PGS Li Mingjiang của Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore nói rằng, Trung Quốc đang muốn xóa bỏ hình ảnh hung hăng của mình, nhưng không thuyết phục được các nước láng giềng, báo South China Morning Post của Hong Kong đưa tin ngày 29/6. “Đang tồn tại một nhận thức rằng, những gì Trung Quốc làm khác xa những gì họ nói”, PGS Li nêu rõ.
Theo PGS Li, Trung Quốc muốn đóng một vai trò an ninh lớn hơn tại châu Á-Thái Bình Dương, nhưng mục tiêu này dẫn tới xung đột với Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cập Bình mới đây khẳng định, Trung Quốc không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ dù nước này mạnh cỡ nào.
Một lần nữa, ông Tập Cận Bình tuyên bố “bá quyền hay chủ nghĩa quân phiệt không có trong gien người Trung Quốc. Trung Quốc sẽ kiên định theo đuổi mục tiêu phát triển hòa bình bởi vì điều đó tốt cho Trung Quốc, tốt cho châu Á và tốt cho thế giới”. Tuy nhiên, cuối tuần qua, Xinhua lại dẫn lời chính ông Tập kêu gọi đẩy mạnh củng cố biên giới, đặc biệt là trên biển, không quên “sự sỉ nhục của lịch sử”.
Hãng tin Anh Reuters bình luận, trước các hành động gần đây của Trung Quốc trên thực tế, châu Á khó mà có lòng tin vào ý định hoặc tuyên bố của Trung Quốc là thực sự mong muốn hòa bình.
Lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố, “không được xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, “phản đối việc xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các nước khác”, “không ai có quyền hy sinh an ninh của các dân tộc khác vì an ninh tuyệt đối của riêng mình”… Ông Tập phát biểu như vậy khi tiếp Tổng thống Myanmar Thein Sein và Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari khi hai lãnh đạo láng giềng sang Trung Quốc tham dự kỷ niệm 60 năm ký kết thỏa thuận 5 nguyên tắc chung sống hòa bình. Ông Tập sử dụng cơ hội này để tuyên truyền phương hướng ngoại giao của Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc đã và đang có nhiều động thái xâm phạm chủ quyền của nước khác.
Ông Tập không nhắc đến tình hình tranh chấp lãnh thổ đang leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng như Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ, Việt Nam. Các nhà quan sát cho rằng, phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh không thừa nhận mình là người gây ra tình trạng căng thẳng hiện nay trong khu vực.
Nhật tăng cường bảo vệ đảo tranh chấp
Trang tin Want China Times (Đài Loan) dẫn nguồn truyền thông Nhật Bản nói rằng, quân đội Trung Quốc sẽ bị đánh bại nếu Mỹ sát cánh cùng Nhật Bản trong trường hợp xung đột Trung - Nhật nổ ra tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Theo Đại cương phòng vệ quốc gia mới của Nhật Bản, một đơn vị chiến đấu đổ bộ gồm 3.000 binh sĩ được thành lập để bảo vệ các hòn đảo tranh chấp khỏi một cuộc tấn công tiềm tàng từ phía Trung Quốc. Tokyo cũng đã đặt mua 52 xe lội nước tấn công AAV7 và các máy bay trực thăng cánh xoay V-22 Osprey của Mỹ để trang bị cho đơn vị chiến đấu này.
Truyền thông Nhật Bản phán đoán, Trung Quốc sẽ triển khai cả ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải nhằm phong tỏa Senkaku/Điếu Ngư, khi đó Tokyo sẽ cần tới sự trợ giúp của Washington. Nếu Mỹ can thiệp, các địa phương ven biển của Trung Quốc như Thượng Hải, Hong Kong, Đại Liên… sẽ bị tàu ngầm Mỹ phong tỏa, tấn công. Với sự giúp sức của Mỹ, Nhật Bản sẽ triển khai biên đội chiến hạm số 2 đóng ở Sasebo và biên đội chiến hạm số 4 đóng tại Kure được trang bị các tàu khu trục tên lửa lớp Kongo tới đương đầu hải quân Trung Quốc. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc sẽ bị các tàu ngầm tối tân lớp Soryu và Oyashio của Nhật Bản khắc chế, truyền thông Nhật Bản nhận định.
Ấn Độ phản đối bản đồ phi pháp của Trung Quốc
Truyền thông Ấn Độ ngày 28/6 lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc vừa công bố bản đồ mới, trong đó thể hiện Arunachal Pradesh, bang Đông Bắc Ấn Độ, như một phần thuộc Tây Tạng. Báo India Today trích truyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định: Arunachal Pradesh là bộ phận không thể tách rời của Ấn Độ, vấn đề này đã được Ấn Độ nhiều lần chuyển tải đến chính quyền Trung Quốc. Thủ hiến bang Arunachal Pradesh, ông Nabam Tuki, phát biểu: “Chúng tôi phản đối và lên án tuyên bố chủ quyền (của Trung Quốc) đối với Arunachal Pradesh. Chúng tôi muốn chính phủ đàm phán với Trung Quốc để tìm giải pháp cho vấn đề này”.
Những tranh cãi liên quan bản đồ mới của Trung Quốc xuất hiện khi Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari đang ở Bắc Kinh tham dự các sự kiện kỷ niệm 60 năm ký hiệp định Panchsheel, trong đó có 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Trong cuộc họp báo hôm 26/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, khẳng định, việc phát hành bản đồ trên của Trung Quốc là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế khi đưa ra “đường 10 đoạn” nuốt gần trọn biển Đông. Nhiều nước trên thế giới cũng lên án tấm bản đồ phi pháp này, cho rằng nó đi ngược lại luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Vietnam+