Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng

0:00 / 0:00
0:00
Binh sĩ Trung Quốc diễn tập chiến thuật tháng 8/2020
Binh sĩ Trung Quốc diễn tập chiến thuật tháng 8/2020
TP - Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng năm 2021 thêm 6,8%, lên mức 1.350 tỷ nhân dân tệ (209 tỷ USD), nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong năm ngoái (chỉ ở mức 2,3%).

Thông tin này được đưa ra trong một dự thảo báo cáo ngân sách, được trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc ngày 5/3. Tốc độ tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm nay cao hơn so với mức 6,6% của năm 2020, cho dù nền kinh tế nước này chưa thoát ra khỏi những khó khăn do đại dịch gây ra.

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cho năm 2020 là 1.270 tỷ nhân dân tệ (179 tỷ USD), tăng 6,6% so với năm 2019. Trung Quốc đã duy trì mức tăng trưởng một con số trong việc chi ngân sách quốc phòng hằng năm kể từ năm 2016, theo Hoàn cầu thời báo. Tờ báo Trung Quốc dẫn lời Tống Trọng Bình, người được giới thiệu là chuyên gia quân sự và nhà bình luận truyền hình Trung Quốc, nói rằng, mức tăng này là “vừa phải và hợp lý”, và con số 6,8% cũng liên quan đến tăng trưởng GDP của Trung Quốc.

Trong báo cáo chính phủ được trình bày tại phiên khai mạc, mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2021 được đặt ở mức trên 6%.

Việc tăng chi tiêu quốc phòng diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang có những đụng độ với Ấn Độ trên biên giới và khi quốc gia này tìm cách hiện đại hóa quân đội để cạnh tranh với Mỹ. Dù vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP trên 6% trong năm 2021 là thấp hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế.

Giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã nổ ra các cuộc đụng độ căng thẳng trên biên giới và đỉnh điểm là vào tháng 6 năm ngoái, khi 20 binh sĩ Ấn Độ và ít nhất 4 lính Trung Quốc thiệt mạng trong các cuộc giao tranh tay đôi.

Trong khi đó, Mỹ đã “nắn gân” Trung Quốc xung quanh vấn đề Đài Loan bằng các chuyến thăm chính thức và hợp đồng mua bán vũ khí. Bắc Kinh cũng liên tục có các hành động gây căng thẳng với một số quốc gia ở các vùng biển xung quanh nước này.

Ưu tiên quân sự

 Meia Nouwens, nghiên cứu viên cấp cao về chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh), nói với Bloomberg: “Xem xét nhận thức về mối đe dọa đối với Bắc Kinh và mục tiêu hoàn tất hiện đại hóa quân đội vào năm 2035, tôi cho rằng, chi tiêu quốc phòng (của Trung Quốc) sẽ tiếp tục được ưu tiên”.

Trung Quốc có kế hoạch tăng lương cho một số đối tượng thêm 40% trong năm nay để thu hút và giữ chân nhân tài khi họ theo đuổi mục tiêu hiện đại hóa quân đội, tờ South China Morning Post đưa tin hồi tháng Giêng.

“Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào các công nghệ và vũ khí phức tạp để ngăn chặn và trong tương lai có thể chống lại một loạt đối thủ tinh vi hơn là Mỹ và các đồng minh”, Bates Gill, giáo sư nghiên cứu về an ninh về châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Macquarie của Úc, nói.

Con số về chi tiêu quân sự của Trung Quốc được Mỹ và các nhà hoạch định chính sách khắp châu Á theo dõi chặt chẽ vì đây là một trong số ít dữ liệu chính thức có sẵn, giúp đánh giá sự phát triển của quân đội Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc nói chi tiêu quốc phòng tăng 6,6%, mức thấp nhất kể từ năm 1991.

Các nhà phân tích bên ngoài Trung Quốc cho rằng, chi tiêu quân sự thực tế vượt xa con số chính thức được công bố hằng năm, một phần là do chi phí nghiên cứu-phát triển không được tính đến.

Hồi tháng 1, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cập nhật cách tính toán chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2019, ước tính con số thực tế là 1.660 tỷ nhân dân tệ, lớn hơn 38% so với con số chính thức. Theo SIPRI, con số này chiếm 1,7% GDP Trung Quốc, trong khi cùng năm 2019, Mỹ chi 3,4% GDP cho quốc phòng. Chỉ số này đối với Ấn Độ, quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới, là 2,4%.

MỚI - NÓNG