Cách chính quyền Malaysia xử lý cuộc khủng hoảng “khá vụng về”, nhưng thân nhân các hành khách Trung Quốc trên chuyến bay MH370 phải tránh dùng “những lời lẽ và hành vi vô lý”, đồng thời chấp nhận sự thật và chuẩn bị tang lễ cho người thân của mình, báo nhà nước Trung Quốc vừa khuyên gia đình các hành khách trên máy bay mất tích.
Gần 30 người thân của các nạn nhân Trung Quốc bay từ Bắc Kinh đến Kuala Lumpur hôm 30/3 để phản đối chính phủ Malaysia về cách họ xử lý vụ mất tích. Trong một cuộc họp báo, họ giương nhiều khẩu hiệu phản đối, như “Hãy giao cho chúng tôi kẻ sát nhân!”, “Nói cho chúng tôi sự thật!”, “Trả lại người thân cho chúng tôi!”…
Bài xã luận dài trên báo China Daily hôm 31/3 cảnh báo “những lời lẽ và hành vi vô lý” có thể làm hại “lợi ích quốc gia của Trung Quốc, khiến tất cả người dân Trung Quốc phải trả giá cho thảm kịch”. “Bất kể chúng ta đau khổ như thế nào và còn bao nhiêu điều chưa sáng tỏ, rõ ràng là chuyến bay MH370 đã đâm xuống Ấn Độ Dương và không ai trên khoang sống sót”, bài xã luận viết.
Ngoài gia đình những người mất tích, nhiều ngôi sao trong làng giải trí Trung Quốc cũng công khai lên án chính phủ Malaysia trên các mạng xã hội, thậm chí kêu gọi tẩy chay du lịch Malaysia.
Trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo An ninh Trung Quốc, chuyên gia phân tích bất động sản Zhang Dawei nói rằng “một tỷ lệ lớn” nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc đã ngừng kế hoạch đầu tư vào Malaysia để phản đối.
Các gia đình muốn lãnh đạo Malaysia “xin lỗi vì kết luận hôm 24/3 mà không có bằng chứng trực tiếp hoặc cảm giác trách nhiệm, rằng chiếc máy bay đã bị phá hủy và mọi người trên khoang đều chết”.
Hôm 24/3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo “với sự đau buồn và tiếc nuối sâu sắc” rằng dữ liệu cho thấy chuyến bay đã “kết thúc hành trình ở nam Ấn Độ Dương”. Báo China Daily nói rằng, gia đình các nạn nhân giờ nên chấp nhận kết luận đó và chuẩn bị làm tang lễ cho người thân của họ.
Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein hôm qua nói rằng, chính phủ nước này sẽ sớm tổ chức họp với các gia đình nạn nhân để cập nhật thông tin và để các chuyên gia quốc tế giải thích về quá trình nghiên cứu, xử lý dữ liệu trong chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích. Cuộc họp này sẽ được truyền hình trực tiếp cho các gia đình ở Bắc Kinh xem, ông Hussein cho biết.
Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm 31/3 nói rằng, lực lượng tìm kiếm ở nam Ấn Độ Dương không đặt ra giới hạn thời gian nào cho chiến dịch, báo Úc The Age đưa tin.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm trong thời gian tới”, ông Abobott nói. 10 máy bay và 11 tàu vẫn đang sục sạo vùng biển phía tây thành phố Perth để vớt các mảnh vỡ nghi của máy bay mất tích.
Thiết bị định vị đặc biệt sẽ được sử dụng tại khu vực này nếu có mảnh vỡ nào được xác định là của MH370. Nhiều vật nổi đã được vớt lên trong vài ngày qua, nhưng chưa vật nào được xác nhận là của máy bay mất tích.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein vừa khẳng định MH370 là “chuyến bay bình thường” và “không có bằng chứng cho thấy máy bay bị khủng bố”, Reuters đưa tin.