền tỉ. Các thành phần đều được chi, riêng tác giả lại bảo phục vụ chính trị?! Lâu nay toàn dùng chùa tác phẩm của các nhạc sĩ, và vẫn quan niệm, nhiều người hát là may cho nhạc sĩ rồi. Đến thời kỳ kinh tế thị trường, người ta sử dụng bài hát để kinh doanh kiếm lời, tại sao người sáng tác không được gì?”.

Minh bạch - chuyện còn dài

Tuần trước, nhạc sĩ Phú Quang lên báo tiếp tục khẳng định thu chi tác quyền của VCPMC thiếu minh bạch. Phú Quang tố cáo điều này từ mấy năm trước và đó là lý do ông tách khỏi Trung tâm của Phó Đức Phương để tự thu tác quyền. Theo báo chí, Phú Quang tiếp tục đưa những dẫn chứng mới chứng tỏ VCPMC nhiều bất cập thậm chí “mánh khóe” trong thu tác quyền không chỉ với riêng Phú Quang. Chẳng hạn khi ủy quyền cho VCPMC, mỗi quý Phú Quang chỉ nhận được 75.000 đồng tiền tác quyền từ VTV. Ba tháng trước khi ông chấm dứt hoàn toàn hợp đồng với VCPMC, tác quyền VTV của Phú Quang do Trung tâm thu được bỗng tăng lên tới 43 triệu đồng!

Phú Quang cũng cho hay, với một số chương trình ca nhạc do mình đứng ra tổ chức, VCPMC ngã giá tác quyền chẳng khác gì mua mớ rau. Và số tiền cuối cùng Phú Quang phải nộp không đến 1/4 thậm chí có khi chỉ bằng 5% số tiền ban đầu. Phú Quang cũng cho rằng cách thu tác quyền karaoke theo kiểu “đổ đồng” của VCPMC là sai, khi các tác giả “không biết tiền tác quyền họ đáng ra được nhận là bao nhiêu”. Một lần nữa, Phú Quang bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng kiểm tra cách thu- chi của VCPMC hiện nay.

Trương Ngọc Ninh dù sát cánh cùng VCPMC từ ngày đầu, vẫn không khỏi băn khoăn về chuyện chi trả. Ông nói: “Ở các đài truyền hình, các quán karaoke cứ trả một mớ thế thì Trung tâm làm thế nào để chia cho tác giả một cách chính xác. Cái đấy cần làm rõ”. Theo ông Ninh, để đầu tư một bộ máy đo tần suất sử dụng tác phẩm âm nhạc phải tốn mấy chục tỉ. Và ông cũng sẵn sàng đóng góp tiền tác quyền của mình để VCPMC xây dựng bộ máy hiện đại như vậy.

MỚI - NÓNG