Trung Quốc hung hăng hơn ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc. Ảnh: Getty
Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc. Ảnh: Getty
TP - Ngoại trưởng Philippines và người đồng cấp Mỹ mới đây có những lời lẽ nặng nề dành cho Trung Quốc sau khi nước này có những hành động phi pháp, ngày càng hung hăng ở Biển Đông.

"Trung Quốc, bạn tôi, tôi nói thế nào cho lịch sự nhỉ? Để tôi xem… Ồ… Hãy biến khỏi đây đi”, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin viết trên Twitter hôm 2/5. Ngoại trưởng Locsin thường dùng ngôn từ mạnh mẽ trên Twitter. Về tuyên bố này, ông nói: “Những phát ngôn ngoại giao ngọt ngào thông thường chẳng đem lại hiệu quả gì”.

Xích mích mới nhất giữa Manila và Bắc Kinh bùng phát hồi tháng 3 sau khi hàng trăm tàu thuyền Trung Quốc hoạt động phi pháp ở Biển Đông, Japan Times đưa tin ngày 3/5. Căng thẳng gia tăng khi Manila tăng cường tuần tra biển trong khu vực. Bộ Ngoại giao Philippines cáo buộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc có “các hành động hiếu chiến” đối với các tàu thuyền của Philippines tham gia tuần tra và huấn luyện gần bãi cạn Scarborough hồi tháng trước. Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng, họ đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc về vụ việc này và tuyên bố, việc tàu thuyền Trung Quốc hiện diện trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là một “sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Philippines”.

Bãi cạn Scarborough cách đảo Luzon của Philippines khoảng 240 km về phía Tây. Trung Quốc chiếm bãi cạn này năm 2012 và sau đó phớt lờ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế. Năm 2016, Tòa trọng tài thường trực phán quyết rằng, Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông, không có cơ sở pháp lý cho cái gọi là “đường chín đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và là thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS”.

Trung Quốc hung hăng hơn ở nước ngoài

Trong cuộc phỏng vấn được phát sóng trên CBS News hôm 2/5, Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken nói rằng, Trung Quốc gần đây “hung hăng hơn ở nước ngoài” và hành xử “ngày càng theo cách đối đầu đối thủ”. Trong chương trình “60 Minutes” của đài truyền hình Mỹ, người dẫn chương trình hỏi Ngoại trưởng Blinken rằng, liệu Washington có đang hướng tới một cuộc đương đầu quân sự với Bắc Kinh. Ông Blinken đáp: “Nếu đến mức đó, thậm chí đi theo hướng đó, cũng đã là hoàn toàn đi ngược lại lợi ích của cả Trung Quốc và Mỹ”. Ông nói thêm: “Điều mà chúng ta chứng kiến mấy năm qua là Trung Quốc hành động áp chế hơn ở trong nước và hung hăng hơn ở nước ngoài. Đó là một thực tế”.

Trong buổi phỏng vấn, Ngoại trưởng Blinken nói rằng, Mỹ hành động không nhằm “kiềm chế Trung Quốc” mà là “ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ” mà Trung Quốc đang thách thức. “Khi bất kỳ ai thách thức trật tự đó, chúng ta sẽ đứng lên và bảo vệ nó”, ông nói. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác định cạnh tranh với Trung Quốc là thách thức đối ngoại lớn nhất của chính quyền của ông. Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ hôm 28/4, Tổng thống Biden cam kết duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của quân đội Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tăng cường phát triển công nghệ Mỹ.

Hôm 9/4, ABS-CBN đưa tin, một ngày trước đó, các tàu quân sự Trung Quốc truy đuổi một tàu Philippines chở dân thường và nhà báo đang đi trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trước đó, khoảng 200 tàu dân quân biển của Trung Quốc tập trung ở đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Mỹ đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tới Biển Đông. Ngày 9/4, South China Morning Post đưa tin, Mỹ cũng triển khai tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island; tàu này tới Biển Đông qua eo biển Malacca. Phía Mỹ tuyên bố các hoạt động hải quân mới nhất của họ là theo thông lệ và phù hợp nguyên tắc tự do hàng hải.

Tàu sân bay Sơn Đông tập trận ở Biển Đông

Nhóm tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc gần đây tập trận ở Biển Đông, South China Morning Post dẫn tuyên bố hôm 2/5 của quân đội Trung Quốc. Kể từ đầu năm nay, đây là đợt tập trận đầu tiên của Sơn Đông ở Biển Đông. Sơn Đông là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, gia nhập hải quân năm 2019. Sơn Đông là một trong hai tàu sân bay của Trung Quốc; chiếc cũ hơn là Liêu Ninh.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.