Trung Quốc ngang nhiên xuyên tạc, bóp méo sự thật

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Như Ý.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Như Ý.
TPO - "Nội dung công hàm Trung Quốc lưu hành ở Liên hợp quốc và phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều xuyên tạc sự thực. Họ không đưa ra được hình ảnh nào cho thấy tàu Việt Nam đâm va tàu Trung Quốc", ông Trần Duy Hải cho biết.

Trong một tháng qua, Việt Nam đã hết sức kiên trì tiếp xúc ở các cấp với Trung Quốc, kiên quyết thực hiện các biện pháp hòa bình yêu cầu Trung Quốc đưa ngay giàn khoan, đồng thời ngừng ngay các hành vi gây căng thẳng. Quyết tâm và thiện chí đó được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhưng Trung Quốc vấn tiếp tục có hành vi hung hăng, liên tục đổ lỗi cho Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao đã tổ chức cuộc họp báo quốc tế vào chiều nay tại Hà Nội để cập nhật thông tin trên thực địa, thông báo những nỗ lực của Việt Nam.

Có mặt trong buổi họp báo gồm: ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư;  ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm ủy ban biên giới quốc gia; ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; ông Lê Hải Bình, Quyền Vụ trưởng Vụ thông tin báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm ủy ban biên giới quốc gia, ông Trần Duy Hải cho biết, trong hơn 1 tháng qua kể từ khi Trung Quốc đặt hạ trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển chủ quyền Việt Nam, phía Việt Nam đã nỗ lực đối thoại dưới nhiều hình thức để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và toàn bộ tàu hộ tống ra khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam. 

Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực và thiện chí của Việt Nam, phía Trung Quốc vẫn có những hành động hung hăng, leo thang căng thẳng, đổ lỗi cho Việt Nam, di chuyển giàn khoan đến vị trí mới nằm sâu 60 hải lý trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Phía Trung Quốc cũng gia tăng các tàu hộ tống các loại, có lúc lên đến 140 tàu, bao gồm tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu săn ngầm, máy bay chiến đấu. Các tàu của Trung Quốc có hành vi hung hăng, chủ động tấn công, cố tình đâm va vào tàu chấp pháp dân sự của Việt Nam, khiến nhiều cán bộ kiểm ngư bị thương, làm hư hỏng thiết bị.

Đặc biệt, ngày 26/5, một tàu cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở vị trí cách giàn khoan 17 hải lý. Đồng thời, tàu Trung Quốc cũng có hành vi ngăn cản tàu Việt Nam đến cứu hộ tàu DNA90152 bị chìm. Ngày 1/6, tàu Trung Quốc đâm thủng tàu 2016 của cảnh sát biển VN, làm trầm trọng thêm tình hình ở biển Đông, gây bất bình trong dư luận Việt Nam.

Ngày 23/5, lần thứ hai Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc công hàm yêu cầu rút giàn khoan và tàu hộ tống. Ngày 4/6 Bộ Ngoại giao Việt Nam lại gửi công hàm yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán, rút giàn khoan và tàu hộ tống để giải quyết vấn đề thống qua đàm phán dựa trên luật quốc tế.

Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế với tinh thần khách quan, công tâm lên tiếng bảo vệ chính nghĩa, công lý.

Trung Quốc ngang nhiên xuyên tạc, bóp méo sự thật ảnh 1

Ông Ngô Ngọc Thu-Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, tại buổi họp báo. Ảnh: Như Ý.

Tại buổi họp báo, ông Ngô Ngọc Thu-Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, tổng hợp tình hình trong 1 tháng qua. Thời điểm đầu tiên Trung Quốc đặt giàn khoan cách đảo Tri Tôn 17 hải lý, cách đảo Lý Sơn 20 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan sau đó có lùi về hướng đông nam nhưng vẫn nằm sâu gần 60 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trung Quốc sử dụng cả tàu cá vỏ sắt khối lượng giãn nước 400-500 tấn quần đảo cả khu vực. Trung Quốc cũng đưa 6 loại tàu chiến vào hạng hiện đại của nước này tới khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc còn huy động máy bay các loại hoạt động thường xuyên trong khu vực (máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu, máy bay tuần tiễu biển…). Ngày cao điểm 27/5 Trung Quốc dùng 9 chiếc máy bay để hộ tống giàn khoan di chuyển đến khu vực hạ đặt mới.

