Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lên tiếng về 2 cổng thành vừa phát lộ

Chiếc cổng nhỏ này từng là nơi dùng đặt đại bác phòng thủ thời nhà Nguyễn.
Chiếc cổng nhỏ này từng là nơi dùng đặt đại bác phòng thủ thời nhà Nguyễn.
TPO - Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế, hai chiếc cổng cổ ở Đông thành Thủy quan gắn với Kinh thành Huế vừa xuất lộ rất có giá trị. Những vị trí gắn với “cổng phụ” này từng được ghi lại trong cuốn Đại Nam Nhất thống chí, đây chính là nơi dùng đặt đại bác phòng thủ thời nhà Nguyễn.

Trung tâm BTDTCĐ Huế cho hay, cách đây hai năm, đơn vị đã khảo sát, kiểm tra hệ thống lô cốt, các công trình trên Thượng thành Huế và đã cho chụp ảnh lại hai cổng trái, phải ở Đông thành Thủy quan như báo chí vừa đề cập. Do trước đó bị nhà dân che lấp qua nhiều năm, nên đến khi nhà cửa bị giải tỏa, di dời, chiếc cổng nhỏ xuyên qua bờ tường dày bằng gạch của Kinh thành Huế bên phải Đông thành Thủy quan mới lộ ra một cách rõ ràng cạnh đường Xuân 68, khiến nhiều người qua lại bất ngờ...

Cũng theo Trung tâm BTDTCĐ Huế, hai cổng nhỏ nằm ở bên trái và phải cầu Lương Y gắn với nơi đóng quân của lính bảo vệ Đông thành Thủy quan. Phòng Nghiên cứu Khoa học thuộc Trung tâm đã nghiên cứu tư liệu trong cuốn “Kinh thành Huế: Địa danh” năm 1933 của tác giả Léopold Michel Cadière ghi ở vị trí 121 là cửa trái và cửa phải của Đông thành Thủy quan.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lên tiếng về 2 cổng thành vừa phát lộ ảnh 1

Theo Trung tâm BTDTCĐ Huế, đây là một công trình rất có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử.

Đầu năm 2020, Phòng Nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế tiếp tục khảo sát lại hệ thống Thượng thành để hệ thống hóa các tên pháo đài và kho đạn, các cống thoát nước trên Thượng thành sau khi người dân đã di chuyển đến nơi ở mới theo đề án "Di dời dân cư khu vực 1, Kinh thành Huế".

 Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, nói về hai chiếc cổng cổ vừa xuất lộ tại Huế. (thực hiện: Ngọc Văn)

Cùng với việc khảo sát, kiểm tra công trình trên Thượng thành, Trung tâm BTDTCĐ Huế lập các biển báo lưu ý về “vị trí cần thận trọng khi thu dọn, hạ giải”, sau đó cắm vào các cổng nhỏ ở trái, phải Đông thành Thủy quan như đã nêu, cùng nhiều vị trí khác.

Theo Phòng Nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế, hai cổng nhỏ xuyên qua tường Kinh thành Huế ở bên trái và phải Đông thành Thủy quan vốn là hai cửa đặt đại bác. “Trong Đại Nam nhất thống chí viết rất rõ: "Đầu đời vua Gia Long bắc cầu gỗ gọi là cầu Thanh Long, năm Minh Mạng thứ 11 xây cầu gạch, dưới cầu đặt cánh cửa để tiện mở đóng, trên cầu xây lan can, cửa xưởng đại bác và đổi tên như hiện nay...", một cán bộ Phòng Nghiên cứu khoa học cho hay.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lên tiếng về 2 cổng thành vừa phát lộ ảnh 2

Những tấm đá thanh cổ xưa phía dưới vòm cổng.

Cũng theo Phòng Nghiên cứu khoa học, khả năng sau 1885 với biến cố thất thủ Kinh đô Huế, năm 1886 Pháp vào chiếm đồn Mang Cá nên không còn sử dụng hai cổng đặt đại bác này nữa. Trước đây, thời Minh Mạng, nơi đây được ghi lại trong Đại Nam nhất thống chí, hàng ngày có 20 người bảo vệ ở vị trí này.

Trao đổi với PV, ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, khẳng định, hai cửa trái và phải Đông thành Thủy Quan, xét về góc độ quản lý của đơn vị, đã được Trung tâm thực hiện khảo sát, thu thập hình ảnh, tư liệu từ nhiều năm về trước. Tuy nhiên, do bị nhà dân che lấp qua nhiều năm, nên đến khi nhà cửa bị giải tỏa, di dời, chiếc cổng nhỏ xuyên qua bờ tường dày bằng gạch của Kinh thành Huế bên phải Đông thành Thủy quan mới lộ ra một cách rõ ràng cạnh đường Xuân 68, khiến nhiều người qua lại bất ngờ.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lên tiếng về 2 cổng thành vừa phát lộ ảnh 3

Vị trí có chức năng cài chốt cổng vẫn còn nguyên vẹn.

Ông Nhật còn cho biết, hiện nay, đề án di dời dân trên Thượng thành từng bước được triển khai. Tại nhiều vị trí, mặt bằng di tích bị “chiếm cứ” lâu nay đã được hoàn trả, tiến tới toàn bộ kiến trúc của Kinh thành được trả lại với nguyên trạng xưa.

Trung tâm BTDTCĐ Huế hiện nghiên cứu, tập hợp tư liệu và xây dựng hồ sơ để phục hồi Thượng thành và hệ thống phòng thủ 24 pháo đài, các kho đạn, hệ thống thoát nước rất độc đáo trên Thượng thành. Đối với hai cửa đặt đại bác kể trên, Trung tâm sẽ có các giải pháp để tôn tạo, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị của chúng cùng với các điểm di tích khác trong quần thể di tích cố đô Huế.

MỚI - NÓNG
Thái Nguyên chốt phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy
Thái Nguyên chốt phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy
TPO - Với việc thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tỉnh Thái Nguyên sẽ giảm được một cơ quan khối Đảng cấp tỉnh, giảm 9 cơ quan khối Đảng của cấp huyện; giảm 6 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 36 phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.