Bắc Kinh lên kế hoạch triển khai một trong những gói kích thích tài khoá lớn nhất trong 5 năm, chủ yếu bằng hình thức ưu đãi thuế và trợ cấp nhằm tăng cường năng lực sản xuất thiết bị bán dẫn và các hoạt động nghiên cứu liên quan, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết.
Theo các nhà phân tích, điều này báo hiệu cách tiếp cận trực tiếp hơn của Trung Quốc nhằm định hình tương lai của ngành công nghiệp vốn đang là tâm điểm của cạnh tranh địa chính trị toàn cầu.
Giới phân tích cũng cho rằng điều này sẽ càng khiến Mỹ và các đồng minh lo lắng về năng lực cạnh tranh của Trung Quốc trong ngành này.
Kế hoạch của Trung Quốc có thể sẽ được triển khai ngay trong quý 1 năm sau, hai nguồn tin nắm được tình hình cho biết.
Phần lớn gói hỗ trợ này sẽ được chi cho các công ty mua thiết bị, máy móc sản xuất thiết bị bán dẫn.
Những công ty đó sẽ được trợ cấp 20% chi phí mua sắm.
Tháng 10 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ thông qua hàng loạt quy định, trong đó cấm các phòng nghiên cứu và trung tâm dữ liệu thương mại tiếp cận chip AI tiên tiến, cùng với nhiều biện pháp hạn chế khác.
Hà Lan không thuận
Mỹ cũng đang vận động một số đối tác, trong đó có Nhật Bản và Hà Lan, siết chặt xuất khẩu sang Trung Quốc những loại máy móc, thiết bị dùng để làm thiết bị bán dẫn.
Tuy nhiên, ngày 13/12, giám đốc điều hành hãng máy sản xuất thiết bị bán dẫn Hà Lan ASML Holding NV, bày tỏ hoài nghi rằng liệu việc Mỹ vận động Hà Lan áp quy định mới về hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc có ý nghĩa gì không.
“Có thể họ nghĩ chúng tôi nên tham gia, nhưng ASML đã hy sinh rồi”, CEO Peter Wennink nói trong cuộc trả lời phỏng vấn báo NRC Handelsblad.
Ông cho biết, với sức ép của Mỹ, chính phủ Hà Lan đã hạn chế ASML xuất khẩu máy in thạch bản tiên tiến nhất cho Trung Quốc từ năm 2019, nhưng ông nói rằng điều này giúp các công ty Mỹ hưởng lợi khi có thể bán cho Trung Quốc công nghệ thay thế.
Ông Wennink cho biết 15% doanh số của ASML là cho Trung Quốc, nhưng tỷ lệ của các nhà cung cấp Mỹ lên đến 25 hoặc hơn 30%.