Tên lửa đạn đạo DF-26, có tầm bắn 3.000-4.000km, được đưa đến vùng sa mạc và cao nguyên tây bắc của Trung Quốc, báo chí Trung Quốc đưa tin hôm 9/1.
Dù ngày triển khai tên lửa không được nói đến, nhưng thông tin được tung ra vào thời điểm Mỹ thông báo hôm 7/1 về việc cử một tàu khu trục đi vào vùng 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Hoàn cầu dẫn lời một chuyên gia giấu tên nói rằng hoạt động triển khai tên lửa “là một lời nhắc nhở tốt rằng Trung Quốc có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình”.
“Ngay cả khi được phóng từ sâu trong nội địa của Trung Quốc, tầm bắn của DF-26 đủ xa để bao trùm cả biển Hoa Đông”, chuyên gia Trung Quốc nói. Bài báo này gọi DF-26 là “thế hệ tên lửa đạn đạo liên lục địa mới, có thể tấn công các tàu cỡ lớn và cỡ vừa trên biển”.
Theo báo cáo năm 2018 của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, loại tên lửa di động này được triển khai lần đầu vào năm 2016, có thể “thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân hoặc thông thường vào các mục tiêu trên mặt đất, và tấn công thông thường vào các mục tiêu trên biển ở vùng tây Thái Bình dương, Ấn Độ dương và biển Đông”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo loại tên lửa này chính thức được triển khai vào tháng 4 năm ngoái, và CCTV hôm 8/1 nói rằng vũ khí này “giờ có thể được di chuyển trên khắp cả nước”.
Hoàn cầu dẫn lời các chuyên gia nói rằng, tên lửa phóng từ sâu trong nội địa Trung Quốc khó bị đánh chặn hơn phóng từ vị trí gần bờ biển. Trong giai đoạn đầu, tên lửa bay khá chậm và dễ bị phát hiện, do đó dễ bị kẻ thù đánh chặn. Sau khi tăng tốc, tên lửa bay rất nhanh nên khả năng bị đánh chặn cũng giảm đi đáng kể.
Cách đây không lâu, La Viện, một tướng diều hâu Trung Quốc, lên tiếng đòi đánh chìm 2 tàu sân bay của Mỹ để loại bỏ một trong những lợi thế quân sự của Washington. Ông La khoe rằng Trung Quốc có thể làm như vậy bằng các hệ thống tên lửa mới của nước này.
Thông tin về việc triển khai hệ thống DF-26 được đưa ra chỉ vài ngày sau khi tàu khu trục tên lửa USS McCampbell đậu tại tỉnh Kanagawa của Nhật Bản được Mỹ đưa đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng và quân sự hóa trái phép nhằm khẳng định tự do hàng hải và thách thức các đòi hỏi chủ quyền quá mức. Trung Quốc gọi đây là hành động của Mỹ là “khiêu khích”.