Trung Quốc: Dịch cúm gia cầm nghiêm trọng bất thường

Tiêu hủy gà chết do dịch cúm gia cầm.
Tiêu hủy gà chết do dịch cúm gia cầm.
TP - Tình hình dịch cúm gia cầm với virus H7N9 gây chết người ở Trung Quốc hiện được ví với dịch SARS hồi 2002-2003; tốc độ lây lan được coi là nghiêm trọng nhất xưa nay.

Ba năm trước, có tổng cộng 319 người nhiễm; riêng mùa dịch năm nay đã có tới 356 ca và đang mỗi ngày một tăng. Dư luận xã hội yêu cầu ngành y tế Trung Quốc kịp thời cập nhật tình hình dịch bệnh, có những biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn và dập dịch.

Theo thông báo chính thức của cơ quan phòng dịch, chỉ trong 1 tuần từ ngày 6 đến 12/2 đã có thêm 61 ca mắc bệnh, trong đó, 8 người tử vong. Ngày 14/2, Cục Khống chế, dự phòng bệnh tật trực thuộc Ủy ban Y tế và Sinh đẻ kế hoạch Trung Quốc (Bộ Y tế trước đây) cho biết, chỉ trong tháng 1, số người nhiễm bệnh ở Trung Quốc đại lục là 192, trong đó có 79 ca tử vong. Từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 12/2016, cả nước có 356 người nhiễm virus H7N9, trong đó có 106 ca tử vong. Nếu tính từ tháng 11/2016 thì số ca nhiễm bệnh là 419, cao hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm.

Cấm mua bán gia cầm

Tình hình dịch bệnh được coi là bất thường khi số người nhiễm virus H7N9 và số ca tử vong đều tăng chóng mặt. Tháng 12/2016, có 20 người chết/106 người nhiễm. Tháng 1/2017, có 79 người chết/192 người nhiễm. Từ đầu năm đến nay đã có 16 tỉnh, thành phố báo cáo có các ca nhiễm H7N9, trong đó Giang Tô nghiêm trọng nhất với 12 người chết/49 người nhiễm trong tháng 1/2017. Do tình hình dịch bệnh và số người nhiễm bệnh ở Chiết Giang, Hồ Nam, Tứ Xuyên và Quảng Đông đang gia tăng, nên chính quyền các địa phương này đã cấm mua bán gia cầm trên thị trường. Các địa phương đang ráo riết thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và khoanh vùng, dập dịch.

Tại Chu Hải (Quảng Đông), Cục Y tế thành phố cho biết, sau khi phát hiện virus H7N9 tại các mẫu gia cầm ở 2 chợ dân sinh, chính quyền đã ra lệnh đóng cửa chợ 3 ngày kể từ 15/2. Thành phố Phật Sơn ra lệnh đóng cửa các chợ bán gia cầm sống trong 7 ngày, từ 15 đến 22/2. Tại Quảng Tây, ngày 8/2 phát hiện 1 ổ dịch tại Mã Gia Thôn, huyện Linh Xuyên, gần 10 ngàn con gà thịt bị chết đồng loạt. Thông tin này chỉ được biết đến khi nó được một người đưa lên mạng xã hội WeChat.

Thành phố Quảng Châu ban đầu chỉ định cấm các chợ gia cầm bán gà sống trong 3 ngày, nhưng sau điều chỉnh đến hết tháng 2. Ngày 16/2 là ngày đầu tiên thực hiện “lệnh cấm gà”, nhưng các tiểu thương đã không tuân thủ bằng cách “sơ tán” gà còn sống vào các ngõ phía sau khu chợ, lực lượng tuần tra cũng chưa tịch thu, xử lý được.

An Huy là nơi dịch bệnh khá nặng, từ đầu năm đến nay đã có hơn 40 ca nhiễm H7N9, 20 người đã chết, tình hình dịch bệnh vẫn có chiều hướng gia tăng. Chính quyền tỉnh đã ra lệnh đóng cửa hoàn toàn các chợ gia cầm sống. Tỉnh Giang Tây từ đầu năm đến ngày 12/2 đã phát hiện 28 ca nhiễm H7N9, trong đó có 7 người tử vong. Tỉnh cũng áp dụng biện pháp đóng cửa chợ gia cầm sống hoặc cấm giết mổ tại chợ từ 3 đến 10 ngày đối với từng khu vực cụ thể.

Chiết Giang trong tháng 1/2017 đã có 35 trường hợp nhiễm, 11 người chết vì virus H7N9; phần lớn bệnh nhân nhiễm bệnh do tiếp xúc với gia cầm sống. Các bệnh nhân nhiễm virus H7N9 ở Hàng Châu ở rải rác 9 quận, huyện, cho thấy dịch bệnh đang lây lan. Từ mùa Thu năm ngoái đến nay, số người nhiễm và địa bàn xuất hiện H7N9 ở Hàng Châu mỗi ngày một tăng. Toàn bộ tỉnh Chiết Giang đã cấm bán gia cầm sống.

Tỉnh Hồ Bắc tính đến ngày 13/2 đã phát hiện 22 ca nhiễm, trong đó gần một nửa ở thành phố Vũ Hán. Từ ngày 14/2, Vũ Hán đóng cửa toàn bộ 445 chợ mua bán gia cầm và tiêu hủy 26 ngàn con gia cầm đang nuôi tại các trang trại.

Lây lan sang Hong Kong

Trung tâm Y tế phòng dịch Hong Kong cho biết, đã phát hiện vụ việc virus H7N9 từ Quảng Đông lây truyền sang Hong Kong, Macao. Ông Hoàng Gia Khánh, người phụ trách trung tâm này, cho biết, trong tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay có 4 ca nhiễm virus H7N9 từ đại lục truyền sang Hong Kong, 2 người đã chết. Chính quyền Hong Kong đã họp bàn các biện pháp đối phó, trong đó có việc nhập khẩn cấp bộ xét nghiệm nhanh (PCR test) và tăng cường kiểm tra đột xuất các trang trại, nâng số lượng mẫu môi trường lấy từ các nông trại. Trung tâm An toàn thực phẩm Hong Kong cảnh báo dân chúng không được mang gia cầm sống hoặc thịt gia cầm đông lạnh nhập cảnh và thông báo sẽ phối hợp với hải quan áp dụng các biện pháp
cưỡng chế.

Virus H7N9 xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 3/2013. Các chuyên gia nhấn mạnh, H7N9 đã truyền từ động vật sang người, hiện vẫn chưa phát hiện virus này lây từ người sang người. Vì vậy, vấn đề then chốt trong ngăn chặn dịch lây lan là con người không được tiếp xúc với gia cầm mang mầm bệnh. Nhưng đây là vấn đề đặc biệt khó khăn, nhất là trong bối cảnh trong mùa Đông và mùa Xuân, tốc độ lan truyền bệnh rất nhanh so với các mùa khác. Trung tâm Khống chế, dự phòng bệnh dịch cho biết, khoảng 90% số người mắc bệnh từng tiếp xúc với gia cầm sống, phần lớn họ đều lui tới chợ bán gia cầm sống.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.