Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa vũ khí hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 4/1, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, đồng thời kêu gọi Mỹ và Nga giảm số đầu đạn hạt nhân của họ. Tuyên bố được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi nhóm P5 cam kết ngăn chặn mở rộng loại vũ khí nguy hiểm này.

“Biện pháp răn đe tối thượng”

Trong một tuyên bố thể hiện quan điểm chung sau những căng thẳng Đông - Tây, nhóm các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp đã tái khẳng định mục tiêu xây dựng một thế giới không có vũ khí nguyên tử và tránh xung đột hạt nhân. Nhóm P5 cũng cam kết từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trong tương lai, sau khi loại vũ khí này bị Mỹ sử dụng một lần ở Nhật Bản vào cuối Thế chiến 2.

Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa vũ khí hạt nhân ảnh 1

Trung Quốc phô diễn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41. Ảnh: AP

Nhưng việc thống nhất tuyên bố đó với thực tế sẽ không dễ dàng, khi cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt. Hiện có nhiều lo ngại về quá trình hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc, nhất là sau khi lực lượng vũ trang nước này thông báo rằng họ đã phát triển thành công vũ khí siêu thanh, có thể bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Mỹ cũng khẳng định Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân lên 700 đầu đạn vào năm 2027 và có thể lên tới 1.000 vào năm 2030.

Ngày 4/1, Trung Quốc bảo vệ chính sách hạt nhân của mình, đồng thời cho rằng Nga và Mỹ - hai quốc gia sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới hiện nay - nên từ bỏ vũ khí trước tiên.

“Mỹ và Nga vẫn sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên Trái đất. Họ phải giảm kho vũ khí hạt nhân của mình theo cách có ràng buộc về pháp lý và không thể đảo ngược”, ông Fu Cong, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí - Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói với báo chí.

Ông Fu cũng đáp trả cáo buộc của Washington. “Mỹ khẳng định Trung Quốc đang tăng mạnh năng lực hạt nhân nhưng điều này không đúng sự thật. Trung Quốc luôn tuân thủ chính sách không sử dụng trước và chúng tôi duy trì năng lực hạt nhân ở mức tối thiểu để phục vụ an ninh quốc gia. Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hoá vũ khí hạt nhân về độ tin cậy và an toàn”, ông tuyên bố.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang căng thẳng vì hàng loạt vấn đề, trong đó có ý định của Trung Quốc về việc thống nhất đảo Đài Loan, có thể bằng vũ lực. Ông Fu phủ nhận suy đoán về khả năng Trung Quốc đưa vũ khí hạt nhân ra gần eo biển Đài Loan. “Vũ khí hạt nhân là biện pháp răn đe tối thượng, không phải để mang ra chiến đấu hay giao tranh”, ông nói.

Tuyên bố bất ngờ của P5

Ngày 3/1, nhóm 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí rằng, chiến tranh hạt nhân không thể mang lại chiến thắng, vì thế họ sẽ ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.

“Chúng tôi khẳng định rằng chiến tranh hạt nhân không thể mang lại chiến thắng và không bao giờ được xảy ra”, tuyên bố chung của nhóm P5 (Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Pháp) khẳng định. Câu này nhắc lại tuyên bố của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô là Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh năm 1985 tại Geneva.

Tuyên bố của P5 được đưa ra trước thềm một hội nghị của Liên Hợp Quốc về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Sự kiện đáng lẽ diễn ra từ ngày 4-28/1 tại New York, Mỹ, nhưng bị hoãn do tình trạng biến thể Omicron lây lan nghiêm trọng. Hội nghị này nhằm rà soát Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Ban đầu, hội nghị dự kiến được tổ chức vào năm 2020 nhưng bị hoãn nhiều lần do đại dịch COVID-19.

Các hội nghị rà soát được tổ chức 5 năm một lần kể từ năm 1975, gần đây nhất vào năm 2015. Hội nghị này tạo diễn đàn để các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thảo luận với các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân. Khoảng 190 nước đã ký NPT.

Tuyên bố chung được đưa ra vào thời điểm căng thẳng dâng cao giữa Nga, Trung Quốc và phương Tây vì khủng hoảng ở Ukraine và Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự với đảo Đài Loan. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, lời lẽ trong tuyên bố chung đã được đúc kết từ các cuộc họp của P5 trong nhiều tháng, dù môi trường an ninh đang căng thẳng. “Ở cấp độ cơ sở, có thể nói đây là cách chúng tôi nghĩ về những rủi ro, và đây là sự thừa nhận một điều mà chúng tôi muốn tránh, nhất là trong thời điểm khó khăn này. Vì thế tôi nghĩ là xứng đáng”, vị quan chức nói.

NPR là kết quả thoả thuận giữa các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân và 5 nước sở hữu vũ khí hạt nhân, rằng các nước không sở hữu sẽ không theo đuổi loại vũ khí này, còn các nước sở hữu cam kết sẽ từ bỏ. Bốn quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không được công nhận theo NPT gồm Israel, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên. Những nước này cũng không thể hiện dấu hiệu sẽ từ bỏ vũ khí của mình.

Thất bại trong thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và bế tắc trong đàm phán khôi phục thỏa thuận này đang làm tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, nhất là ở Trung Ðông.

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, Mátxcơva coi hội nghị thượng đỉnh giữa các cường quốc hạt nhân lớn trên thế giới là điều cần thiết. Trung Quốc cho rằng tuyên bố chung này sẽ giúp giảm nguy cơ xung đột hạt nhân.

“Tuyên bố chung của 5 nhà lãnh đạo các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ giúp tăng cường tin cậy lẫn nhau và thay thế cạnh tranh giữa các cường quốc bằng hợp tác”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc được Xinhua dẫn lời.

“Với môi trường an ninh như hiện nay, tôi khá sốc khi thấy P5 có thể đồng ý nhiều như vậy”, ông Heather Williams, giảng viên cấp cao về nghiên cứu quốc phòng tại Trường King’s College London (Anh), nói với báo Guardian. Ông Williams và nhiều chuyên gia hạt nhân khác cho rằng các cường quốc hạt nhân cần tăng cường các kênh trao đổi xử lý khủng hoảng để giảm nguy cơ xung đột bất ngờ leo thang thành chiến tranh hạt nhân.

MỚI - NÓNG