Tác quyền âm nhạc: Hết thời thu tù mù

Thu phí âm nhạc tại các cơ sở kinh doanh khách sạn, quán bar, cà phê đúng luật nhưng phải theo thỏa thuận.
Thu phí âm nhạc tại các cơ sở kinh doanh khách sạn, quán bar, cà phê đúng luật nhưng phải theo thỏa thuận.
TP - Tranh cãi quanh chuyện thu tác quyền ở khách sạn, bệnh viện hay bãi gửi xe sẽ được giải đáp sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ.

Minh bạch

Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan theo đánh giá của Cục Bản quyền Tác giả “cơ bản tạo hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích hoạt động sáng tạo cũng như bảo hộ thành quả lao động sáng tạo”. Tuy nhiên sau hơn 10 năm, một số điều khoản của Luật này vẫn gây tranh cãi, cần hướng dẫn cụ thể hơn.

Cụ thể quy định về cơ chế hoạt động, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, quy định cụ thể về quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan “là điều kiện quan trọng để tăng cường năng lực hoạt động của các tổ chức, tạo môi trường cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, nâng cao đạo đức kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Thời gian qua, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) bị phản ứng vì thu phí tác quyền trên tivi tại một loạt khách sạn ở Đà Nẵng. Chưa dừng lại, Giám đốc Phó Đức Phương khẳng định quyết tâm thu phí ở nhà hàng, quán cà phê thậm chí bệnh viện, bãi gửi xe. Cục Bản quyền Tác giả phải vào cuộc phân xử, giải thích. Theo đó, Luật quy định rõ việc thu tác quyền âm nhạc ở các cơ sở dịch vụ kinh doanh kể trên, tuy nhiên thực tế thu chưa được minh bạch. Trung tâm của nhạc sỹ Phó Đức Phương thời gian qua làm quá thẩm quyền.

Theo luật, VCPMC chỉ được phép thu cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có ủy quyền. Các cơ sở kinh doanh có lí do để từ chối nộp tác quyền và đòi VCPMC chứng minh vai trò đại diện. Giám đốc VCPMC phản ứng: chẳng lẽ phải “mang xe tải chở theo hợp đồng”. Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả nói: “Trung tâm nên có danh sách, danh mục để kiểm tra đối soát. Phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi thu tác quyền”.

Thỏa thuận

Bà Oanh khẳng định việc thu tác quyền âm nhạc tại các cơ sở kinh doanh có căn cứ pháp lý, tuy nhiên phải thực hiện công khai và minh bạch. Cục từng có công văn nhắc nhở VCPMC thực hiện đúng nguyên tắc thu theo ủy quyền. Đại diện Cục nhắc lại rằng cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền nếu phát hiện sai phạm.

Trong Dự thảo do Bộ trình để lấy ý kiến góp ý, dễ thấy nhiều điều bổ sung liên quan đến các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó Nghị định bổ sung điều khoản quy định về “Biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan”. Các tổ chức đại diện tập thể có nghĩa vụ xây dựng biểu mức và đàm phán với bên khai thác sử dụng tác phẩm.

Trường hợp không thỏa thuận được, các bên áp dụng theo Nghị định 21 quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, Nghị định 18 về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Trước đó, nhạc sỹ Phó Đức Phương và VCPMC luôn bị phản ứng do biểu phí không rõ ràng, không thỏa thuận được với cơ sở kinh doanh và luôn giữ thái độ cửa quyền - dù bản chất Trung tâm này không phải cơ quan nhà nước.

Dự thảo Nghị định cũng đưa điều khoản bổ sung về “Thu, phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan” và “Khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ”.

Phạm vi thu tác quyền của các tổ chức đại diện tập thể-một trong những vướng mắc và gây tranh cãi trong quá trình thu tác quyền âm nhạc vừa qua- được quy định rõ tại điều khoản về quản lý quyền tác giả, quyền liên quan và chế độ báo cáo. Theo đó, các tổ chức đại diện quyền tập thể phải báo cáo định kỳ hoặc đột xuất cho Bộ VH-TT&DL, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản.

Lần đầu tiên các đối tượng đồng tác giả, người hỗ trợ, góp ý, cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm nhưng không được công nhận là tác giả được bổ sung vào Điều 6. Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung các điều khoản quy định về tác phẩm báo chí, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, nhiếp ảnh, kiến trúc… phù hợp với quy định tại các luật và nghị định chuyên ngành.

MỚI - NÓNG