Trung Quốc làm gì với tàu chiến đã loại biên?

Từ tàu Đồng Lăng trở thành tàu tuần tra P625
Từ tàu Đồng Lăng trở thành tàu tuần tra P625
TPO - Hải quân Trung Quốc hiện nay có tốc độ đóng mới tàu chiến thuộc hàng số 1 thế giới với vài chục con tàu được biên chế mỗi năm. Và cũng có hàng chục tàu chiến mỗi năm bị loại biên. Họ làm gì với những con tàu cũ này?

Chỉ cách đây ít giờ, tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải diễn ra lễ bàn giao một tàu chiến cho hải quân Sri Lanka. Tàu này trước đó phục vụ trong hải quân Trung Quốc, theo tường thuật của  trang tin chuyên về hải quân Naval Today.

Theo tờ báo này, đây là chiếc khinh hạm Đồng Lăng thuộc lớp tàu Dự án 053H2G (lớp Giang Vệ-1). Nó đã phục vụ trong hải quân Trung Quốc 21 năm, từ 1994-2015, sau đó được niêm cất. Cuối năm 2018, Trung Quốc quyết định chuyển giao nó cho hải quân Sri Lanka. Sau đó nó được tân trang và sơn số hiệu mới-P625.

Hải quân Sri Lanka xếp tàu này vào đội tàu tuần tra của họ. Tàu P625 sẽ lên đường về Sri Lanka vào ngày 14/6 và đến nơi theo dự kiến là cuối tháng 6.

Trung Quốc làm gì với tàu chiến đã loại biên? ảnh 1 Hải quân Sri Lanka nhận bàn giao con tàu từ Trung Quốc

Nhưng vì sao lại là Sri Lanka? Cần ghi nhớ rằng  bấy lâu nay Trung Quốc vẫn muốn củng cố và mở rộng quan hệ quân sự, kinh tế, chính trị và ngoại giao với các nước ở khu vực Ấn Độ Dương và việc này khiến Ấn Độ lo lắng: New Delhi đang e ngại bị Trung Quốc “bao vây” bới các đồng minh của Bắc Kinh tham gia sáng kiến phát triển hạ tầng “Một vành đai, một con đường”. Các quan chức ngoại giao và quân sự Ấn Độ tuy không công khai bình luận về việc Trung Quốc chuyển giao tàu chiến cho Sri Lanka nhưng đã “kín đáo” bày tỏ sự quan ngại trước diễn tiến này.

Tuần trước, hải quân Sri Lanka đã đưa vào phục vụ tàu tuần tra P626 "Gadjabahu" thuộc lớp tàu Hamilton của Mỹ. Tàu này cũng có trong biên chế của hải quân Philippines và cảnh sát biển Việt Nam.

Trở lại với con tàu Trung Quốc. Lượng choán nước của lớp tàu 053H2G là 2.400 tấn, dài 112m, chỗ rộng nhất 12,4m. Nó có tốc độ tối đa 28 knot (51,8km/h), tầm hoạt động 8.000km ở tốc độ 30km/h. Thủy thủ đoàn 168 người, trong đó có 30 sỹ quan.

Về trang bị vũ khí: tên lửa chống hạm YJ-83, tên lửa phòng không HQ-61, pháo hai nòng 100mm, bốn tổ hợp pháo 37mm 76A, hai ống phóng ngư lôi cỡ 324mm. Trên tàu có một trực thăng đa nhiệm.

Theo trang web của quân đội Trung Quốc (PLA), gần đây hạm đội tàu khu trục thuộc Bộ tư lệnh Phương Bắc của hải quân Trung Quốc (PLAN) vừa tổ chức “ cho về vườn” bốn tàu khu trục tên lửa thế hế đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo bao gồm tàu khu trục tên lửa dẫn đường Khai Phong (số hiệu 109), Đại Liên (số hiệu (110), Tuân Nghĩa (số hiệu 134) và tàu Quế Lâm (số hiệu 164) tại một quân cảng ở Lữ Thuận, Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.

Cả bốn tàu này đã phục vụ trong quân đội Trung Quốc hơn 30 năm. Đây là các lớp tàu khu trục tên lửa đầu tiên thuộc hàng lớn và vừa được Trung Quốc tự phát triển và chế tạo. Thời điểm các tàu này ra đời, trong hải quân Trung Quốc có một số tàu hạng nặng do Liên Xô phát triển và chế tạo.

Chưa rõ các tàu khu trục này sau khi bị loại biên sẽ được Trung Quốc sử dụng vào việc gì, niêm cất dự trữ hay chuyển giao cho một nước đồng minh. Nhưng với tốc độ loại biên hàng chục tàu mỗi năm, chắc chắn họ sẽ phải tính toán, cân nhắc để sử dụng số tàu này sao cho có lợi nhất kể cả về kinh tế lẫn chiến lược, chiến thuật.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.