Định hình liên minh Chip 4

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chip 4, liên minh công nghiệp bán dẫn gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), đang dần hình thành với những trắc trở ban đầu và toan tính dài lâu.

Tháng 3/2022, Chính phủ Mỹ đề xuất thành lập liên minh công nghiệp bán dẫn với các đối tác châu Á, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan để tận dụng thế mạnh của từng thành viên, chi phối tất cả các lĩnh vực chính của chuỗi giá trị.

Mỹ mạnh về thiết kế và giữ tất cả giấy phép công cụ Tự động hóa thiết kế điện tử (EDA). Mỹ cũng có nhiều cơ sở chế tạo bán dẫn nhất thế giới.

Đài Loan là trung tâm toàn cầu về sản xuất bán dẫn; hơn 60% lượng chip của thế giới là do hai hãng TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới) và UMC của Đài Loan sản xuất. Đài Loan cũng là trung tâm cho tất cả các quy trình lắp ráp, kiểm tra, đánh dấu và đóng gói (ATMP) thông qua các công ty nội địa như Foxconn, Winstron…

Hàn Quốc có công ty bán dẫn khổng lồ là Samsung, với cả năng lực thiết kế và sản xuất chip. Nhật Bản thống trị trong việc cung cấp vật liệu và thiết bị sản xuất quan trọng như chất cản quang, kỹ thuật quang khắc…

Định hình liên minh Chip 4 ảnh 1

Tháng 3/2022, Chính phủ Mỹ đề xuất thành lập liên minh công nghiệp bán dẫn với các đối tác châu Á, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: NPR

Tuy nhiên, liên minh Chip 4 khó phát triển nhanh và suôn sẻ vì yếu tố Trung Quốc, giới quan sát nhận định. Trung Quốc vừa phản đối liên minh vừa có thị trường hàng điện tử khổng lồ để lôi kéo các thành viên của liên minh về phía mình.

Ngày 9/8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học 2022, nhằm nâng cao năng lực sản xuất bán dẫn của Mỹ và hợp tác với các đồng minh mạnh về chip để xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn thực sự mạnh. Ban đầu, dự luật dự kiến rót 52 tỷ USD, nhưng khi được thông qua, số tiền đầu tư ước tính lên tới gần 250 tỷ USD.

Băn khoăn

Tháng 8/2022, Hàn Quốc tuyên bố sẽ tham dự cuộc họp trù bị đầu tiên của 4 chip (dự kiến cuối tháng 8 đầu tháng 9 nhưng đến nay chưa diễn ra). Hàn Quốc vẫn chưa thể hiện sự hào hứng tham gia liên minh, chủ yếu vì yếu tố Trung Quốc. Trung Quốc hiện vẫn là thị trường lớn nhất của các công ty bán dẫn Hàn Quốc. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục và Hong Kong chiếm khoảng 60% xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc. Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất chip nhớ (tổng giá trị thị trường là 70 tỷ USD) và Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất. Năm 2021, Hàn Quốc xuất khẩu 69 tỷ USD chip nhớ, với khoảng 40% là xuất sang Trung Quốc đại lục (tính cả Hong Kong là 60%). Các công ty Hàn Quốc dựa vào các doanh nghiệp Trung Quốc để có được nguyên liệu quan trọng sử dụng trong sản xuất chip. Cơ sở sản xuất chip nhớ hải ngoại duy nhất của Samsung là ở Tây An (Trung Quốc) và chiếm khoảng 40% sản lượng chip nhớ của hãng.

“Dù muốn hay không, Trung Quốc là một thị trường rộng lớn và từ bỏ thị trường này không phải là một lựa chọn. Chúng tôi cần tiếp tục hợp tác kinh tế với Trung Quốc nếu có thể và đạt được tiến bộ về điều đó”, Chủ tịch SK Group Chey Tae-won phát biểu trong một cuộc họp báo. SK Hynix có các nhà máy ở Vô Tích, Trùng Khánh và Đại Liên (Trung Quốc) nên gặp khó khăn khi trang bị máy móc tiên tiến như thiết bị in thạch bản cực tím sau khi Mỹ chặn xuất khẩu sang Trung Quốc.

Lần cuối cùng chính phủ Hàn Quốc quyết định liên minh với Mỹ chống Trung Quốc là vào năm 2016. Cụ thể là đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất Hàn Quốc. Trung Quốc đã áp đặt các lệnh cấm vận khắc nghiệt đối với hàng hóa và dịch vụ của Hàn Quốc để trả đũa, làm tê liệt các doanh nghiệp Hàn Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu. Vì vậy, giới chức và lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc hiện lo sợ kịch bản tái diễn nếu Hàn Quốc gia nhập Chip 4.

Các đại gia chip Hàn Quốc đã đầu tư hàng tỷ đô la vào các cơ sở sản xuất quan trọng ở Trung Quốc. Samsung Electronics có các cơ sở sản xuất chip nhớ lớn tại hai thành phố của Trung Quốc là Tây An và Tô Châu. SK Hynix đã xây dựng các cơ sở kinh doanh chip nhớ DRAM và NAND của mình tại các thành phố Vô Tích và Đại Liên của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc hoàn toàn vũ khí hóa hàng hóa xuất khẩu bán dẫn của Hàn Quốc. Các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc kể từ năm 2020 đã kìm hãm việc các công ty Trung Quốc tiếp cận các thiết bị và nguyên liệu bán dẫn quan trọng. Điều này đã khiến ngay cả các công ty bán dẫn lớn nhất của Trung Quốc phụ thuộc vào các hãng Hàn Quốc, như Samsung, SK Hynix… Vì thế, nếu Trung Quốc trả đũa khắc nghiệt đối với Hàn Quốc, các công ty bán dẫn Trung Quốc khó mà tăng trưởng được.

Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, nước này chiếm 70% tổng nhu cầu toàn cầu về máy tính xách tay và hơn 80% nhu cầu toàn cầu về thiết bị cầm tay di động. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu chất bán dẫn trị giá 350 tỷ USD, trong đó Mỹ và Hàn Quốc là các nhà cung cấp chính. Là một nước tiêu thụ hàng điện tử lớn, việc loại trừ Trung Quốc khỏi thị trường xuất khẩu cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tài chính và lợi nhuận của các công ty Mỹ.

Ngoài ra, chuỗi cung ứng chất bán dẫn không chỉ đơn thuần là fab (nhà máy biến các tấm silicon thô thành các mạch tích hợp), nhà máy lắp ráp và trung tâm thiết kế. Vì vậy, ngay cả khi Chip 4 chính thức liên thủ, khả năng tự cung tự cấp vẫn là giấc mơ xa vời, giới phân tích nhận định.

MỚI - NÓNG