Trung Quốc xét xử công dân Canada, 28 nhà ngoại giao nước ngoài tập trung ở cổng tòa án

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà ngoại giao nước ngoài có mặt bên ngoài tòa án nơi diễn ra phiên xét xử công dân Canada. (Ảnh: Reuters)
Các nhà ngoại giao nước ngoài có mặt bên ngoài tòa án nơi diễn ra phiên xét xử công dân Canada. (Ảnh: Reuters)
TPO - Hôm nay, phiên tòa xét xử ông Michael Kovrig, công dân Canada bị giam ở Trung Quốc suốt 2 năm qua với cáo buộc do thám, diễn ra trong phòng xử kín ở Bắc Kinh.

Trung Quốc bắt giữ ông Kovrig, một cựu bộ ngoại giao, và doanh nhân Michael Spavor vào tháng 12/2018, không lâu sau khi cảnh sát Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu, phó chủ tịch phụ trách tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei theo đề nghị dẫn độ của Mỹ.

Bắc Kinh khẳng định hai vụ bắt giữ không liên quan đến bà Mạnh, người vẫn đang bị quản thúc tại gia ở Vancouver trong lúc kiện chống lại việc bị dẫn độ sang Mỹ.

“Chúng tôi yêu cầu được dự phiên xét xử ông Michael Kovrig nhưng bị từ chối” vì lý do an ninh quốc gia, ông Jim Nickel, đại biện của Đại sứ quán Canada ở Trung Quốc, nói với báo giới bên ngoài tòa án nơi diễn ra phiên xét xử. “Bây giờ chúng tôi thấy quy trình của tòa án không minh bạch. Chúng tôi rất lo ngại về việc này”, ông Nickel nói.

Để thể hiện sự đoàn kết, 28 nhà ngoại giao của 26 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Đức, Úc, Hà Lan và CH Séc đều có mặt bên ngoài trụ sở tòa án trung thẩm số 2 Bắc Kinh, nơi lực lượng an ninh đang hiện diện dày đặc, Reuters đưa tin.

“Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói rằng trong vụ việc của Michael Kovrig và Michael Spavor, Mỹ sẽ coi 2 cá nhân này như công dân Mỹ”, ông William Klein, đại biện Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc, nói với phóng viên khi đang đứng cạnh ông Nickel.

“Chúng tôi ở đây để thể hiện tinh thần đoàn kết. Tùy tiện giam giữ không phải cách làm đúng”, một nhà  ngoại giao khác nói với Reuters nhưng từ chối cho biết tên vì không được phép phát biểu về phiên tòa.

Tháng 2 vừa qua, hơn 50 quốc gia đã ký tuyên bố lên án việc bắt giữ tùy tiện các công dân nước ngoài vì mục đích chính trị.

Một số nhà ngoại giao cởi khẩu trang khi họ chụp ảnh nhóm bên ngoài phiên tòa.

Cuối tuần trước, doanh nhân Spavor cũng bị xét xử trong phòng kín ở TP Đan Đông, vùng đông bắc Trung Quốc.

Các cán bộ ngoại giao Canada và nước khác không được dự phiên tòa vì Trung Quốc nêu lý do an ninh quốc gia. Thủ tướng Canada gọi việc thiếu minh bạch này là điều “hoàn toàn không chấp nhận được”.

Giới quan sát cho rằng việc kết án 2 người này có thể hỗ trợ việc đạt được một thỏa thuận ngoại giao để trả họ về Canada.

Phiên tòa xét xử Spavor diễn ra sau khi Mỹ và Trung Quốc có cuộc gặp cấp cao ở Alaska. Phía Mỹ đã nêu vấn đề này trong cuộc gặp, bay tỏ lo ngại về việc các nhà ngoại giao không được dự phiên tòa, một quan chức của chính quyền Mỹ cho biết.

Theo theo Reuters
MỚI - NÓNG