Mỹ đưa tàu sân bay đắt đỏ nhất tập trận cùng đồng minh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau nhiều năm trì hoãn và trục trặc với công nghệ mới, tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ vừa lên đường thực hiện nhiệm vụ đầu tiên trong tuần tới, với cuộc tập trận cùng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác, vào thời điểm quan hệ Mỹ - Nga đang rất căng thẳng vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Mỹ đưa tàu sân bay đắt đỏ nhất tập trận cùng đồng minh ảnh 1

Tàu sân bay Mỹ USS Gerald R. Ford lên đường tập trận sau nhiều trục trặc. Ảnh: US Navy

Ngày 26/9, tàu USS Gerald R. Ford cùng một nhóm tàu chiến rời căn cứ lớn nhất thế giới của Hải quân Mỹ ở Norfolk (bang Virginia, Mỹ), Hải quân Mỹ cho biết trong thông cáo đưa ra ngày 30/9.

Nhóm tàu tác chiến này sẽ cùng tàu của các nước ven Đại Tây Dương khác, trong đó có Pháp, Đức, và Thụy Điển, tham gia nhiều hoạt động diễn tập, bao gồm tác chiến chống ngầm.

“Đại Tây Dương là khu vực lợi ích chiến lược. Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là đóng góp cho một khu vực Đại Tây Dương hòa bình, ổn định và không có xung đột, thông qua năng lực hải quân phối hợp với các đồng minh và đối tác”, Phó đô đốc Daniel Dwyer cho biết trong thông cáo.

Phó đô đốc Dwyer chỉ huy Hạm đội 2 của Hải quân Mỹ, chịu trách nhiệm giám sát các tàu chiến Mỹ hoạt động trong khu vực từ Bờ Đông của Mỹ đến Biển Barents ở ngoài khơi Na Uy và Nga. Mỹ tập trung hơn vào Bắc Đại Tây Dương trong những năm gần đây, sau khi quân đội Nga gia tăng hoạt động ở khu vực này.

Đợt tập trận tuần tới diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã kéo dài 7 tháng. Các nước phương Tây, bao gồm Mỹ, tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói sẽ đưa thêm quân ra chiến trường và ngụ ý khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn Ukraine lấy lại những khu vực đã vào tay Nga.

Bradley Martin, một nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách tại hãng RAND, nói với AP rằng đợt tập trận tuần tới sẽ thể hiện năng lực quân sự của Mỹ và sự ủng hộ dành cho NATO, và lo ngại về Nga là một phần trong tính toán.

“Họ cũng cho Nga thấy rằng có rất nhiều lực lượng mà Nga phải đối phó nếu vượt ra khỏi Ukraine hoặc leo thang ở Ukraine theo cách mà chúng tôi không thể chấp nhận”, ông Martin, một đô đốc Mỹ nghỉ hưu, nói.

Ông Martin nói rằng đội tàu sân bay Mỹ thể hiện năng lực vượt trội của nước này trong việc triển khai các máy bay chiến đấu khắp thế giới. Dù tàu USS Ford gặp phải một số vấn đề, nhưng nó vẫn là một phần trong màn thể hiện năng lực quân sự của Mỹ.

Tàu Ford ra khơi sau 5 năm được đưa vào biên chế. Nó từng gặp phải nhiều vấn đề, như trục trặc hệ thống phóng và thang nâng để đưa tên lửa và bom lên máy bay.

Con tàu trị giá 13,3 tỷ USD, đắt nhất trong số các tàu Mỹ, là sản phẩm đầu tiên trong đội tàu lớp Ford của Hải quân Mỹ. Lớp tàu này được thiết kế để mang theo nhiều loại máy bay hơn và vận hành với số thủy thủ ít hơn so với các tàu khác. Lớp tàu này dùng một hệ thống điện từ để phóng máy bay, thay thế máy phóng hơi nước, vì thế có thể tăng thêm 1/3 số chuyến bay so với bình thường.

Một báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ từ cuối tháng 8 cho biết Hải quân Mỹ “chật vật để thực hiện lời hứa đã đưa ra” về việc hoàn thành, thử nghiệm và chứng nhận thang nâng vũ khí. Hải quân cho biết thang nâng thứ 11 và cũng là cuối cùng của tàu được chứng nhận vào tháng 12 năm ngoái.

Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó nói với tạp chí Time rằng Hải quân nên chuyển sang hơi nước để phóng máy bay vì hệ thống điện từ “tốn thêm hàng trăm triệu đô la mà không tốt”.

Ông Dywer nói với báo chí hôm 26/9 rằng tàu Ford “đã thực hiện thành công hơn 10.000 lần phóng và đáp máy bay xuống boong”.

MỚI - NÓNG