Mới đây, một chiếc cổng vòm kết cấu bằng gạch cổ đã xuất lộ sau khi nhà dân được di dời đi khỏi vùng Thượng thành (phường Thuận Lộc, TP Huế), theo đề án "Di dời dân cư khu vực 1, Kinh thành Huế". Sau khi xuất lộ, nhiều người hiếu kỳ đã tìm đến chiêm ngưỡng. Các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý di tích cũng đã lên tiếng về công trình "lạ" này.
Chiếc cổng nằm bên phải cầu Lương Y, khu vực Đông thành Thủy Quan, được xây theo lối cổng vòm xuyên bờ tường gạch, bề dày khoảng 60 cm, rộng 80 cm, cao 100 cm. Phía trên gần vòm cổng có gắn hai khối đá vuông nhỏ đục lỗ để dắt thanh cài cổng; phía dưới cũng có hai khối đá tương tự đã bị phá hỏng, cùng với những tảng đá xanh có tiết diện lớn còn khá nguyên vẹn.
Theo các nhà nghiên cứu Huế, việc phát hiện cổng vòm nhỏ xuyên qua bờ thành thuộc hệ thống Kinh thành Huế, nằm ở khu vực Đông thành Thủy Quan, được liên hệ đến đó có thể là một công trình phục vụ cho phòng thủ dưới triều Nguyễn.
Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam ở Huế, nhận định: cổng này nằm ở vị trí rất quan trọng trong hệ thống phòng thủ của triều Nguyễn, do gần với Trấn Bình Đài (đồn Mang Cá), nơi đặt các pháo đài bảo vệ Kinh thành Huế xưa.
Còn theo tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh TT-Huế cho biết, cổng này là nơi đặt đại bác phòng thủ Đông thành Thủy Quan. Bởi đây vốn là vị trí quan trọng đi từ ngoài sông vào Kinh thành Huế thuở xưa.
Ngoài chiếc cổng bên phải nêu trên, thì bên trái cầu Lương Y, phía sau nhà một hộ dân chưa được giải tỏa cũng có một chiếc cổng tương tự. Hiện, chiếc cổng nhỏ xuyên tường thành thứ hai này đã bị bịt kín bởi lớp bờ lô do người dân tự xây dựng hàng chục năm về trước.
Liên quan hai chiếc cổng nằm cạnh cầu Lương Y, thuộc vị trí phòng thủ quan trọng xưa ở Đông thành Thủy Quan, theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cách đây nhiều năm, Trung tâm từng khảo sát hệ thống pháo đài trên Kinh thành và lô cốt trên Thượng thành. Qua đó, đơn vị đã lưu giữ hình ảnh về những cổng thành nêu trên.
Ngoài ra, trước khi thực hiện đề án "Di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế", Trung tâm đã tiếp tục khảo sát lần nữa, đồng thời xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho khu vực Thượng thành và sông Ngự Hà.
Theo ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đối với hai cổng thành kể trên, trung tâm sẽ có các giải pháp để tôn tạo, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị của chúng cùng với các điểm di tích khác trong quần thể di tích cố đô Huế.
Kinh Thành Huế có 10 cửa chính ra vào, được xây dựng dưới thời vua Gia Long và dần hoàn thiện kiến trúc như hiện nay dưới thời vua Minh Mạng. Kinh thành Huế có tổng diện tích 520 ha, chu vi vòng thành gần 10km, cao 6,6m, dày 21m, được xây khúc khuỷu với những pháo đài phòng thủ bố trí cách đều nhau, kèm theo pháo nhãn, đại bác, kho đạn. Bên trong thành là dân cư, gia đình hoàng gia, quan lại... sinh sống. Ngày nay, bên trong Kinh thành Huế có 4 phường, thường được gọi là các phường Thành nội Huế.