Cả nhà lạc nhau
Câu chuyện về ông Nguyễn Niết (87 tuổi) trở tìm lại vợ và các con sau 40 năm khiến người dân thôn Phước Thành xã Quế Thuận (Quế Sơn, Quảng Nam) không khỏi ngỡ ngàng. Riêng bà Phan Thi Tý (85 tuổi) và các con cháu bàng hoàng, xúc động. Hơn mấy chục năm qua, bàn thờ gia đình bà Tý nghi ngút hương khói cho người chồng đang ngồi trước mặt bà. Sau hơn 1 tháng từ ngày ông Niết về sống với gia đình, bà Tý vẫn cứ ngỡ là mơ.
Căn nhà bà Tý từ ngày có ông về rộn rã tiếng cười nói. Bà Tý từ ốm đau bỗng khỏe mạnh, ra vào tỉnh táo và linh hoạt. Ở tuổi gần đất xa trời, gặp lại nhau dù muộn màng nhưng với họ đó là cái phước ở đời, phúc phận cho con cháu.
Trong câu chuyện về những tháng ngày biệt ly mà ông bà kể cho chúng tôi nghe hôm nay thấm đẫm nước mắt và nỗi nhớ nhung đằng đẵng 40 năm trời. Cả ông bà chỉ nhớ vào một ngày nắng nóng của tháng 2/1975, khi chiến tranh ác liệt, chính quyền cũ dồn dân và đưa lên những con tàu lớn để di chuyển.
Ngày đó, sau hơn 20 năm sống nghĩa vợ chồng, ông bà có 4 mặt con. Ngày chạy loạn, bà Tý bồng con gái út tên Liên chưa đầy 2 tuổi và 2 người con là Ty và Huệ xuống Hội An rồi ra cảng Đà Nẵng lên tàu. Ông Niết cùng cậu con trai tên Sơn (10 tuổi) tụt lại phía sau, nhưng cũng đuổi kịp theo đoàn lưu dân.
Trong ký ức của ông Niết và bà Tý, ngày đó họ cùng hàng ngàn người khác được những con tàu nhỏ đưa lên một sà lan lớn trên biển di chuyển vào Cam Ranh. Sà lan chật kín người, nhưng thiếu đồ ăn và nước uống.
Ông Niết kể: Sà lan chật cứng người, dọc đường đi lại đón và nhét thêm nhiều người từ những con tàu nhỏ ở đất liền ra. Sau hai đêm một ngày lênh đênh trên biển mọi người lả đi vì đói và khát. Vì khát nên người dân phải múc nước biển lên lọc uống, khiến nhiều người bị tả, chết la liệt. Cảnh tượng đó vẫn còn ám ảnh ông đến bây giờ.
Khi sà lan chuẩn bị cập cảng, vì thương vợ con đang đói khát, ông theo ca nô qua tàu khác cố đi tìm nước uống cho gia đình. Nhưng khi quay lại ông chỉ thấy Sơn ngồi một mình ở vị trí cũ. Ông tá hỏa đi tìm thì mọi người nói rằng vợ con ông đã chết và rơi xuống biển. Ông cố lật từng xác chết trên sà lan tìm vợ con nhưng không thấy. Ông tin lời nói của mọi người là sự thật. Ông cùng cậu con trai xuống cảng lang bạt từ đó.
Về phần mình, bà Tý kể, khi chờ chồng lâu không thấy, trong khi con gái út 2 tuổi đang lả vì khát nên bà phải ẵm đi xin nước và tìm chồng. Nhưng rồi giữa biển người bà lạc chồng và 3 con. Sà lan cập cảng, bà Tý ẵm con theo dòng người đi tìm chồng con suốt một ngày trời nhưng không thấy.
Không thấy chồng con, bà bồng con rồi tìm cách bắt xe quá giang về lại quê nhà. Mất gần 1 tháng trời bà Tý và con gái út mới về đến Quế Sơn. Một tháng sau, Nguyễn Thị Ty con gái đầu của bà cũng tìm về quê sống với mẹ. Riêng ông Niết, cùng 2 người con trai Sơn và Huệ bặt vô âm tín.
Đằng đẵng nhớ thương
Chuyện dài hơn 40 năm mới tìm về quê hương khiến ông Niết không giấu được nỗi buồn tủi. Ông bảo, đó là quãng thời gian ông sống trong nhớ thương và dằn vặt. Nhưng vì cứ đinh ninh rằng vợ con đã chết và phần vì cuộc sống nghèo khó ông không có điều kiện về thăm quê dù chỉ một lần.
