Năm 2010, Trung Quốc và 10 nước ASEAN bắt đầu thảo luận về việc đặt ra một bộ quy tắc ứng xử nhằm tránh xung đột giữa các nước liên quan trên biển Đông, nhưng các cuộc thương lượng gần như không tiến triển suốt nhiều năm qua, trong khi Bắc Kinh đẩy mạnh xây dựng trái phép nhiều đảo nhân tạo và đưa vũ khí, khí tài ra đó.
Phát biểu tại buổi họp báo bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị hôm 8/3 nói rằng, các cuộc đối thoại diễn ra tháng trước đã đạt được “tiến triển rõ rệt” và đưa ra được dự thảo đầu tiên cho COC. “Trung Quốc và các nước ASEAN cảm thấy hài lòng với điều này”, Reuters dẫn lời ông Vương.
Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng, căng thẳng trên biển Đông không chỉ “giảm phần nào, mà đã giảm rõ rệt” trong năm qua. Với lời lẽ ám chỉ Mỹ và các chiến dịch khẳng định tự do hàng hải ở khu vực, ông Vương nói rằng, những ai vẫn muốn “khuấy động rắc rối” sẽ bị các nước trong khu vực lên án. Mỹ vẫn chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và đưa vũ khí ra khu vực tranh chấp trên biển Đông, đồng thời bày tỏ lo ngại những việc làm đó có thể nhằm hạn chế sự dịch chuyển tự do trong khu vực.
Các nhà quan sát nhận định, Trung Quốc đang hạ giọng trước những tranh chấp trên biển Đông và thích nghi với luận điểm của Mỹ về tự do hàng hải. Ông Wang Guoqing, người phát ngôn của kỳ họp thứ 5 Hội nghị Chính hiệp toàn quốc khóa 12, tuần trước nói: “Là một nước giao thương lớn và là quốc gia lớn nhất dọc biển Đông, Trung Quốc chú trọng hơn bất kỳ quốc gia nào đến tự do hàng hải và an ninh trên biển Đông”, Xinhua dẫn lời ông Wang nói để trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo ở Bắc Kinh. Cách nói này khác hẳn giọng điệu cứng rắn trước đây của Bắc Kinh khi cảnh báo Mỹ và các đồng minh tránh xa khỏi “vùng biển của họ”.
Điều gì khiến Trung Quốc thay đổi như vậy? Một số học giả cho rằng, nguyên nhân là kết quả vụ kiện liên quan tranh chấp trên biển Đông mà Tòa trọng tài quốc tế đưa ra năm ngoái. Kết quả vụ kiện được coi là chiến thắng lớn đối với Philippines, nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte gây ngạc nhiên cho cộng đồng quốc tế khi từng bước xích gần Trung Quốc và rời xa Mỹ. Cách làm này có thể sẽ không phát huy hiệu quả trong tương lai nếu khái niệm “tự do hàng hải” của Trung Quốc khác với các nước, giới phân tích nhận định.
Mở tour trái phép ra Hoàng Sa
Trung Quốc vẫn tiếp tục những bươc đi nhằm củng cố hiện diện thực tế trên biển Đông. Báo Hong Kong South China Morning Post vừa đưa tin, chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đang muốn triển khai các chuyến bay du lịch ra quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép).
Theo nội dung một tài liệu do các đại biểu của Hải Nam đưa ra tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc đang diễn ra ở Bắc Kinh, kế hoạch mở tour bằng máy bay được xác định là nhiệm vụ ưu tiên của chính quyền Hải Nam trong năm nay và họ đang xin phép quân đội và các bộ liên quan để triển khai. Một số công ty Trung Quốc vẫn đang vận hành trái phép tàu du lịch để đưa khách ra những khu vực tranh chấp trên biển Đông, nhưng dịch vụ du lịch bằng máy bay chưa từng được thực hiện. Hải Nam là trung tâm hoạt động của các tàu du lịch ra biển Đông khi chính quyền đảo này muốn mở rộng quy mô cung cấp các tour trái phép ra quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc ngang nhiên lập ra cái gọi là thành phố Tam Sa để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bãi cạn Scarborough… Ông Xiao Jie, người đứng đầu khu vực được lập ra trái phép này, hôm 7/3 phát biểu trong kỳ họp Quốc hội rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố yêu sách chủ quyền của họ trên biển Đông. “Một trong những ưu tiên của chúng tôi là tăng cường quyền hành pháp bắt đầu từ các tổ chức cơ sở”, ông Xiao nói.
Ông Xiao còn ngang nhiên nói rằng, 10 “ủy ban dân cư” đã được lập ra ở quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc đã đưa thiết bị quân sự và binh lính ra đóng ở đó. Những “ủy ban” đó được lập ra để thể hiện cái gọi là “quyền hành pháp và chủ quyền của Trung Quốc”, ông Xiao nói.
Việt-Trung bàn vấn đề trên biển
Từ ngày 5 tới 8/3, ông Lê Hoài Trung - Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân có cuộc gặp thường niên lần thứ hai tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, để trao đổi các vấn đề quan hệ song phương và biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc. Về vấn đề trên biển, hai bên nhất trí tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nhất là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; phát huy các cơ chế đàm phán và hợp tác hiện có để xây dựng lòng tin, kiên trì giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình và thúc đẩy hợp tác phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông. Đoàn Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm về những diễn biến phức tạp thời gian qua ở biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.