Bạc Hy Lai - Cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Trung Quốc (trái) và Từ Tài Hậu - cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc vừa bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng. Ảnh: Minh Báo
Theo Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc Qiu Xueqiang, số cán bộ cơ quan chống tham nhũng sẽ tăng lên và vị thế của họ sẽ lên tới cấp thứ trưởng. Cơ quan này được thành lập năm 1995, sẽ là một đơn vị trực thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và tiếp tục chịu trách nhiệm khởi tố các vụ án do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra chuyển sang. Phó viện trưởng Qiu cho biết, gần 20 năm qua, các vấn đề bất cập với cơ quan chống tham nhũng đã trở nên rõ ràng, như vẫn có thiếu sót về cơ cấu, thiếu hụt nhân sự trong khi lại quá tải các vụ án.
Hiện nay, tội phạm ở Trung Quốc có xu hướng trở nên hệ thống hơn, có tính khu vực, tính gia đình và có tổ chức. Ông Qiu nói rằng, đôi khi một vụ án hoặc nghi phạm riêng biệt có thể châm ngòi cho một loạt vụ điều tra. Trong năm nay, vụ điều tra Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã tạo “hiệu ứng domino” dẫn tới việc hạ bệ 11 quan chức thuộc ủy ban này về tội tham nhũng. “Cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra khắp mọi nơi. Hoặc là chúng ta triệt hạ tham nhũng hoặc tham nhũng triệt hạ chúng ta”, Xinhua dẫn lời ông Qiu.
Thông báo nâng cấp cơ quan chống tham nhũng diễn ra khi lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông Vương Kỳ Sơn, gọi đây là “một cuộc chiến (mà đảng) không thể để thất bại” trong một bài xã luận của Nhân dân Nhật báo. Ông Vương cảnh báo về “một cuộc chiến lâu dài đầy phức tạp và khó khăn”, và các đảng viên phải có “niềm tin chính trị và tin tưởng vào thắng lợi”. Ông Vương khẳng định, Đảng Cộng sản Trung Quốc cần tiếp tục gia tăng sức ép đối với cán bộ và từng bước xây dựng hệ thống hiệu quả để họ “không muốn tham nhũng” và “không thể tham nhũng”.
Ông Vương cho biết, hơn 100 điều tra viên được tung vào Bắc Kinh, nơi những quan chức chưa biết sợ chiến dịch chống tham nhũng có thể phải trả giá. South China Morning Post (Hong Kong) dẫn lời chuyên gia về chống tham nhũng Zhuang Deshui ở Đại học Bắc Kinh cho rằng, cải tổ cơ quan chống tham nhũng cũng có thể hỗ trợ tính độc lập của các thẩm phán nhằm giảm bớt khả năng can thiệp của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, giáo sư Hu Xingdou thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh lại cho rằng, việc cải cách vẫn không đủ mạnh để đảm bảo cơ quan chống tham nhũng trở nên độc lập.
“Cơ quan mới ít nhất cần phải cấp bộ mới có thể xử lý các quan chức cấp cao”, giáo sư Hu nói. Giáo sư Li Tuo ở Trường Hành chính Quốc gia Trung Quốc phát biểu trên tờ Minh Báo (Hong Kong) rằng, cải tổ cơ quan này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đàm phán với các chính phủ nước ngoài trong chiến dịch truy lùng quan tham đào đẩu.