Trung Quốc tổ chức nhiều vòng bảo vệ giàn khoan, vòng 1 trong khoảng 1-2 hải lý là tàu vận tải hạng nặng, vòng 2 là tàu hải giám, hải cảnh, vòng 3 là tàu chiến và tàu cá. Trung Quốc chia tàu thành các nhóm thường xuyên bám sát các tài Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam.

Khi thấy tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư áp sát thì Trung Quốc lập tức cho tàu quây đến tấn công, ngăn chặn tàu Việt Nam làm nhiệm vụ. Ngoài tổ chức đâm va và phun nước, Trung Quốc còn sử dụng thiết bị sóng âm tần phát về phía tàu Việt Nam, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý những người trên tàu.

Thời gian từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan đến nay, các tàu của nước này đã đâm va, gây hư hỏng cho tổng số 24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam (7 tàu Kiểm ngư, 5 tàu Cảnh sát biển). Một tàu Trung Quốc đã đâm thẳng tàu CSB 2016 của Việt Nam làm thủng 4 chỗ trên thân tàu, đặc biệt nguy hiểm vì chỉ cần thấp hơn chút nữa sẽ làm nước tràn vào, gây chìm tàu.

Trung Quốc ngang nhiên xuyên tạc, bóp méo sự thật ảnh 2 Nhà báo quốc tế đặt câu hỏi tại buổi họp. Ảnh: Như Ý

Tại buổi họp báo, ông Hà Lê - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) trình bày về hoạt động của lực lượng Kiểm ngư trên thực địa. Đến thời điểm này đã có 19 tàu Kiểm ngư bị đâm, va gây hư hỏng, làm 12 Kiểm ngư viên bị thương. Việc Trung Quốc uy hiếp và đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng trên biển được ông Lê nhận định là hết sức nghiêm trọng. Thực tế đã có 12 tàu cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc cản trở đe dọa và hành xử hết sức thô bạo.

Ngày 7/5, tàu cá Việt Nam đang khai thác ở vị trí cách giàn khoan trái phép của Trung Quốc 70 hải lý, thì bị tàu chiến Trung Quốc truy đuổi, tàu ngư chính đâm trực diện vào phần đuôi. Ngày 9/5, một tàu cá của Quảng Ngãi đang khai thác ở vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu ngư chính Trung Quốc tấn công, hành hung ngư dân Việt Nam, cướp ngư cụ.

Đặc biệt nghiệm trọng là vụ việc xảy ra vào ngày 26/5, khi tàu cá ĐNA 90152 với 10 ngư dân, đang đánh bắt ở khu vực cách giàn khoan khoảng 17 hải lý thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Đoạn clip được chiếu tại buổi họp báo cho thấy tàu Trung Quốc cố tình đâm tàu cá Việt Nam đến chìm mới thôi.

Tại phần hỏi đáp:

- Tiền Phong đặt câu hỏi: Giàn khoan Trung Quốc đã được di chuyển nhiều lần. Mục đích di chuyển giàn khoan của Trung Quốc là gì? 

+ Ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam: Việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan sau lần hạ đặt đầu tiên, việc định vị giàn khoan vào đúng vị trí để có thể khoan được là chuyện bình thường. Lần di chuyển gần đây vị trí của giàn khoan là ổn định và vẫn đang nằm sâu trong vùng biển Việt Nam.

+ Ông Lê Hải Bình: Dù di chuyển như thế nào, vị trí giàn khoan Hải Dương vẫn nằm trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Hành vi đặt hạ giàn khoan của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

- Thông tấn xã Việt Nam: SOM ASEAN và SOM ASEAN + 3 sắp diễn ra. Vấn đề Biển Đông có được đưa vào chương trình nghị sự của các Hội nghị này?

 + Ông Lê Hải Bình: Tại diễn đàn này, các nước sẽ kiểm điểm để thực hiện lộ trình tiến tới cộng đồng ASEAN, xây dựng lòng tin trong khu vực… Đoàn Việt Nam sẽ do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phạm Quang Vinh dẫn đầu tham dự. Tất cả những vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải khu vực sẽ được bàn thảo tại đây. Vấn đề biển Đông cũng sẽ được bàn thảo trong các hội nghị này ở mức độ phù hợp.

- Báo Đời sống Pháp luật: Có thông tin cho rằng Trung Quốc đang chế tạo giàn khoan 982. Phản ứng của Việt Nam về thông tin này như thế nào?

