Sức mạnh quân sự Trung Quốc và ‘tử huyệt’ địa-chiến lược

Lính Trung Quốc và Ấn Độ trong một lần đụng độ ở biên giới
Lính Trung Quốc và Ấn Độ trong một lần đụng độ ở biên giới
TPO - Những điểm yếu về địa-chiến lược của Trung Quốc từ lâu đã bị phương Tây coi là hạn chế đối với tham vọng của họ, theo một tổ chức nghiên cứu của Mỹ.

Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA), một nhóm chuyên gia độc lập, phi lợi nhuận, có trụ sở tại Washington, D.C., chuyên về chính sách quốc phòng, lập kế hoạch lực lượng và ngân sách của Mỹ, vừa đưa ra báo cáo “nhận diện các điểm yếu trong sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Trong báo cáo, có những nhận định về điểm yếu về địa lý mà Bắc Kinh rất khó giải quyết. (Dữ liệu và quan điểm trong bài là của chuyên gia CSBA, không thể hiện quan điểm của Tiền Phong).

Những điểm yếu về địa-chiến lược của Trung Quốc từ lâu đã bị phương Tây coi là hạn chế đối với tham vọng của họ. Trung Quốc bị bao vây bởi các đại cường quốc và cường quốc trung bình. Trung Quốc giáp với Nga ở phía bắc, Ấn Độ ở phía tây nam. Chạy theo hướng bắc nam dọc theo bờ biển phía đông, Trung Quốc đối mặt với Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Đài Loan và Philippines. Seoul, Tokyo và Manila là các đồng minh hiệp ước chính thức của Mỹ trong khi Đài Bắc duy trì quan hệ quân sự chặt chẽ với Mỹ và vẫn kiên quyết chống lại các kế hoạch thống nhất của Bắc Kinh. Ngoại trừ Philippines, Trung Quốc đã trực tiếp chiến đấu chống lại những quốc gia đang quản lý các vùng đất tiếp giáp với lãnh hải của họ vào một thời điểm nào đó trong thế kỷ XX. Trung Quốc có chung đường biên giới trên đất liền, rộng khoảng 22.000 km, với 14 nước láng giềng. Trong số đó, Ấn Độ, Triều Tiên, Nga và Pakistan có quân số thuộc tốp mười nước hàng đầu thế giới. Nga, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong một thế kỷ qua, Trung Quốc đã tham gia các cuộc chiến tranh lớn, đụng độ biên giới, hay vướng vào các cuộc chiến với Nhật Bản (1937-1945), Hàn Quốc (1950-53), Ấn Độ (1962), Nga (1969) và Đài Loan (1954, 1958 và 1995-96). Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai đã tạo ra gánh nặng đối với các thành phố và vùng nông thôn của Trung Quốc, Chiến tranh Triều Tiên khiến Trung Quốc đối mặt với sức mạnh quân sự của Mỹ, và các cuộc đụng độ biên giới Trung-Xô đã kéo cả hai bên đến bờ vực của một cuộc chiến tranh quy ước lớn liên quan đến vũ khí hạt nhân.

Kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, Bắc Kinh đã có các tranh chấp lãnh thổ trên biên giới và ngoài biển với hầu hết mọi quốc gia dọc theo vùng ngoại vi của họ. Trong khi hầu hết các tranh chấp trên đất liền đã được giải quyết, biên giới của Trung Quốc với Ấn Độ và Bhutan và nhiều yêu sách biển của nước này vẫn còn trong tình trạng tranh chấp gay gắt. Một số quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc ở Đông Bắc, Đông Nam, Nam và Trung Á không ổn định hoặc khó đoán, bao gồm Triều Tiên, Myanmar, Pakistan và Afghanistan.

Hơn nữa, những nghi ngờ và thù hận có nguồn gốc từ trước đến nay bao phủ mối quan hệ của Trung Quốc với nhiều nước láng giềng. Sự thống trị trong quá khứ của Trung Quốc đối với khu vực, một phần được thể hiện qua hệ thống triều cống đặt Trung Quốc vào tâm điểm của chính trị khu vực, cũng đã thấm nhuần sự cảnh giác sâu sắc đối với Trung Quốc. 

Đồng thời, Trung Quốc không chia sẻ đủ mối quan hệ văn hóa và dân tộc để thu hẹp khoảng cách về lòng tin. Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp thu các yếu tố của nền văn minh Trung Hoa trong quá khứ, họ coi mình như những chính thể không thuộc về Trung Quốc. Nga và Ấn Độ thậm chí còn xa Trung Quốc về văn hóa hơn so với những người hàng xóm Đông Á của họ. Nói tóm lại, Trung Quốc đang sống trong một môi trường, cả về quyền lực và lý tưởng, có nhiều khả năng chống lại hơn là hợp tác với các mục tiêu của họ.

Về phương diện bảo vệ tổ quốc, đường biển và nội địa của Trung Quốc đã phải hứng chịu sự xâm lược và lật đổ của bên ngoài trong suốt lịch sử. Các vùng biển bao quanh lục địa Trung Quốc cung cấp nhiều con đường tiếp cận cho lực lượng đổ bộ tấn công các khu vực ven biển trũng đặc trưng của Trung Quốc trong khi địa hình sa mạc ở phía bắc là nơi lý tưởng cho các hoạt động tấn công trên bộ. Kinh nghiệm của Trung Quốc trong thế kỷ 19 và 20 đã khắc họa thực tế này. Trong “thế kỷ đáng quên”, các cường quốc phương Tây và Nhật Bản đã tấn công đế chế nhà Thanh bằng đường biển và đường bộ. Quyền chỉ huy vùng biển của người Anh và sau đó là của Nhật Bản đã cho phép họ thi triển sức mạnh vào đất liền mà không bị trừng phạt trong khi Nga thời Sa hoàng chiếm đoạt phần lớn biên giới phía bắc của Trung Quốc. Trong những năm đầu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, lực lượng Quốc dân đảng đã tổ chức các cuộc đột kích và hoạt động phá hoại dọc theo bờ biển phía đông nam trong khi quân du kích Tây Tạng được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hỗ trợ tham gia các hoạt động quấy rối từ các căn cứ ở Nepal.

Vào đỉnh điểm của Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1958, quân đội Mỹ đã tính đến các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật nhằm vào các vị trí quân sự của Trung Quốc gần Hạ Môn, một đô thị ven biển. Trong cuộc đụng độ biên giới Trung-Xô 1969, Liên Xô đã triển khai tới 34 sư đoàn, bao gồm cả những sư đoàn được trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật, gần biên giới Trung Quốc.

MỚI - NÓNG