Ông Niết bùi ngùi kể lại đời lưu lạc của mình
Ông tiếp câu chuyện về đời lưu lạc của mình trong nghẹn ngào, rằng sau khi xuống Cam Ranh ông và người con trai sống cuộc sống lang bạt nay đây mai đó trong đói nghèo, túng quẫn. Ông xin ở nhờ nhà người dân rồi làm đủ thứ nghề để nuôi con qua ngày. Mấy năm sau, ông xin được mảnh đất ở thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam (Cam Lâm, Khánh Hòa) làm vườn.
Về phần bà Tý, sau khi về quê, chờ chồng mãi không thấy bà quyết ở vậy nuôi con. Bà kể, khoảng 5 năm sau, đứa con trai Nguyễn Văn Huệ tìm về, bà vui mừng khôn xiết. Huệ kể rằng, bị lạc cha mẹ ở cảng, rồi lang thang phiêu bạt xuống Sài Gòn. May mắn được một gia đình nhận làm con nuôi, cho ăn học đàng hoàng. Nay, anh Huệ đã có gia đình, làm ăn và sinh sống tại Sài Gòn. Hằng năm vẫn về thăm mẹ và chị em.
Vì chờ chồng con mãi không thấy về, bà Tý và con đi xem bói. Thầy bói phán rằng chồng và con đã chết. Bà tin theo, lập bàn thờ hương khói, hằng năm lấy ngày 12/2 âm lịch làm ngày giỗ. Bà Tý sống trong nhớ thương, chịu nhiều khổ cực nuôi hai người con Ty và Liên khôn lớn, dựng gia đình riêng.
Cuộc trùng phùng bất ngờ
Cuộc trùng phùng sau 40 năm của ông Niết, bà Tý và các con cháu diễn ra ngỡ ngàng. Chuyện bắt đầu từ việc đứa con út Nguyễn Văn Hải (con của ông Niết với người vợ ở Khánh Hòa) vì thương bố mình nên quyết tâm giúp bố tìm về quê cũ. Anh Hải lần theo địa chỉ bố mình cung cấp, tìm về Quế Sơn xác minh thông tin về bố. Về đến xã Quế Thuận, anh Hải bất ngờ trước thông tin chính quyền xã Quế Thuận cho hay, vợ ông Niết và con vẫn còn sống.
Tin anh Hải về quê xác minh thông tin bố mình đến tai chị Liên. Hỏi rõ ngọn ngành, chị Liên báo cho mẹ và chị Ty biết. Tất cả đều bất ngờ nhưng không tin đó là sự thật. Mấy ngày sau, chị Liên cùng chồng và chị Ty lặn lội vào Khánh Hòa để xác minh thực hư. Vào đến nơi, tất cả vỡ òa trong nước mắt khi nhận ra bố mình vẫn còn sống.
Hai chị em ôm bố khóc nức nở: “sao 40 năm trời bố không về với mẹ và chúng con”. Ông Niết vui mừng khôn xiết. Bàn thờ vợ và các con được ông hạ xuống trong niềm xúc động vô bờ bến. Ông hồi hộp chuẩn bị hành trang về quê gặp lại những người yêu thương.
Ông Niết và bà Tý vui với con cháu
“Cảm ơn ông trời cho tôi tìm lại được vợ và con mà tôi tưởng đã chết. Suốt bao nhiêu năm, tôi sống trong day dứt và giày vò, đêm nào cũng nằm mơ thấy vợ và con. Giờ tìm lại, được sống bên con cháu anh em họ hàng sau bao năm biền biệt, tôi mãn nguyện lắm rồi” ông Niết bùi ngùi.
Về lại quê cũ, cảnh vật con người đổi thay nhiều, nhưng ông bảo, không đâu sướng bằng sống ở quê nhà. Vì đã tuổi cao, sức yếu ông Niết cho biết sẽ ở lại sống với bà Tý và con cháu một thời gian rồi vào lại Khánh Hòa. Ông bảo, giờ ở Khánh Hòa hay Quế Sơn ông cũng có con cháu đề huề, đó cũng là một niềm hạnh phúc. Ông chỉ mong có sức khỏe để đi về cố hương, sống cuộc sống an nhàn tuổi già bên con cháu… Vợ ông bây giờ sẻ chia và cảm thông cho ông điều đó.