+ Ông Lê Hải Bình: Việc Trung Quốc chế tạo 7 hay 10 giàn khoan không quan trọng. Điều quan trọng là họ có đặt nhưng giàn khoan đó vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam hay không.

- VTC10: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo gần đây, tuyên bố rằng Việt Nam đưa nhiều tàu, trong đó có tàu vũ trang đến ngăn cản tàu Trung Quốc. Đặc biệt tàu Việt Nam có hơn 120 lần đâm va tàu Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã cho lưu hành tại Liên hợp quốc tài liệu về giàn khoan. Việt Nam có phản ứng như thế nào?

+ Ông Trần Duy Hải: Thực chất nội dung công hàm Trung Quốc lưu hành ở Liên hợp quốc và phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh đều xuyên tạc sự thực. Họ không đưa ra được hình ảnh nào cho thấy tàu Việt Nam đâm va tàu Trung Quốc. Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ công hàm của Trung Quốc tại Liên hợp quốc và phát ngôn của bà Hoa Xuân Oánh. Việc tàu Trung Quốc đâm va tàu Việt Nam cũng đã được phương tiện truyền thông Trung Quốc phát đi rộng rãi. Việt Nam chỉ có tàu dân sự hoạt động tại khu vực này.

- Báo Tuổi Trẻ: Trung Quốc không hề có dấu hiệu xuống thang căng thẳng, Việt Nam cần phải tiến hành thêm giải pháp gì để đấu tranh? Chính phủ Việt Nam có ủng hộ ý kiến của Hiệp hội nghề cá Đà Nẵng sẽ kiện tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam ra tòa trong nước?

+ Ông Trần Duy Hải: Trong hơn một tháng qua, Việt Nam đã nỗ lực ngoại giao để giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông nhưng đến nay Trung Quốc vẫn bất chấp tất cả. Việt Nam sẽ kiên trì đấu tranh thông qua biện pháp hòa bình.

Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao hơn nữa với Trung Quốc, đồng thời cân nhắc đến giải pháp tiếp theo để giải quyết vấn đề.

Vừa qua, cộng đồng quốc tế đã có những tiếng nói mạnh mẽ phản đối những hành động sai trái của Trung Quốc ở biển Đông. Tiếng nói của cộng đồng quốc tế sẽ có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn những hành động leo thang mới của Trung Quốc. Chúng tôi mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án mạnh mẽ hơn nữa.

Nếu Hiệp hội nghề cá kiện tàu Trung Quốc thì đây chỉ vụ kiện dân sự. Trong khi trên thực tế, hành động của tàu Trung Quốc lần này vi phạm chủ quyền Việt Nam. Nên kiện tàu Trung Quốc ra tòa trong nước sẽ không đảm bảo được đầy đủ quyền và lợi ích của Việt Nam.

- Hãng tin Kyodo: Lãnh đạo G7 vừa ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại về tình hình căng thẳng ở biển Đông và Hoa Đông, đồng thời phản đối dùng vũ lực, kêu gọi giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Quan điểm của Việt Nam về những tuyên bố của G7?

+ Chúng tôi hoan nghênh việc lãnh đạo của G7 ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những căng thẳng ở biển Đông và Hoa Đông, đồng thời phản đối hành vi đơn phương của một nước khẳng định tuyên bố chủ quyền bằng vũ lực. Chúng tôi mong muốn các quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

- Tiền Phong: Trong thời gian tới, lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc có cuộc tiếp xúc nào để giải quyết tình hình hay không?

+ Ông Lê Hải Bình: Việt Nam vẫn kiên trì biện pháp đối thoại và đấu tranh hòa bình. Như theo tôi được biết, trong thời gian tới, chưa có cuộc tiếp xúc cấp cao nào được ấn định giữa lãnh đạo hai bên.

Trung Quốc ngang nhiên xuyên tạc, bóp méo sự thật ảnh 3 Ông Lê Hải Bình. Ảnh: Như Ý.

- Báo điện tử VN Express: Trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, nhiều ý kiến lo ngại về cái gọi là sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Xin ông Trần Duy Hải cho ý kiến?

+ Ông Trần Duy Hải: Những việc làm của Trung Quốc ở biển Đông trong thời gian qua, nhất là việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc. Phản ứng của cộng đồng quốc tế cho thấy sự bất bình. Chính sách ngoại giao hòa bình của Trung Quốc chỉ là lời nói. Còn những hành động của họ đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải, khiến cộng đồng quốc tế không thể tin vào những lời nói suông của họ.

MỚI - NÓNG