Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai lời đe dọa tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc dọa sẽ có biện pháp trả đũa.
Vòng đàm phán mới nhất vừa kết thúc ở Washington mà không có thỏa thuận nào ngoài tuyên bố hai bên sẽ gặp lại vào một ngày chưa được xác định tại Bắc Kinh.
Nhưng ngay cả trước vòng đàm phán vừa qua, nhiều nhân vật mang tư tưởng ôn hòa ở Bắc Kinh đã kêu gọi lãnh đạo nước này nghĩ lại chiến lược tổng thể với Mỹ, nước mà họ coi là quan trọng nhất trong đối ngoại và định hình đường hướng tương lai của Trung Quốc.
Dù không chỉ trích trực tiếp các chính sách hiện nay, các nhân vật này ngày càng lên tiếng mạnh mẽ về sự cần thiết phải đánh giá lại và thay đổi.
“Trung Quốc đã trở nên quá cứng đầu trong những năm qua và thất bại trong việc thừa nhận khoảng cách lớn giữa Trung Quốc và Mỹ trên nhiều mặt trận”, ông Zhang Musheng, một quan chức chính phủ về hưu và là một trí thức có tên tuổi, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn.
“Ca ngợi (sự thành công) của cái gọi là mô hình Trung Quốc hay giải pháp Trung Quốc với thế giới là việc không cần thiết và chỉ gây ra các cuộc tấn công”, ông Zhang nói.
Là con trai một quan chức cấp cao trong Quốc vụ viện, ông Zhang vẫn đang được tham vấn về các chính sách kinh tế của đất nước. Ông Zhang không phải nhân vật nổi tiếng duy nhất có quan điểm này.
Ông Li Ruogu, một cựu phó thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh cần hiểu hơn về suy nghĩ của người Mỹ và điều chỉnh chính sách để duy trì quan hệ này.
“Quan hệ Trung – Mỹ là đá tảng trong quan hệ tổng thể của nước ta với phương Tây. Nếu chúng ta không thể quản lý tốt, nó sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của chúng ta với các nước phát triển khác. Đây là điều mà chúng ta cần nghĩ thận trọng”, ông Li nói tại một diễn đàn gần đây.
“Liệu chúng ta đã hiểu Mỹ? Đã hiểu Donald Trump và những người quanh ông ta? Tôi nghĩ chúng ta cần nghiên cứu Mỹ nhiều hơn trước khi định hình quan điểm của mình”, ông Ri nói.
Bất kể Trung Quốc và Mỹ có đạt được thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh thương mại hay không, Bắc Kinh vẫn cần duy trì quan hệ với Washington, vì đối đầu toàn diện sẽ ảnh hưởng đến phát triển tương lai của Trung Quốc, ông Li nói.
Quan điểm này được nhiều người khác chia sẻ, trong đó có ông Hồ Đức Bình, con trai nhà cải cách Hồ Diệu Bang.
Điều này phản ánh mối bận tâm ngày càng lớn trong nhóm người mang tư tưởng tự do trong đảng rằng Trung Quốc và Mỹ đang đi theo hướng lao vào nhau nếu cả hai bên không điều chỉnh chính sách.
Dù đó không phải ánh quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc, nhưng những tiếng nói tự do đó cũng rất có ảnh hưởng vì xuất phát từ một nhóm cá nhân tinh hoa, con cháu của những người thuộc thế hệ cách mạng đầu tiên.
Việc những người đó lên tiếng cho thấy đang có thêm không gian cho giới tinh hoa của đảng bàn bạc và tranh luận về chiến lược của Trung Quốc với Mỹ.
“Có một sự thừa nhận rõ ràng rằng Trung Quốc vẫn chưa bắt kịp Mỹ về sức mạnh. Cũng có cảm giác rằng một số cải cách mà Mỹ đòi hỏi trong quá trình đàm phán thương mại hóa ra là những lợi ích lâu dài của Trung Quốc”, GS Yang Dali, một nhà khoa học chính trị tại ĐH Chicago, đánh giá.
Bà Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn chính sách tại Washington, nói rằng những thảo luận nội bộ như trên sẽ không đủ để tạo ra thay đổi, vì áp lực bên ngoài mới là lực lái chính.
“Nếu có thay đổi nào trên lộ trình chính sách hiện nay của Trung Quốc, thì nhiều khả năng là do những tác động tiêu cực từ những chính sách đó”, bà nói.
“Trung Quốc thực sự không đủ khả năng để trở thành kẻ thù lớn nhất của Mỹ”, bà nhận định.