Quần bò rách làm dậy sóng mạng xã hội Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
Một cô gái Ấn Độ đăng bức ảnh mặc quần bò rách kèm theo thông điệp: "Quần bò rách tốt hơn đầu óc rách" để phản đối phát biểu của ông Rawat. (Ảnh: Twitter)
Một cô gái Ấn Độ đăng bức ảnh mặc quần bò rách kèm theo thông điệp: "Quần bò rách tốt hơn đầu óc rách" để phản đối phát biểu của ông Rawat. (Ảnh: Twitter)
TPO - Ở Ấn Độ, quần bò lâu nay vẫn bị coi là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức. Vừa rồi lại có một vụ việc liên quan đến trang phục này.

Ông Tirath Singh Rawat, thủ hiến mới được bổ nhiệm của bang Uttarakhand, cho rằng quần bò rách gây ra nhiều vấn đề đạo đức ở giới trẻ.

Phát biểu tại một hội thảo do Ủy ban nhà nước về bảo vệ quyền trẻ em tổ chức trong tuần trước, ông Rawat chỉ trích một phụ nữ mà ông gặp trên máy bay.

Ông nói rằng người phụ nữ đó đi cùng hai con, nhưng “đi bốt, mặc quần bò rách ở đầu gối và đeo rất nhiều vòng tay”.

“Các bạn điều hành một tổ chức phi chính phủ, mặc quần bò rách đi lại ngoài kia cùng những đứa trẻ, vậy bạn muốn dạy chúng những giá trị gì?” ông Rawat nói.

Ông Rawat cho rằng quần bò rách vừa là nguyên nhân vừa là triệu chứng của sự xuống cấp đạo đức, đồng thời chỉ trích các ông bố bà mẹ để trẻ em, đặc biệt là các bé gái, mặc loại quần này.

Vị thủ hiến chỉ trích người Ấn Độ “chạy theo xu hướng khỏa thân” và cho rằng “trong khi người Ấn Độ mặc quần bò rách, người dân ở các nước khác ăn mặc kín đáo và tập yoga”.

Những phát biểu của ông Rawat, chính trị gia thuộc đảng BJP cầm quyền, vấp phải nhiều chỉ trích trên mạng xã hội ở Ấn Độ.

Đảng Quốc đại đối lập ra tuyên bố yêu cầu ông Rawat phải xin lỗi tất cả phụ nữ Ấn Độ hoặc từ chức.

Chủ nhiệm Ủy ban phụ nữ Swati Maliwal của Delhi đăng tweet chỉ trích ông Rawat “tuyên truyền định kiến với phụ nữ”.

Bà Maliwal nói rằng vấn đề không chỉ là điều ông Rawat nói, mà cả cách ông ấy thể hiện. Bà cho rằng ông Rawat đã nhìn phụ nữ theo hướng từ trên xuống.

Những phát biểu của ông Rawat cũng gây bão trên Twitter với sự tham gia của hàng ngàn phụ nữ Ấn Độ, bằng cách chia sẻ các bức ảnh mặc quần bò rách. Những hashtag về quần bò rách như #RippedJeansTwitter và #RippedJeans trở thành xu hướng trong nhiều giờ.

Một số người gắn tên ông Rawat trên Twitter. Một số người khuyên ông nên lo lắng về “nền kinh tế rách” và sự an toàn của phụ nữ hơn là chuyện quần bò.

Hôm 19/3, ông Rawat lên tiếng xin lỗi nếu phát biểu của mình khiến ai đó bị tổn thương. Ông nói rằng ông không có ý coi thường ai và mọi người đều được tự do lựa chọn quần áo cho mình.

Thủ hiến bang Uttarakhand không phải chính trị gia Ấn Độ duy nhất nói đến chuyện quần áo của phụ nữ.

Cách đây 5 năm, Bộ trưởng văn hóa Mahesh Sharma nói rằng cơ quan này đã phát cho du khách ở sân bay một danh sách những việc không nên làm, trong đó có lời khuyên không mặc quần ngắn hoặc váy khi đến Ấn Độ, và họ cũng không nên đi một mình ra ngoài vào ban đêm ở những nơi vắng vẻ.

Tuần trước, một hội đồng làng ở bang Uttar Pradesh nói rằng những phụ nữ mặc váy ngắn và đàn ông mặc quần sooc sẽ bị xã hội tẩy chay. Chục năm trước, một hội đồng làng Battisa ở Uttar Pradesh đã cấm các cô gái mặc quần bò hoặc sử dụng điện thoại di động.

Năm 2014, các trưởng lão đại diện cho 46 làng đưa ra lệnh cấm tương tự. 3 năm sau, các làng xã ở Haryana và Rajasthan cũng cấm phụ nữ mặc quần bỏ hoặc mang theo điện thoại di động.

Theo theo BBC
MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.