Trong hơn 2 tháng qua, Bắc Kinh cử chuyên gia y tế đến 16 nước để chia sẻ kiến thức và chuyên môn với các quan chức và nhân viên y tế về điều trị cho bệnh nhân và khống chế virus lây lan. Trong hầu hết trường hợp, những nhóm chuyên gia đó thường đi cùng các lô hàng y tế, gồm dụng cụ xét nghiệm và đồ bảo hộ cá nhân.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh đã cung cấp thiết bị và đồ dùng y tế cho hơn 125 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế, tổ chức 70 hội nghị trực tuyến với các chuyên gia từ hơn 150 nước.
Hôm 23/4, Bắc Kinh góp thêm 30 triệu USD cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau khi đã đóng 20 triệu USD vào đầu tháng 3, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/4 tuyên bố dừng đóng góp của Mỹ cho tổ chức này.
“Trung Quốc muốn thể hiện rằng họ có thể đóng vai trò dẫn đầu, vai trò mà Mỹ có vẻ không muốn đảm nhận trong thời điểm này”, Ilaria Carroza, điều phối viên dự án tại Viện Nghiên cứu hoà bình ở Oslo, Na Uy, đánh giá.
“Tín hiệu từ Bắc Kinh có thể là Trung Quốc luôn có mặt và luôn hỗ trợ các nước có nhu cậu”, bà Carroza nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 13/4 nói rằng các nhóm y tế được cử đi “theo đề nghị của các nước liên quan” và sau khi “cân nhắc tình hình đại dịch và nhu cầu trên thực tế”.
“Chúng tôi sẵn sàng gửi thêm chuyên gia y tế đến các nước có yêu cầu dựa trên tình hình dịch bệnh ở các nước và sự cần thiết phải khống chế dịch bệnh”, ông Triệu nói.
PGS Nicholas Thomas, công tác tại Khoa châu Á và Nghiên cứu quốc tế tại Trường Khoa học xã hội thuộc ĐH Thành thị Hong Kong, cho rằng Trung Quốc đang sẵn sàng lấp vào khoảng trống từng là chỗ của Mỹ.
“Mỹ, quốc gia từng đóng vai trò quan trọng trong y tế toàn cầu không phải đang lùi lại, mà họ gần như đã suy sụp vào thời điểm này”, ông Thomas nói.
Mỹ đã có hơn 890.000 người mắc và hơn 51.000 ca tử vong vì COVID-19. Ông Thomas cho rằng Trung Quốc là nước đầu tiên khống chế được COVID-19 nên đang được hưởng lợi thế của nước đi đầu.
Các nhóm chuyên gia y tế mà Trung Quốc cử đến Nga, Kazakhstan, Philippines, Pakistan, Campuchia, Malaysia, Ả-rập Xê-út, Lào, Myanmar, Iraq, Iran, Ethiopia, Burkina Faso, Serbia, Italy và Venezuela cũng hy vọng mang lại kết quả tương tự ở Trung Quốc.
Trung Quốc làm như vậy không chỉ để giúp người, mà còn là giúp chính mình. “Nếu Trung Quốc không ra ngoài và giúp các nước khác dập dịch, COVID-19 sẽ quay lại tấn công Trung Quốc lần nữa”, ông Daniel Lynch, giáo sư công tác tại ĐH Thành thị Hong Kong, đánh giá.
Khoảng một nửa số quốc gia Trung Quốc cử chuyên gia y tế đến là đối tác của Bắc Kinh trong sáng kiến Vành đai Con đường, một kế hoạch trị giá nhiều tỷ đô la mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên kế hoạch nhằm thúc đẩy thương mại và phát triển hạ tầng từ châu Á đến châu Âu và châu Phi.
Elisa Gambino, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Edinburgh, cho rằng Trung Quốc giúp các nước chống COVID-19 là cách Bắc Kinh bảo vệ lợi ích lâu dài của họ.
“Góp phần dập COVID-19 ở các nước chủ chốt dọc sáng kiến Vành đai Con đường cũng là cách bảo đảm cho sự hiện diện của các công ty và đầu tư của Trung Quốc”, bà Gambino nói.
Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu ở Washington, cho rằng sự hào phóng của Trung Quốc có thể cũng bắt nguồn từ cảm giác tội lỗi, đặc biệt trong trường hợp của Italy, nơi có hơn 26.000 người chết vì COVID-19, nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào.
Kết quả đáng buồn đó xảy ra dù Italy là nước đầu tiên cấm hoàn toàn các chuyến bay từ Trung Quốc bắt đầu từ cuối tháng 1, sau khi một cặp đôi người Trung Quốc ở Rome được xác định dương tính với virus corona.
Ngày 7/2, Xinhua đưa tin Rome đồng ý cho phép thực hiện một số chuyến bay đưa công dân Trung Quốc mắc kẹt ở Italy về nước.
“Tôi không tin Trung Quốc không cảm thấy tội lỗi chút nào khi nghĩ về giai đoạn lịch sử này và hậu quả mà Italy phải gánh chịu”, ông Yun nói.
Bắc Kinh đã cử 3 nhóm chuyên gia y tế đến Italy cùng với 31 tấn hàng hoá y tế.
Francoise Nicolas, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á tại Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Paris, nói rằng dù Trung Quốc muốn được nhìn nhận như một cường quốc có trách nhiệm, nhưng riêng việc gửi hàng y tế sẽ không làm thay đổi hình ảnh của họ trên trường quốc tế.
“Họ đang cố gắng khiến thế giới quên đi sai lầm lớn ban đầu khi che giấu dịch bệnh”, bà nói.
Nhà nghiên cứu này cho rằng việc các nhà ngoại giao Trung Quốc hiện nay quyết liệt đáp trả những chỉ trích nhằm vào Bắc Kinh sẽ chỉ phản tác dụng.
“Sử dụng kiểu đáp trả quyết liệt có thể hoàn toàn phản tác dụng và phá huỷ những hiệu quả tích cực có thể đạt được từ việc cử chuyên gia và gửi đồ y tế cho các nước”, bà Nicholas nhận định.